Doanh nghiệp cần lưu ý các tiêu chuẩn và nguyên tắc khi xuất khẩu gia vị vào thị trường châu Âu

author 06:41 29/09/2023

(VietQ.vn) - Các loại gia vị xuất khẩu sang thị trường châu Âu ngày càng được kiểm tra gắt gao về chất gây dị ứng, độc hại và tính xác thực, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải theo kịp động lực thị trường này để duy trì vị thế.

Thị trường EU có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới. Bên cạnh đó, mối quan tâm ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe của gia vị và việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế sẽ là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Ngược lại, yêu cầu ngày càng tăng của người mua và những thay đổi về luật pháp tại thị trường này có thể là mối đe dọa đối với các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển - đặc biệt là các nhà cung cấp mới chưa quen với các yêu cầu này. Các loại gia vị ngày càng được kiểm tra về chất gây dị ứng, độc hại và tính xác thực, vì vậy điều quan trọng là phải theo kịp các động lực thị trường này để duy trì vị thế là nhà cung cấp cạnh tranh cho thị trường châu Âu.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, những điểm quan trọng mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý đó là nhận thức về các chất gây dị ứng và chất độc hại dẫn đến kiểm soát chặt chẽ hơn. Xử lý nhiệt đang trở thành điều bắt buộc đối với người mua châu Âu. Tính xác thực của các loại gia vị lấy lại sự chú ý ở châu Âu. Nguồn cung ứng bền vững không phải là xu hướng mà là yêu cầu. Minh bạch hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Nhu cầu gia tăng về gia vị hữu cơ và tự nhiên ở châu Âu,… Bên cạnh đó, người mua có thể có các yêu cầu khác về chứng chỉ. Các yêu cầu đối với hương liệu và gia vị ở châu Âu thường là về sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, nhưng tính bền vững cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải chịu sự kiểm soát thực phẩm chính thức. Ảnh minh họa

Thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải chịu sự kiểm soát thực phẩm chính thức. Những biện pháp kiểm soát này bao gồm việc kiểm tra thường xuyên có thể được thực hiện khi nhập khẩu (tại biên giới) hoặc sau đó, khi thực phẩm đã được phân phối lưu thông tại EU, chẳng hạn như tại cơ sở của nhà nhập khẩu. Việc kiểm soát nhằm kiểm tra xem sản phẩm có đáp ứng các yêu cầu hợp pháp hay không.

Một yếu tố quan trọng của luật này là: “Tất cả các doanh nghiệp thực phẩm bên ngoài châu Âu, quá trình sản xuất từ đầu, phải áp dụng, thực hiện và duy trì một quy trình dựa trên các nguyên tắc HACCP”. Điều này là biện pháp kiểm soát chính thức không được thay thế bằng các chứng chỉ khác. Quy định áp dụng HACCP là một yếu tố quan trọng trong hệ thống quản lý chất lượng của các công ty nhằm trở thành nhà cung cấp thành công cho thị trường châu Âu.

Việc không tuân thủ luật thực phẩm của châu Âu được báo cáo thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF). Vào năm 2022, 290 cảnh báo liên quan đến gia vị và hương liệu đã được báo cáo trong RASFF. Nếu việc nhập khẩu một sản phẩm nhất định từ một quốc gia cụ thể liên tục cho thấy sự không tuân thủ luật thực phẩm của châu Âu thì tần suất kiểm tra chính thức tại biên giới sẽ tăng lên. Các sản phẩm chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép sẽ bị loại khỏi thị trường châu Âu.

Vào năm 2022, 65% cảnh báo các vấn đề được báo cáo trong RASFF liên quan đến mức độ vi phạm ngưỡng Giới hạn dư lượng tối đa (MRL) hoặc các hoạt chất không nằm trong danh mục được cho phép. Mức độ quá mức thường thấy nhất trong các loại gia vị và hương liệu là: Ethylene oxit (ETO) và chất chuyển hóa của nó là 2-chloroetanol (2-CE), cả hai đều bị cấm ở EU; Chlorpyrifos: MRL là 0,01 mg/kg đối với gia vị và hương liệu; Anthraquinone: MRL là 0,02 mg/kg; Cypermethrin: MRL là 0,02 mg/kg đối với gừng và nghệ và 0,01 mg/kg đối với các loại gia vị khác.

EU thường xuyên cập nhật danh sách thuốc bảo vệ thực vật được phê duyệt. Năm 2022, Ủy ban Châu Âu đã thông qua các đề xuất nhằm giảm 50% việc sử dụng và rủi ro của thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030. Bên cạnh đó, EU cũng đưa ra các quy định về yếu tố độ ẩm; thuốc trừ sâu tổng hợp không được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ; kiểm soát chất gây ô nhiễm; ô nhiễm vi sinh vật; độc tố thực vật; độc tố nấm; kiểm dịch thực vật; ghi nhãn và đóng gói; chất lượng sản phẩm… Thị trường châu Âu cũng được đánh dấu bằng sự quan tâm ngày càng tăng đối với các loại gia vị có nguồn gốc bền vững, trong đó chứng nhận đóng vai trò quan trọng. Nhập khẩu gia vị và hương liệu của châu Âu đã biến động trong 5 năm qua nhưng vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng dài hạn. Việc đáp ứng yêu cầu từ thị trường EU sẽ gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp các nước nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tại thị trường này.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang