Đề xuất xây dựng tiêu chí hiến mô tạng từ người chết tim
Nâng cao chất lượng y tế: Chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả bệnh hiếm
Hệ sinh thái y tế 'lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu đổi mới'
Bộ Y tế công bố, cấp mới, gia hạn 135 biệt dược gốc và thuốc sản xuất trong nước
Bác sĩ chỉ ra những thực phẩm cần tránh ăn nhiều vì nguy cơ ung thư
Tại Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép gan, thận, tim... Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện trong danh sách chờ ghép tạng có hơn 5.000 bệnh nhân. Đây chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế.
Trong khi nhu cầu thì lớn mà nguồn tạng để ghép vẫn rất hạn chế, cần nhiều giải pháp để gia tăng nguồn hiến tạng. Ông Hà Trường Giang, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhận định, trình độ ghép tạng của Việt Nam tương đương với trình độ ghép tạng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng mở ra cơ hội kéo dài sự sống cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế. Do đó, cần xây dựng quy trình và tiêu chuẩn chẩn đoán chết tim thành một chương, mục trong luật để tạo cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện.
Cùng chia sẻ về việc nên đưa hiến tạng từ người chết tim vào luật, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc xây dựng hoàn chỉnh, chặt chẽ các quy định về pháp lý, hành chính, tiêu chuẩn y khoa, tài chính là cơ sở để phát triển hệ thống hiến, điều phối, ghép mô tạng bảo đảm tính minh bạch, công bằng.
Trong đó, việc xây dựng quy định chẩn đoán chết tim là đặc biệt quan trọng. Dựa vào thực tế lâm sàng và nền tảng lý thuyết, kinh nghiệm của các chuyên gia trên thế giới trong chẩn đoán “chết” để hiến tạng: Chết não và chết tuần hoàn/ngừng tim là hai lĩnh vực riêng, nhưng không thể tách rời; cần có định nghĩa rõ ràng về ngừng tim và chết não trong hiến tạng. Trong chẩn đoán chết não, ngừng tim, cần có sự đồng thuận về pháp lý với công an, hình sự, pháp y.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng cần phải xây dựng quy trình chẩn đoán chết tim nghiêm ngặt, chặt chẽ.
"Đứng trên góc độ người quản lý, theo tôi cần cân nhắc quy trình xác định chết tim, xây dựng bộ tiêu chuẩn chẩn đoán chết tim đảm bảo các tiêu chí an toàn về pháp lý. Hiện trên thế giới đã nhiều nơi có bộ tiêu chuẩn này, chúng ta cần tham khảo thêm", ông Hùng chia sẻ.
Với sự ủng hộ của đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) và các chuyên gia, kỳ vọng rằng, việc bổ sung hiến mô tạng từ người chết tim vào luật sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần mở ra hướng đi mới trong điều trị, nối dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân chờ ghép tạng tại Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế và tiến bộ của y học Việt Nam trên bản đồ y học thế giới.
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bị bệnh hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, làm thay đổi cuộc sống của nhân loại. Bởi vậy, việc đề xuất hiến tặng mô, tạng từ người chết tim sẽ mở ra những tín hiệu tích cực trong điều trị nối dài sự sống cho người bệnh chờ ghép tạng.
Duy Trinh (t/h)