Giảm phát thải khí nhà kính và dấu vết carbon giúp doanh nghiệp chăn nuôi chiếm lĩnh thị trường

author 06:05 21/03/2024

(VietQ.vn) - Những năm qua việc chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch đã gây ra tình trạng phát thải khí nhà kính trầm trọng. Để giảm thiểu tình trạng này doanh nghiệp cần chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ có cơ hội thuận lợi để chiếm lĩnh thị trường.

Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh toàn thế giới đang thực hiện nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu vết carbon, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu buộc phải thích ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu.

Việc đầu tư công nghệ, chuyển đổi nguồn năng lượng phát thải khí nhà kính lớn sang năng lượng sạch chi phí cao song các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để chiếm lĩnh thị trường. Ngược lại, sản xuất hàng hóa vẫn để lại dấu vết carbon sẽ khó tiếp cận thị trường và đánh mất cơ hội phát triển, trong đó phải kể tới ngành chăn nuôi.

Theo thống kê, chăn nuôi chiếm khoảng 25% giá trị ngành Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời gây hiệu ứng nhà kính rất lớn, chiếm 18 - 20% phát thải khí nhà kính chủ yếu do phân gia súc thải ra môi trường.

Hiện Việt Nam là quốc gia có đàn lợn đứng thứ 6 trên thế giới, đàn thủy cầm đứng thứ 2, sản lượng thức ăn chăn nuôi thuộc top 10, trong khi đó mật độ dân số đông nhất thế giới (315 người/km²).

Việc đầu tư công nghệ, chuyển đổi nguồn năng lượng phát thải khí nhà kính lớn sang năng lượng sạch doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để chiếm lĩnh thị trường. Ảnh  minh họa

Trong số các động vật có phát thải khí mê tan từ dạ cỏ thì bò sữa gây phát thải nhiều nhất, khoảng 68 kg khí CH4/con/ năm. Tiếp theo đó là bò thịt và trâu, từ 47 - 55 kg CH4/con/năm, ngựa có hệ số phát thải thấp, chỉ 18 kg CH4/con/năm. Các động vật ăn cỏ còn lại như dê, cừu có hệ số phát thải không đáng kể, khoảng 5 kg CH4/ năm. Tuy nhiên, do số lượng chăn nuôi bò thịt và trâu ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí mê tan hàng năm từ bò thịt lên tới 245 ngàn tấn, tiếp theo là trâu với 138 ngàn tấn và bò sữa là 19 ngàn tấn/năm.

Phát thải khí mê tan từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí mê tan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt và bò sữa dẫn đến phân động vật hòa lẫn vào nước dưới dạng lỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn kị khí hoạt động. 

Chính vì thế, nếu không có những biện pháp hữu hiệu trong việc giảm phát thải khí nhà kính để giảm dấu chân carbon, ngành chăn nuôi sẽ ngày càng gây ra những hậu quả lớn cho môi trường.

Để giải bài toán này cho ngành chăn nuôi, việc sử dụng các loại phụ gia trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải trong chính đàn gia súc, xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo phương thức tuần hoàn chính là những gì ngành chăn nuôi cần nhân rộng, phổ cập để giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt việc sản xuất cám chay, 100% từ thực vật như: ngô, bột mì, đậu tương… nhưng không sử dụng nguyên liệu có chứa thành phần động vật như bột xương, bột cá đang được một số nhà máy sản xuất, cộng thêm nguyên liệu minh bạch, đạt chứng nhận về bền vững giúp tiêu hóa dễ dàng và giảm 80% khí thải trong phân và nước tiểu.

Ngoài ra, công thức cám chay còn được nghiên cứu, bổ sung thêm các vitamin, lợi khuẩn và các vị dược liệu để thay thế kháng sinh cũng như các chất kích thích bảo quản độc hại. Nhờ vậy, đã giúp tăng chỉ số sử dụng thức ăn, cải thiện tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, một công đoạn đang chiếm khoảng 11% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở tại các trại lợn.

Hệ thống xử lý chất thải cũng đang các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và doanh nghiệp ngày một quan tâm, đặc biệt hệ thống xử lý chất thải theo phương thức tuần hoàn được đánh giá là có rất nhiều ưu điểm.

Phân của gia súc sau khi thải ra được thu gom và tách ép trong một tháp ủ. Tháp ủ phân với ứng dụng công nghệ sinh học sẽ cho ra phân hữu cơ. Phân này sẽ được dùng để bón cho cánh đồng lúa chất lượng cao, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giúp nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí cho đồng ruộng.

Sử dụng thức ăn ủ chua, bổ sung vi sinh, cung cấp các nguyên tố vi lượng giúp tăng hiệu quả tiêu hóa và cung cấp bánh dinh dưỡng MUB cho trâu bò là các biện pháp nhằm giúp tăng năng suất chăn nuôi và giảm lượng phát thải khí mê tan trong chăn nuôi. Sử dụng triệt để khí mê tan sinh ra từ các công trình bioga cho mục đích phát điện, đun nấu. 

Mặc dù hiện ngành chăn nuôi chưa nằm trong danh sách phải kiểm kê carbon, nhưng để phát triển ngành cần làm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng có thể tạo tín chỉ carbon để trao đổi trên thị trường carbon đang ngày một sôi động.

Được biết, đến năm 2050, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, trong đó ngành chăn nuôi (chiếm 18-20% lượng phát thải khí nhà kính) sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. Đây sẽ là một hành trình dài, nhưng sẽ tạo ra những giá trị bền vững. Các bên liên quan sẽ phải khởi đầu từ những dấu chân carbon nhỏ nhất, nhưng chính những việc nhỏ bé theo năm tháng sẽ tạo ra những điều lớn lao, đó chính là một Trái đất thực sự khỏe mạnh cho con em chúng ta…

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang