Đo lường góp phần kiểm soát các bức xúc xã hội

author 16:05 30/05/2012

(VietQ.vn) - Một trong những bức xúc của xã hội hiện nay mà Việt Nam không phải ngoại lệ là vấn nạn thực phẩm không an toàn. Điều đó đã dẫn đến nhiều người mắc bệnh, thậm chí tử vong do thực phẩm không "lành".

Theo TS. Trần Quang Uy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đo lường Việt Nam, ngoài các bức xúc liên quan đến vấn đề thực phẩm, nhân loại hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu như: ô nhiễm môi trường, gian lận thương mại, bệnh nan y và tiếp cận công nghệ mới…

Lực lượng chức năng xử lý các cây xăng sai phạm về đo lường và chất lượng. Ảnh: N. N
Lực lượng chức năng xử lý các cây xăng sai phạm về đo lường và chất lượng. Ảnh: N. N

“Người dân dễ dàng bắt gặp những thông tin về thực phẩm không an toàn như sữa nhiễm melamine, rau quả nhiễm hóa chất, hàng loạt các yếu tố ô nhiễm khác từ chất thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nếu các bức xúc kể trên của xã hội không được kiểm soát bằng đo lường thử nghiệm, kết quả chắc chắn sẽ rất thảm hại”, TS. Uy nói.

Mới đây, Viện Cân đo quốc tế công bố, hàng năm trên thế giới, số người nhiễm bệnh do thực phẩm có từ 40-80 triệu trường hợp, trong đó số người chết trong một năm từ 8.000-12.000 người.

Những thực trạng và con số nói trên dù chưa đầy đủ nhưng là hồi chuông cảnh tỉnh tới các quốc gia, dân tộc về những bất cập hiện nay mà toàn cầu phải đối mặt.

TS. Vũ Khánh Xuân - Chủ tịch Hội Đo lường kiêm Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, cho biết để cạnh tranh bền vững, đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ phải có chất lượng cao và nhà cung cấp phải nhạy bén với thị trường, luôn đổi mới công nghệ.

“Trong hoạt động của mình, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và những quy định trong thương mại. Khi trách nhiệm sản phẩm, dịch vụ theo thông lệ và theo quy định của pháp luật hoàn toàn thuộc về người cung ứng thì việc cung cấp bằng chứng về sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật và quy định thương mại lại càng trở nên quan trọng hơn”, TS. Vũ Khánh Xuân nhận định.

Cũng theo TS. Vũ Khánh Xuân, việc các nhà sản xuất tự công bố chất lượng sản phẩm, dịch vụ và việc chứng nhận của bên thứ ba có vai trò quan trọng đối với việc chứng minh sự minh bạch của hệ thống đảm bảo chất lượng và tạo sự tin cậy cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Tất cả quá trình đó đòi hỏi phải thông qua những kết quả đo, thử nghiệm tin cậy. Sự thừa nhận chỉ diễn ra khi các kết quả đo và thử nghiệm đó có sự liên kết và liên hệ với những chuẩn đo lường ổn định và được liên kết đến hệ đơn vị đo quốc tế (SI).

Các chuyên gia của Hội Đo lường Việt Nam cho biết, trong phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, những lĩnh vực ưu tiên hiện nay như bảo vệ sức khỏe con người, công nghệ thực phẩm, vi sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới, năng lượng, môi trường và khí hậu, giao thông và nghiên cứu không gian…

Việc đổi mới công nghệ trong tất cả những lĩnh vực đó đòi hỏi phải nâng cao khả năng đo lường cũng như đẩy mạnh nghiên cứu về đo lường.

Một nghiên cứu khác của Ủy ban Cân Đo quốc tế cũng cho thấy, những đòi hỏi mạnh mẽ nhất đối với đo lường xuất phát từ chính công nghiệp cơ khí và dụng cụ đo, công nghiệp ô tô và hàng không, công nghệ sản xuất chíp điện tử, công nghệ điện tử và truyền thông, công nghệ hóa học, dược phẩm và y tế…

Những yêu cầu ngày càng cao trong các lĩnh vực đòi hỏi phép đo ngày càng chính xác hơn, được thừa nhận mang tính toàn cầu và luôn phải vượt lên trên những gì mà đo lường hiện tại có thể chấp nhận được.

Cụ thể, theo ThS. Cao Xuân Quân - Viện Đo lường Việt Nam, trong khắc phục các tật khúc xạ về mắt như: cận thị, viễn thị, loạn và lão thị, không phải người tiêu dùng nào cũng chọn được mắt kính phù hợp.

Không ít người đã tìm đến các cơ sở kính mắt kinh doanh tự phát, thiếu các máy đo, bác sĩ tư vấn cần thiết trước khi khuyên người tiêu dùng có đeo kính hay không.

Nếu người tiêu dùng đeo kính không phù hợp sẽ dẫn đến nhức đầu, nhìn mờ, khó chịu về thị giác, nhìn hai hình, méo hình hoặc khi đọc phải để sách quá gần hoặc quá xa; đeo kính lão đọc lâu bị mỏi hoặc nhức mắt.

Các ứng dụng đo lường vào y tế có thể được áp dụng với các loại mắt kính tương ứng để giúp mắt người nhìn rõ nét hơn.

Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), trước những đòi hỏi của phát triển nền kinh tế và cuộc sống người dân, đến nay Chính phủ đã phê duyệt được 13 chuẩn đo lường quốc gia. Tổng cục TCĐLCL đã chứng nhận được trên 300 chuẩn đo lường của 90 tổ chức kiểm định khác nhau, góp phần nâng số chuẩn đo lường của cả nước được kiểm định lên con số 2.800.

Hiện nay cả nước cũng có 19 chi cục TCĐLCL địa phương thành lập được các đơn vị sự nghiệp và Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện chuyển đổi khả năng kiểm định từ chi cục sang cho các đơn vị sự nghiệp đó.

Trong sản xuất phương tiện đo, trong năm 2011, đã có 751 phương tiện đo được phê duyệt. Có 220 mẫu phương tiện đo tự sản xuất, còn 529 phương tiện nhập khẩu.

 

 

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang