Cơ sở khám chữa bệnh liên tiếp bị xử phạt vẫn tái phạm: Khi lợi nhuận ‘đè’ chất lượng

author 19:21 22/12/2022

(VietQ.vn) - Dù liên tiếp bị xử phạt, thậm chí đình chỉ hoạt động, nhiều phòng khám đa khoa, thẩm mỹ viện vẫn ngang nhiên mở cửa bất chấp “chế tài” của cơ quan chức năng.

Phạt, phạt nữa, phạt mãi…

Là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước, tại TP.HCM có hàng ngàn bệnh viện, phòng khám đa khoa, cơ sở y tế… để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở y tế chất lượng tốt, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cũng có không ít cơ sở kém chất lượng, hoạt động vượt quá phạm vi được cấp phép hoặc không có giấy phép hành nghề…

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành hàng trăm quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm. Trong đó, không thiếu các cơ sở thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, phòng khám đa khoa hay thậm chí là cá nhân.

Cá biệt, có những đơn vị chỉ trong một năm đã bị Thanh tra Sở xử phạt 3, 4 lần. Tuy nhiên, sau khi xử phạt, mọi việc dường như lại đâu vào đấy.

Có thể kể đến như Phòng khám đa khoa quốc tế Hồng Phong (160-162 Lê Hồng Phong, Phường 3, Quận 5). Tính riêng trong năm nay, phòng khám này đã 4 lần bị phạt vì hành vi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh. Mới đây nhất, vào đầu tháng 12, cơ sở này lại tiếp tục bị phạt 100 triệu đồng, cũng do lỗi trên.

Tương tự, Phòng khám đa khoa Quốc tế (221 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) dù vi phạm và bị xử lý nhiều lần nhưng vẫn thường xuyên tái phạm, cụ thể bị tước giấy phép hoạt động nhưng vẫn mở cửa đón tiếp khách.

Một trường hợp khác là Thẩm mỹ viện 304 thuộc Công ty TNHH TMV Một thành viên 304 tại số 343/27 Tô Hiến Thành, Phường 12, Quận 10. Đây cũng là một trong những đơn vị bị đình chỉ nhưng vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách. Với trường hợp này, Cơ sở bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ra quyết định xử phạt 93,45 triệu đồng. Song song đó, đình chỉ hoạt động cơ sở 18 tháng và buộc phải giao nộp các vật chứng vi phạm và 450 nghìn đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Phòng khám đa khoa Hồng Phong từng bị kiểm tra và xử phạt nhưng vẫn thường xuyên tái phạm.

Không riêng gì những cơ sở này, còn rất nhiều cơ sở phòng khám, thẩm mỹ viện, làm đẹp khác cũng mắc một số lỗi tương tự. Tuy nhiên, nhiều cơ sở thẩm mỹ liên tiếp bị xử phạt, đình chỉ hoạt động là vậy nhưng số vụ vi phạm, số lần tái phạm vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Vậy câu hỏi đặt ra là, đơn vị nào sẽ kiểm tra, giám sát sau khi đình chỉ hoạt động những cơ sở này? Việc bị đình chỉ nhưng vẫn mở cửa hoạt động liệu có vi phạm pháp luật hay không? Việc xử phạt đối với hành vi trên liệu có quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên những cơ sở trên chấp nhận “vượt rào” để mở cửa kinh doanh?

Cần chế tài xử phạt mạnh hơn

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, Luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, có nhiều tổ chức, cá nhân có chức năng kiểm tra, quản lý việc những cơ sở hoạt động sau khi bị đình chỉ, chẳng hạn như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (xã, huyện, tỉnh); Người có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra y tế, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành y tế, bao gồm: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ; Chánh Thanh tra các Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chánh Thanh tra Bộ; Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị kiểm tra, quản lý là vậy nhưng vẫn xuất hiện nhiều cơ sở tái phạm.

Nhận định về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong phòng khám đa khoa, thẩm mỹ, làm đẹp, Luật sư Thảo cho biết, hình phạt đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời hạn bị đình chỉ là phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

“Tuy nhiên, vi phạm hành chính nhiều lần không được coi là tình tiết tăng nặng nên các phòng khám chỉ đối mặt với đúng mức phạt đã quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP,” Luật sư Thảo cho hay. 

Phòng khám đa khoa Quốc tế cũng nằm trong danh sách theo dõi của Sở Y tế thường xuyên bị phạt nhưng vẫn tái phạm.

Luật sư Thảo cho rằng, chế tài về quản lý vi phạm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ còn quá nhẹ, trong khi nguồn lợi nhuận từ lĩnh vực này mang lại quá lớn do đó chưa đủ tính răn đe. Bên cạnh đó, một phần nhu cầu thẩm mỹ ngày càng nhiều dẫn đến việc quản lý nhà nước còn khó khăn và nhiều thách thức.

“Việc tái phạm tại các phòng khám, thẩm mỹ viện không bị xử phạt nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng tái phạm diễn ra nhiều. Song, pháp luật nước ta chưa có quy định về việc tịch thu khoản lợi thu được từ hành vi vi phạm. Chính vì thế, đây cũng là kẽ hở để các phòng khám bấu víu vào”, Luật sư Thảo nhận định. 

Mục đích chính của việc phạt tiền là tạo lập khả năng tránh tái diễn hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức, tuy nhiên, việc này không khả thi đối với các phòng khám, thẩm mỹ viện “chây lỳ"... Mức phạt tiền hiện nay đối với một số hành vi vi phạm trong khám chữa bệnh còn quá thấp, “không thấm vào đâu” so với lợi nhuận thu được, dẫn đến tâm thế “khẩn trương nộp phạt”, cũng như tâm lý “nhờn luật” vì thế mà tăng cao, gây bức xúc trong dư luận. 

Để chấm dứt tình trạng này, Luật sư Thảo cho rằng, ngoài việc cân nhắc tăng chế tài, cần xem xét chế tài đối với hành vi tái phạm nên được xem là tình tiết tăng nặng hình phạt; bổ sung thêm biện pháp xử phạt bổ sung là “thu lợi bất chính thu được từ hành vi vi phạm" để sung vào công quỹ nhà nước. Đồng thời, siết chặt đầu vào về điều kiện, tiêu chuẩn được cấp phép hoạt động để nâng cao chất lượng phòng khám, cơ sở thẩm mỹ viện.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang