Chuyển đổi xanh- yêu cầu cấp thiết để ngành dệt may phát triển bền vững

author 07:07 02/12/2023

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) và Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD), để phát triển bền vững, ngành dệt may Việt Nam cần đón đầu “chuyển đổi xanh” trước khi quá muộn.

Ngày 1/12/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh khu vực TP HCM (VCCI-HCM) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Global PR Hub tổ chức hội thảo chuyên đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình Tăng trưởng Xanh". Sự kiện thu hút hơn 100 doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam tham dự.

 Ngành dệt may Việt Nam cần đón đầu “Chuyển đổi Xanh” trước khi quá muộn

Tại hội thảo, nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh của ngành dệt may Việt Nam được đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) và Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD).

Theo ông Nguyễn Hữu Nam- Phó Giám đốc VCC HCM, biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon hay phát triển bền vững là những từ khóa được quan tâm hiện nay. Trong khi đó, dệt may là một trong những ngành công nghiệp luôn phải chịu áp lực hàng đầu trước xã hội và người tiêu dùng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì vậy, xanh hóa ngành dệt may là đang là cuộc đua của nhiều nhãn hàng may mặc trên thế giới với hàng loạt tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử với môi trường được đưa vào áp dụng cho nhà cung cấp.

Điều này cùng với các quy định ngày càng khắt khe hơn của các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu và Mỹ khiến cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đứng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không thực hiện chuyển đổi xanh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Phó Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, nhiều quy định (chứng chỉ LEED, Thẩm định Chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc) và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi.

 Phiên thảo luận “Những ví dụ điển hình và bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển”

Bà Lành Huyền Như- Business Scout- Quản lý dự án Chuỗi Cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức (AHK Việt Nam) cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, khía cạnh bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội (chuyển dịch công bằng) trong EVFTA vẫn chưa được định hướng rõ ràng và cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam so với khía cạnh bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước tác động của thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU.

Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh. Năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời được xem là một trong những giải pháp lâu dài cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất dệt may xanh, bền vững.

Ngoài ra, các giải pháp sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, đáp ứng các tiêu chí về môi trường, đồng thời góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia là giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mức phát thải ròng “bằng 0” vào năm 2050.

Theo các chuyên gia, cũng như bất kỳ khoản đầu tư nghiêm túc nào khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, an toàn là một trong những vấn đề cần lưu tâm nhất. Các quy định về an toàn đang được các công ty bảo hiểm, cơ quan phòng cháy chữa cháy và chính phủ trên toàn cầu đặc biệt quan tâm.

Đại diện của SolarEdge, một trong những công ty tiên phong về giải pháp biến tần năng lượng mặt trời sử dụng công nghệ tối ưu công suất optimizer, đã chia sẻ về các quy định kỹ thuật an toàn quốc tế và yêu cầu bảo hiểm tại một số quốc gia mà các doanh nghiệp Việt nên lưu ý. Trong đó có Tiêu chuẩn An toàn tại Hoa Kỳ - NEC 2017, NEC 2020 và khuyến nghị từ các công ty bảo hiểm hàng đầu.

SolarEdge cũng chia sẻ nhiều câu chuyện thành công trong khu vực, trong đó có hệ thống điện mặt trời với các giải pháp an toàn tiên tiến lắp đặt tại một doanh nghiệp dệt may lớn tại Đài Loan, nơi có nguy cơ cao gặp thiên tai như giông bão, động đất, có thể gây khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Ông Nguyễn Hữu Nam- Phó Giám đốc VCCI-HCM cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh để tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Hội thảo đã cho thấy mức độ quan tâm sâu sắc của các doanh nghiệp Việt Nam về những cam kết chung vì một Tương lai Xanh của ngành Dệt May”.

Năm 2023, ngành dệt may có những biến động với lượng hàng hoá tồn kho toàn cầu thách thức rất lớn, làm cho nền công nghiệp dệt may chịu tác động lớn. Theo đại diện VITAS, trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt trên 33 tỷ USD, ước cả năm nay đạt khoảng hơn 40 tỷ USD. Hiện dệt may Việt Nam đang thực hiện đơn hàng cho 104 thị trường, trong đó lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ.

VITAS cho biết, hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng tích cực thực hiện xanh hóa, giảm phát thải nhà kính, tiếp tục đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt điện, giảm việc đốt bằng nhiên liệu hóa thạch, ứng dụng công nghệ số, tạo minh bạch trong sản xuất kinh doanh...

Tuy vậy, những Chuyển dịch Xanh của các doanh nghiệp dệt may hiện mới đang ở bước khởi đầu, cần tiếp tục tăng tốc đầu tư cho chuyển đổi xanh để đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu. Chỉ có như vậy ngành dệt may mới phát triển bền vững, giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang