Dược liệu Việt đang dần cạn kiệt, bị thương lái nước ngoài "luộc" tinh chất

author 19:28 21/08/2017

(VietQ.vn) - Dược liệu Việt Nam đang dần cạn kiệt do hoạt động khai thác trong khi thương lái nước ngoài đang sử dụng chiêu trò "luộc" tinh chất từ nguyên liệu thô nhập khẩu.

Dược liệu Việt dần cạn kiệt do khai thác không đúng mức

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam là một trong 15 nước nằm trong bản đồ dược liệu thế giới bởi hàng loạt các nguồn giống, sản phẩm đa dạng, phong phú với chất lượng cao. Tuy nhiên hiện nay các nguồn dược liệu đang dần cạn kiệt do người Việt thu hái bán thô và nhập lại với giá cao ngất trời.

Tại một hội thảo về thảo dược thiên nhiên ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết từ xa xưa người dân Việt Nam đã sử dụng y học cổ truyền trong phòng và chống nhiều bệnh. Ví dụ như uống trà vối dễ tiêu, gừng, hành, tỏi không chỉ được người dân sử dụng làm gia vị mà còn là thứ dược liệu phòng bệnh. Dù nhiều lợi ích nhưng nguồn dược liệu quý ở Việt Nam lại chưa được quy hoạch, hoạt động khai thác còn bất cập, nhiều dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Tiến cho biết, ngành y đã có nhiều văn bản, phương châm là kết hợp Đông – Tây y và trực tiếp là đề án phát triển ngành dược 2030 phát triển bền vững, gắn dược liệu với công nghiệp, xã hội hoá để nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển, khai thác giá trị tiềm ẩn cây thuốc từ trồng trọt, thu hái, phân phối và chế biến dược liệu quý thành nguồn nguyên liệu làm thuốc tân dược, y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các thực phẩm bổ dưỡng khác vừa giúp người dân bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống ấm no.

Nguồn dược liệu quý của Việt Nam đang dần cạn kiệt từ các chiêu trò kinh doanh của thương lái nước ngoài. Ảnh: Tcvn.vn 

Bộ trưởng Tiến cũng cho rằng Luật Dược mới khuyến khích các đơn vị trong nước và ngoài nước để phát triển dược liệu với ước mơ đưa dược liệu phát triển trong nước và đưa ra ngoài nước là nguyên liệu cung cấp cho ngành dược liệu thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng công tác trồng, thu hái dược liệu ở nước ta còn rất bất cập vì thế nhiều loại dược liệu có nguy cơ cạn kiệt. Đặc biệt, hiện tượng thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu gom dược liệu thô mang về Trung Quốc sử dụng công nghệ rồi lại bán lại cho chúng ta với giá rất cao. Đó còn chưa kể nhiều loại thảo dược đã được "luộc" hết các tinh chất và bán sang Việt Nam khiến chất lượng dược liệu của chúng ta thấp, đôi khi còn là rác dược liệu.

Vấn đề này cũng đã được đề cập tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam diễn ra ngày 12/4 tại Lào Cai. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bên liên quan thảo luận thực trạng dược liệu Việt Nam để thấy rõ bất cập hiện nay mà “có ý kiến cho rằng còn rẻ hơn cả khoai lang, thậm chí nói rằng chúng ta ăn bã còn cái tinh túy, dinh dưỡng, tốt đẹp người ta lấy mất rồi”.

Từ đó, đề xuất những chính sách, nhất là cơ chế, giải pháp đột phá để làm rõ, thu hút đầu tư, khuyến khích người dân, doanh nghiệp nuôi trồng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tốt nhất cây dược liệu.

Cũng tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Việt Nam chưa biến được các sản phẩm từ dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao và để sử dụng rộng rãi.

Chẳng hạn, trên thế giới, Pháp và Mỹ đã chiết xuất hoạt chất taxon từ cây thông đỏ để sản xuất thuốc ung thư và đưa ra thị trường từ năm 1994, đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa sản xuất được loại thuốc này trong khi cây thông đỏ Lâm Đồng (Đà Lạt) là loại cây đặc biệt quý hiếm với hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao bậc nhất thế giới.

Điều này góp phần tạo nên một nghịch lý là hiện nay chúng ta mới chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% còn lại chúng ta phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Quy định nào quản lý nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài?

Về vấn đề quản lý dược liệu nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có thông tư 03 có hiệu lực thi hành từ ngày 6/3/2016. Theo đó, thông tư yêu cầu tất cả dược liệu nhập vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác bên nhập từ bên Trung Quốc được phép kinh doanh dược liệu.

Trước đây, để nguồn dược liệu về Việt Nam, chỉ cần có đơn hàng và giấy tờ thông quan là các doanh nghiệp được phép nhập khẩu dược liệu. Tuy nhiên trong thời gian qua, với cách làm này, nhiều doanh nghiệp nhập các loại dược liệu không đủ yêu cầu chất lượng vì không phải chứng minh nguồn gốc.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn được nhập khẩu dược liệu phải có các điều kiện gồm: Đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu; Đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại Thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra.

Cơ sở kinh doanh dược liệu chưa đủ điều kiện nhập khẩu trực tiếp phải ký kết hợp đồng ủy thác nhập khẩu với cơ sở có đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định và tên cơ sở ủy thác nhập khẩu phải được thể hiện trên đơn hàng nhập khẩu.

Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai việc siết chặt quản lý chất lượng dược liệu nhập khẩu. Ảnh: Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Quảng Ngãi 

Ngoài ra, cơ sở nhập khẩu dược liệu khi đăng ký tờ khai Hải quan còn phải xuất trình bản chính và nộp cho cơ quan hải quan bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp các giấy tờ theo quy định, gồm: Giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế cấp theo quy định; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của dược liệu do tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử thì cơ quan Hải quan chấp nhận các chứng từ này.

Đặc biệt, từ ngày 01/07/2016, dược liệu nhập khẩu trong Danh mục phải có Phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), đối với cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn GMP thì phải có Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Hằng năm, Bộ Y tế công bố danh mục dược liệu phải có Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ thường xuyên hậu kiểm. Khi doanh nghiệp nhập khẩu, thông quan xong, báo cáo về Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, nếu thấy cần thiết cơ quan này sẽ lấy mẫu kiểm tra để đảm bảo chất lượng dược liệu.

Theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Như vậy, 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng là rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Qua đây có thể thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến phức tạp.

Số liệu thống kê từ cơ quan này cũng cho thấy, trong năm 2015, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng (không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu).

Đây chủ yếu là các mẫu với các vị thuốc gồm Ý dĩ, Hoàng kỳ, Thăng ma, Thiên ma, Hoài Sơn vốn là những loại hay bị làm giả (sử dụng loài khác để làm vị thuốc này) nên khi kiểm nghiệm kết quả đều không đạt. Trong các mẫu này vị Huyết đằng cũng được lấy mẫu kiểm tra vì mỗi nơi sử dụng một kiểu khác nhau. Còn Khương hoạt thì hầu hết các mẫu đều cho thấy đã bị chiết hết hàm lượng, nên khi kiểm tra định lượng không tìm thấy chất trong loại thuốc này.

Trước đó, từ năm 2014 Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã từng có công văn yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tạm dừng sử dụng 5 vị thuốc trên vì bị làm giả rất nhiều, chỉ khi đạt chất lượng mới được sử dụng tiếp.

Phong Lâm

 

‘Hô biến’ rượu trắng với nước dược liệu thành rượu ba kích, táo mèo, đinh lăng(VietQ.vn) - Nguyễn Văn Hòa khai nhận, đã đi thu mua rượu tự nấu từ Hưng Yên mang về Thanh Hóa pha chế với các loại nước dược liệu và bán ra thị trường.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang