Đến năm 2030, hơn 50% tăng trưởng ngành nông nghiệp từ đóng góp của năng suất

author 19:17 25/04/2023

(VietQ.vn) - Xác định phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%.

Ngày 25/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với chủ đề “Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt”.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới (21/4) và Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với trên gần 300 đại biểu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các viện, trường đại học, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trong cả nước tham gia.

Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ KH&CN tổ chức hội nghị triển khai chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050. 

Khoa học công nghệ đóng góp 35% giá trị gia tăng ngành nông nghiệp

Với vai trò cơ quan chủ quản, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: Chương trình Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình sản phẩm quốc gia.

Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.

Đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, với việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, lúa, cây ăn quả và phương pháp canh tác, nuôi trồng mới...

Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống, tăng cường quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp. Sản lượng, chất lượng nhiều loại cây ăn quả đạt giá trị kinh tế cao như cam, quýt, bưởi. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao ngày càng tăng, từng bước nâng cao giá trị thương hiệu hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Để KHCN và ĐMST trở thành khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp phát triển

Nhằm “khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt”, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới tư duy để khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành.

Đồng thời đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh; tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư, đồng tài trợ giữa nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Khoa học công nghệ đóng góp 35% giá trị gia tăng ngành nông nghiệp. 

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới...

Các đại biểu cho rằng, để nông sản của Việt Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã, giá thành, ngành nông nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nếu “cởi trói” được vướng mắc về chính sách hợp tác công tư, gắn khoa học công nghệ với sự phát triển của doanh nghiệp, phát huy được cơ sở vật chất, trang thiết bị và diện tích đất đai… sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%.

Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030. Bên cạnh đó, ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ...

Ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung nâng cao tính tự chủ, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm toàn diện của người đứng đầu tổ chức khoa học, công nghệ trong hoạch định chiến lược, định hướng nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện, chuyển giao công nghệ mới; mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Khoa học công nghệ không chỉ dừng lại ở tạo năng suất, sản lượng mà quan trọng hơn là tạo giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ tích hợp đa giá trị trong ngành với mục tiêu giảm chi phí. Hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai chính là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, giảm phát thải… 

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang