Doanh nghiệp cà phê Việt Nam làm gì để không bị “thẻ vàng” khi xuất khẩu vào châu Âu

author 06:18 29/08/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, sản phẩm cà phê sản xuất trên đất gây mất rừng của Việt Nam không được thông quan sang thị trường châu Âu. Để chứng minh cà phê sản xuất không gây mất rừng phải có định vị, truy xuất nguồn gốc đến từng khu vườn, báo cáo giải trình, phân tích nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng.

Từ sau ngày 30/12/2020, sản phẩm cà phê sản xuất trên đất gây mất rừng của Việt Nam không được thông quan sang thị trường châu Âu. Để chứng minh cà phê sản xuất không gây mất rừng phải có định vị, truy xuất nguồn gốc đến từng khu vườn, báo cáo giải trình, phân tích nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích canh tác cà phê cả nước khoảng 710.600ha, trải rộng trên 20 tỉnh, trong đó diện tích cho thu hoạch là 653.200ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1,845 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích cà 93,2% về sản lượng cà phê cả nước". Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD.

Theo ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Việt Nam kiểm soát rất tốt việc phá rừng lấy đất sản xuất, trong đó có cà phê. Từ những năm gần đây, Việt Nam đã không còn hiện tượng này. Do đó, Việt Nam sẽ không rơi vào nhóm có nguy cơ. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp sản xuất, EU cũng chia ra theo quy mô lớn, vừa và nhỏ tương ứng với tần suất kiểm tra.

Các lô hàng cà phê nhập khẩu vào châu Âu phải chứng minh là không có nguồn gốc từ các trang trại được xây dựng trên những lô đất rừng bị chặt phá kể. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên sẽ thuộc các quốc gia có tần suất kiểm tra thấp và mức độ yêu cầu sẽ không cao như đối với các doanh nghiệp lớn từ những nước có tần suất kiểm tra cao. Mặt khác, nghĩa vụ về thu thập các bộ chứng từ, các số liệu liên quan để làm cơ sở dữ liệu vùng trồng, vùng sản xuất, các trang trại hay diện tích trồng cà phê cũng không tạo ra nhiều gánh nặng cho những nhà sản xuất hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều phải chuẩn bị, và thu thập thêm các thông tin mà trước đây chưa làm để chứng minh các hồ sơ liên quan đến quy định mới về các mặt hàng xuất khẩu có liên quan đến phá rừng.

Giải pháp nhằm phát triển cà phê không ảnh hưởng tới diện tích rừng tự nhiên bao gồm: Đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội; hợp tác công tư sản xuất cà phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận, xuất xứ nguồn gốc, khoanh vùng, tổ chức giám sát sản xuất cà phê theo từng mức độ nguy cơ mất rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng; hỗ trợ nông hộ tăng cường năng lực sản xuất cà phê…

Trong khi đó, theo bà Isabelle Lemmens, phụ trách quản lý bền vững thuộc Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), quy định mới của EU sẽ tác động đến tất cả các quốc gia xuất khẩu cà phê. Đại diện ECF cho biết, việc trồng và sản xuất cà phê ở Việt Nam phải tuân thủ luật pháp quốc gia và không được vi phạm những quy định của châu Âu. Về phần mình, ECF sẽ tìm kiếm giải pháp cho việc duy trì nhập khẩu cà phê vào châu Âu khi quy định có hiệu lực. Bà Lemmen nói: “Quy định này được áp dụng với tất cả các loại cà phê, dù là sản xuất bên trong hay bên ngoài EU, nhằm tránh mọi hình thức lao động cưỡng bức. Nó sẽ liên quan đến việc xem xét lại các chuỗi cung ứng”.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về cà phê khi là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil và là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Đồng thời, Việt Nam đứng thứ ba về diện tích cà phê được chứng nhận bền vững 4C (Common Cod Coffee Community - tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) và UTZ (UTZ certified- một chương trình phát triển bền vững cho cà phê, cacao và chè), có xu hướng sản xuất cà phê Robusta chất lượng cao. Việt Nam đang phát triển tăng tỷ lệ cà phê đặc sản, cảnh quan bền vững, để giữ vững vị thế là nhà cung cấp ổn định, quy mô lớn và đáng tin cậy của EU.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang