Công nghệ số: Giải pháp căn cơ và bền vững để doanh nghiệp chống lại nạn hàng giả, hàng nhái

author 16:59 06/12/2023

(VietQ.vn) - Bên cạnh các chế tài trong văn bản pháp luật liên quan đến chống hàng giả, hàng nhái, việc đưa công nghệ số vào quy trình tiêu thụ, mua bán hàng hóa đã trở thành “cứu cánh” cho doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến này.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện nay. Các loại hàng này len lỏi vào cuộc sống bằng nhiều con đường khác nhau với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chủ yếu là giả, nhái những thương hiệu nổi tiếng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở từ mạng internet để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, gây thất thu cho ngành thuế cũng như đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, do quy trình xử lý vi phạm chủ yếu là phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Việc đưa tem chống hàng giả trở thành một trong những giải pháp công nghệ chống hàng giả là một hướng giải pháp hiệu quả đến thời điểm này.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo nhằm tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều giải pháp ứng phó khác cũng được đưa ra, trong đó có giải pháp về công nghệ số.

Đưa công nghệ số giúp doanh nghiệp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái hiệu quả. Ảnh minh họa

Mới đây, Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023. Đề án này nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa...

Bên cạnh các chế tài trong văn bản pháp luật liên quan đến chống hàng giả, hàng nhái, việc đưa công nghệ số vào quy trình tiêu thụ, mua bán hàng hóa đã trở thành “cứu cánh” cho doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến này.

Hiện nhiều công nghệ mới hiện đại đã và đang được doanh nghiệp, cơ quan chức năng áp dụng. Theo ông Bùi Minh Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhằm tích cực chống hàng giả triệt để, Nhà xuất bản đã phối hợp với một số công ty sản xuất ra loại tem chống giả thông minh được Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận và đảm bảo chống giả tuyệt đối.

“Đối với tem khác khi quét ra hoặc photo lại thì không phân biệt được thật giả nhưng với loại tem thông minh này, khi quét sẽ phát hiện ra đâu là hàng giả và có kết nối cho đơn vị sản xuất là đã xuất hiện hàng giả”, ông Bùi Minh Cường cho biết.

Về vấn đề ngăn chặn hàng giả, hàng nhái bằng công nghệ số, ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay, Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia đang được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ giao là đơn vị đầu mối thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp, xây dựng phương án, trong đó trọng tâm là xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia. Đây được coi là một cổng kết nối các hệ thống quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc, hướng tới kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trên toàn thế giới để sản phẩm hàng hóa lưu hành tại nội địa cũng như xuất khẩu có những thông tin minh bạch nhất về nguồn gốc xuất xứ.

Truy xuất nguồn gốc hướng tới hai hoạt động chính. Thứ nhất là số hóa các thông tin hình thành nên sản phẩm hàng hóa; thứ hai là minh bạch các chuỗi thông tin đó. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc quá trình số hóa và minh bạch thông tin, xuất nguồn gốc sẽ là công cụ hữu hiệu để cả hệ thống chính trị lẫn cộng đồng xã hội và người tiêu cùng tham gia giám sát về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đóng vai trò trung tâm kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc độc lập. Khi người tiêu dùng quét, Cổng sẽ liên kết tất cả các dữ liệu truy xuất nguồn gốc độc lập lại với nhau và cung cấp cho người tiêu dùng một bức tranh về sản phẩm từ khi sản phẩm được sản xuất đến khâu vận chuyển tới tay người tiêu dùng.

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đã được nghiệm thu từ tháng 11/2022. Về mặt kỹ thuật và dữ liệu, Cổng kết nối với hai địa phương Yên Bái và Sóc Trăng. Trong thời gian tới, Cổng sẽ kết nối thêm với 6 tỉnh, thành phố khác. Hiện tại, Cổng đang có cơ sở dữ liệu của hơn 4.000 sản phẩm, hầu hết là thực phẩm, thực phẩm chức năng. Người dân có thể thực hiện thao tác quét mã trên Cổng để ra thông tin sản phẩm.

Với chức năng, nhiệm vụ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ giao, đến thời điểm này, Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia đã thực hiện việc cấp khoảng 70 nghìn đầu mã doanh nghiệp. Sau khi được cấp đầu mã này, các doanh nghiệp chủ động sinh ra các mã thương phẩm của sản phẩm kinh doanh. Hiện tại, cơ sở dữ liệu quốc gia đã có trên dưới 1 triệu chủng loại sản phẩm đã được cấp mã. Mỗi sản phẩm khi được đưa lên kệ ở siêu thị, các trang thương mại điện tử đều là các sản phẩm cuối chuỗi. Nếu chúng ta áp dụng các công cụ về mã số, mã vạch và các công cụ định danh tương tự khác trong quá trình hình thành nên sản phẩm, quá trình số hóa của cả chuỗi sản phẩm sẽ được thực hiện đầy đủ và dễ dàng hơn.

Sau khi thông tin số hóa sản phẩm được đưa lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia, các hệ thống của bộ, ngành, địa phương và các trang thương mại điện tử khác, việc thực hiện minh bạch các thông tin sản phẩm hàng hóa sẽ được các cơ quan chức năng cũng như người dân dễ dàng truy cập. Do đó, việc số hóa và minh bạch thông tin thực sự là một công cụ hữu hiệu để chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nếu tích cực thực hiện quá trình số hóa và minh bạch thông tin, đây sẽ là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững nhất để doanh nghiệp chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang