Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu

author 11:27 11/02/2023

(VietQ.vn) - Theo VCCI, mục tiêu của Quỹ bình ổn giá mà Bộ Công thương thuyết minh là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý.

Theo VCCI, mục tiêu của Quỹ bình ổn giá mà Bộ Công thương thuyết minh là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý. Nếu không có Quỹ thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hoá khác tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hoá khác không giảm theo (nguyên tắc sticky price).

Cơ quan Nhà nước kỳ vọng rằng Quỹ bình ổn sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước. Đây là mong muốn hợp lý. Tuy nhiên, VCCI cho biết, nghiên cứu về việc điều hành quỹ bình ổn trong thời gian qua và nhận thấy quỹ đã không đạt được mục tiêu như đã kể trên - sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ.

Lý do của sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhà làm chính sách và thực tiễn là do nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai. Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới. Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả Quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả Quỹ này có tác dụng giảm biến động giá.

Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả Quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả Quỹ đúng đắn. Bởi vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, VCCI đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

 Ảnh minh hoạ

VCCI cũng để nghị cân nhắc lựa chọn phương án hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các chi phí phát sinh để thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc. Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia luôn được bảo đảm, cần xử lý như sau: Trong trường hợp Nhà nước vẫn điều hành giá thì cần tính chi phí dự trữ lưu thông vào giá bán lẻ để bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ chi phí. Trong trường hợp giá được vận hành theo cung cầu thị trường thì Nhà nước cần chi trả chi phí dự trữ xăng dầu này, có thể theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu từ nguồn ngân sách.

VCCI cũng cho rằng, việc Nhà nước không điều hành giá mà để cung cầu của thị trường quyết định thì luôn phải đi kèm với tăng cường tính cạnh tranh của thị trường. Chỉ có áp lực cạnh tranh mới khiến nhà cung cấp không thể tăng giá một cách bất hợp lý. 

Bởi hiện nay, rất nhiều quy định quản lý trong lĩnh vực xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh của thị trường, có thể kể đến như sau: Quy định về điều hành giá khiến các doanh nghiệp không cạnh tranh về giá; Quy định phân phối 1:1 giữa cửa hàng bán lẻ và đơn vị bán buôn. Quy định này khiến các đơn vị bán buôn không cạnh tranh trực tiếp với nhau khi thu hút cửa hàng bán lẻ;

Điều kiện đầu tư kinh doanh, rào cản gia nhập thị trường quá cao khiến các doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường không phải lo lắng nguy cơ có doanh nghiệp mới gia nhập, dẫn đến các doanh nghiệp đang tồn tại không có nhiều động lực cải tiến nâng cấp dịch vụ để thu hút người dùng; khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng (mục 2.6.11, QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng - các cửa hàng xăng dầu phải có khoảng cách tối thiểu là 300m), khiến mỗi cây xăng luôn có mức độ độc quyền nhất định, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Nếu cần bảo đảm an toàn chống cháy lan thì khoảng cách 300m là quá lớn. Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc xây dựng các cây xăng gần nhau (4 cây xăng quanh một ngã tư) không phải là hiếm.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang