Chưa có bằng chứng khoa học khẳng định máy sục ozone loại bỏ hoàn toàn hóa chất và vi khuẩn trong thực phẩm
Người dùng cần lưu ý cách sử dụng ngân hàng trực tuyến an toàn tại Việt Nam
Viettel IDC cùng các tập đoàn công nghệ tổ chức hội nghị về điện toán đám mây bền vững
Thông báo ngừng cung cấp dịch vụ VCB Digibank trên các thiết bị Android bị Hook
Hiện nay, vấn đề thực phẩm không an toàn, chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến gia cầm, gia súc bị nhiễm khuẩn, luôn là vấn đề gây lo lắng cho người tiêu dùng. Chính vì điều này mà thời gian gần đây việc sử dụng máy tạo ozone để khử độc thực phẩm ngày càng nhiều. Nhiều người xem đây là giải pháp để bảo vệ sức khoẻ trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Từ nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao nên trên mạng xuất hiện nhiều trang wed bán hàng với những lời quảng cáo có cánh như: Máy sục ozone giá tốt, miễn phí vận chuyển; máy sục ozone khử hoàn toàn hóa chất từ hoa quả; máy sục ozone không lo bị ngộ độc từ hóa chất...Giá mỗi máy sục ozone cũng được rao bán khác nhau từ vài trăm cho tới vài triệu đồng.
Theo như quảng cáo, trên thị trường các loại máy này vẫn được bày bán và quảng cáo trên các trang mạng như chiếc máy "vạn năng". Chúng được quảng cáo là máy khử độc thực phẩm kèm nội dụng có thể giúp giải quyết triệt để dư lượng hóa chất, kim loại nặng và trứng giun sán, ấu trùng bám trên rau, kẽ rau củ...
Tuy nhiên các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khi sử dụng các loại máy khử độc, sục thực phẩm. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thực tế chúng ta chỉ cần rửa sạch rau thịt là ăn được, không cần phải sục. Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định khử ozone có thể giúp loại bỏ hoàn toàn các hóa chất bảo vệ còn tồn dư trong thực phẩm.
Ông Thịnh nói, nhiều công ty sản xuất một số loại máy phát ra ozone hoặc máy phát ra ion âm. Khi ozone vào trong nước sẽ tách oxy giúp tiêu diệt vi khuẩn, nhưng không diệt được trứng giun, trứng sán. Vì vậy không phải cái gì máy ozone cũng diệt được.
Theo Công ty Cổ Phần Dược Phẩm FPT Long Châu chia sẻ, hiện máy tạo ozone bán khá nhiều trên thị trường để khử trùng, diệt khuẩn. Nhưng nhìn chung, một chiếc máy tốt đòi hỏi kỹ thuật cao, hiệu suất khi sử dụng hợp lý và an toàn cho người sử dụng. Nếu ozone dư thừa sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ngược lại, nếu lượng ozone thấp thì không có tác dụng gì.
Ngoài ra, trong khi sử dụng máy ozone còn tạo ra NO2, rất có hại cho đường hô hấp. Máy ozone đạt tiêu chuẩn phải có bộ phận xử lý làm khô không khí để khắc phục tình trạng sinh ra khí NO2. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các loại máy ozone bán trên thị trường đều không có bộ phận này do giá thành quá cao.
Cần lưu ý một tác dụng bất lợi của ozone. Để có tác dụng phân hủy hóa chất và khử trùng, máy tạo ozone phải có nồng độ ozone đủ lớn, nhưng ozone thoát ra từ quá trình loại bỏ vi khuẩn trong thực phẩm sẽ có hại cho sức khỏe của người sử dụng. Đặc biệt là những người có vấn đề về phổi hoặc hen suyễn. Khí ozone dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi, các bệnh về đường hô hấp.
Ngộ độc ozone thường bắt đầu với các triệu chứng như đau đầu, khó thở và ho khan. Trong trường hợp nặng hơn, có thể bị hen suyễn hoặc tổn thương thị lực, đục thủy tinh thể dẫn đến mù lòa. Do đó khi ngửi thấy mùi hôi tanh khi đang sử dụng ozone thì nên tránh xa ngay. Ngoài ta khí ozone cũng có thể làm hỏng vật liệu bằng cao su và nhanh chóng làm hoen gỉ các đồ vật bằng kim loại.
Trước đó, PGS.TS. Phạm Duy Hiển, nguyên Giám đốc BV K Trung ương cũng cho biết, ông ngạc nhiên khi người ta đưa máy khử trùng ozone vào sử dụng trong gia đình với hi vọng loại bỏ được các độc tố, vi khuẩn trong thực phẩm. Đây là một sai lầm rất tai hại. Bởi khí ozone có thể tiêu diệt sạch vi khuẩn bám trên bề mặt thực phẩm nhưng không thể diệt được nếu chúng ngấm sâu vào thực phẩm. Ozone diệt vi khuẩn nhờ tác dụng oxy hoá làm hỏng màng tế bào của vi khuẩn, bẻ gãy các mối liên kết của ADN, đông vón Protein và các chất mỡ...Các chất sủi bọt tạo váng khi sục ozone chính là các chất này. Nhưng khi thực phẩm sạch hoặc các chất độc được các cây, con, củ, quả hấp thu vào trong cơ thể thì dù sục ozone trực tiếp cũng không loại bỏ được hết các độc tố, siêu vi khuẩn đó.
Mặt khác, sục ozone vào thực phẩm tạo ra các váng nhầy, nhưng phía sau đó là các chất đang phân huỷ thối rữa, các chất độc hại được oxy hoá khử sẽ ra chất trung gian. Chất trung gian này không ai biết là chất gì. Nếu như các chất tận cùng trong quá trình chuyển hoá tự nhiên của cơ thể sống được đào thải qua phân, nước tiểu, hơi thở, mồ hôi... Thì ở đây là các chất trung gian do oxy hoá chưa biết là gì mà cứ yên tâm ăn, rất nguy hiểm.
Đồng thời nên hiểu rằng, ozone phải được tạo ra từ oxy sạch và làm khô để sản xuất và để có được oxy sạch nhà sản xuất sẽ phải lắp thêm bộ phận làm sạch oxy và làm khô nó. Tuy nhiên giá của bộ phận này rất cao, vì thế giá thành máy "sục" cũng phải rất cao, không ai đủ sức mua nên họ bỏ qua khâu này. Vì trong không khí oxy sạch chỉ chiếm 20,9% thể tích khí thường mà chứa đến 70% là khí ni tơ, khi máy sục ozone hoạt động với khí trời sẽ tạo ra NO3 là chủ yếu và kết quả chúng thải ra không khí NO3 và ozone đầy độc tính.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, một chuyên gia về ozone, những tác hại trên của máy ozone là có thật khi sử dụng không đúng. Đối với thực phẩm bẩn, máy ozone không hề có tác dụng trong việc làm sạch. Hơn nữa, khi người sử dụng tiếp xúc với khí ozone nồng độ cao, trong một thời gian dài rất có thể sẽ làm ảnh hưởng đến đường hô hấp.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, những máy sục ozone không rõ nguồn gốc xuất xứ, thông số kỹ thuật cũng tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe của người sử dụng. Khi nhà sản xuất sẵn sàng đẩy công suất máy sục lên cao hơn 30 - 40 lần so với ngưỡng quy định để diệt nhanh vi khuẩn. Máy kém chất lượng còn sinh ra nhiều khí NO, một trong những tác nhân gây ra ung thư vòm họng.
Tại nhiều quốc gia, máy ozone chỉ dùng trong công nghiệp, bảo quản thực phẩm sau thu hoạch hoặc dùng để vệ sinh chai, lọ. Nhưng hiện nay, máy này cũng không được sử dụng rộng rãi vì tác dụng độc hại với người sử dụng và gây ô nhiễm môi trường.
Cách tốt nhất, đơn giản, hiệu quả hơn nhiều lại không mất tiền là rửa thực phẩm nhiều lần bằng nước sạch. Rửa với nước sạch nếu có thuốc trừ sâu cũng sẽ bị hoà tan, trứng giun, trứng sán, đất cát cũng bị phân tán. Rửa bằng nước và rửa nhiều lần, cuối cùng là rửa trực tiếp thực phẩm dưới vòi nước chảy, hoá chất hay bụi bẩn bám trên bề mặt thực phẩm sẽ được làm sạch.
Đối với thịt cá, nếu người nuôi cho ăn các chất tăng trọng, sinh trưởng mà những chất này ngấm vào từng thớ thịt, cá thì không bao giờ có thể làm sạch được. Thịt cá mua ở siêu thị về vẫn cần ngâm, rửa 2- 3 nước để làm sạch bề mặt và chất bẩn bên trong rồi mới đem chế biến. Cách tốt nhất để có thực phẩm an toàn là các nhà sản xuất nên áp dụng mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch, việc sử dụng công cụ rửa, khử chỉ là giải pháp tình thế.
Chuyên gia cũng lưu ý, các bà nội trợ khi mua sắm thực phẩm hãy dùng chính kinh nghiệm, sự tinh tế để quan sát và nhận biết thực phẩm nào nên mua, thức ăn nào nên tránh. Việc các nhà sản xuất giới thiệu máy sục có chức năng tiêu diệt sạch độc tố, hoá chất tồn dư trong thực phẩm chỉ là những nội dung mang tính chất tuyên truyền để quảng cáo bán sản phẩm.
An Dương (T/h)