Giang hồ đại chiến vì mẩu đá đỏ

author 14:33 01/02/2014

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, vùng rừng núi Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bỗng dậy sóng khi cơn sốt đào đá đỏ (còn gọi là hồng ngọc, ruby) nổi lên. Hơn 20 năm sau ngày “bão” đá đỏ xảy ra, cơn sốt về loại đá quý này vẫn còn âm ỉ ở phố huyện miền Tây xứ Nghệ này, khi những cửa hàng chuyên kinh doanh đá đỏ vẫn mọc lên và thi thoảng vẫn có những người lén lút vào “chiến trường xưa” để tìm vận may hòng đổi đời.

Đá đỏ và những “cái chết trắng”

Chuyện về mỏ đá quý trên đất Châu Bình được vô tình phát hiện vào đầu năm 1990, khi một đoàn kỹ sư thuộc Bộ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương ngày nay) về đây khảo sát địa chất và nhặt được viên đá có màu sắc lấp lánh rất đẹp, nặng khoảng 0,5 gram tại khu vực đồi Tỷ, thuộc xóm 34. Tháng 6/1990, tại một hội chợ quốc tế diễn ra ở Hà Nội, viên đá này được mang ra trưng bày và được một chuyên gia về đá quý ở Thái Lan mua lại với giá 620.000 USD sau phiên đấu giá.

Chuyện sẽ không ầm ĩ nếu như 4 tháng sau đó, cũng tại khu vực đồi Tỷ, gần nơi phát hiện ra viên đá đỏ đầu tiên, một kỹ sư thuộc Công ty vàng bạc đá quý Nghệ An lại tiếp tục nhặt được viên đá thứ hai lộ thiên, anh này mang về Vinh bán được 575.000 USD.

Bắt đầu từ đây, thông tin về loại đá quý có khả năng đổi đời tại Châu Bình nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, ban đầu là người dân bản địa, người dân trong huyện, trong tỉnh; sau lan rộng ra cả nước, những đầu nậu, đại ca cũng ùn ùn kéo về đây tìm kiếm vận may đổi đời, tạo nên cơn sốt và những tấn bi kịch đời người mà nhiều thế hệ sau vẫn còn nhắc đến như một nỗi đau.

Ông Nguyễn Hữu Ban (59 tuổi), trú ở xóm 34 xã Châu Bình - một phu đá đỏ và cũng là nhân chứng sống của một thời cho biết: “Đá đỏ ngày ấy còn đắt gấp trăm lần giá trị của vàng. Chỉ một mẩu nhỏ bằng ngón tay út là có thể bán với giá hàng tỉ đồng, trong khi cũng chừng ấy vàng thì chỉ giá trị bằng mấy triệu bạc nên người người, nhà nhà đã đổ xô về đây tìm kiếm vận may đổi đời”.

Tang thương nhất vẫn là những cái chết do sập hầm. Chỉ trong thời gian rất ngắn, từ tháng 10/1990 đến tháng 9/1993, có ít nhất 20 vụ sập hầm xảy ra, đã chôn vùi hàng trăm mạng sống, trong đó có những người chết không tìm thấy xác. Đỉnh điểm nhất là vụ sập căn hầm ở độ sâu hơn 40m tại khu vực đồi Tỷ, diễn ra vào tháng 6/1991, chôn vùi 47 nhân mạng trong đất đá. Cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An vào cuộc và sau hơn 10 ngày nỗ lực đào bới, chỉ tìm kiếm được 45 thi thể, xác 2 người còn lại đã hòa tan vào đất đá Châu Bình.

Cướp bóc, ma túy và hãm hiếp

Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh - Phó phòng PC13, Công an Nghệ An, một trong những người được cử đến vùng đá đỏ Quỳ Châu để nắm bắt tình hình và dẹp loạn lúc bấy giờ xót xa kể lại: Xót xa nhất vẫn là chuyện những người lao động nghèo cùng cảnh ngộ cướp bóc của nhau. Hàng vạn người tìm đến đây, không phải ai cũng may mắn đào đãi được đá đỏ. Vậy nên, một khi ai đó trong số họ đứng trước cơ hội đổi đời cũng đồng nghĩa với việc bản thân đang bị đe dọa tính mạng.

Ông Chanh vẫn chưa thể quên câu chuyện thương tâm về một người dân nghèo quê ở Hòa Bình, sau gần nửa năm thân tàn ma dại vì đào núi khoét hầm đã may mắn đãi được một mẩu đá đỏ dưới suối. Người này không chế ngự được cảm xúc, cầm viên đá bé xíu ngửa mặt lên trời mừng đến phát khóc.

Ngay lập tức, số đông gần đó lao đến tranh giành, cấu xé, một khung cảnh hỗn loạn xảy ra. Kết cục đau lòng là viên đá vừa tìm thấy đã trôi theo dòng suối, khi mọi người giãn ra thì chủ nhân của nó cũng đã chết vì bị giẫm đạp và ngạt nước. Sau chuyện này, mỗi khi ai đó may mắn tìm được đá quý đều lẳng lặng nuốt vào bụng để sau này đi vệ sinh mới dám tìm lại. Khốc liệt và thương tâm vô cùng!

Ngoài ra, các thế lực xã hội đen thời kỳ này nổi lên những kẻ chăn dắt, đầu nậu và kinh hoàng hơn là những băng cướp với các cuộc thư hùng đẫm máu, tranh giành lãnh địa và gây dựng thanh thế. Những cuộc rượt đuổi, chém giết, đấu súng vì tranh giành đá ruby giữa băng cướp Cờ Đỏ và các băng cướp khác đã diễn ra vô cùng kinh hoàng và khiếp đảm. 

Ngoài việc đâm chém, cướp giết diễn ra như cơm bữa trên bãi bờ, các băng cướp còn gây ra hàng loạt tội ác khác như buộc người lao động phải đổi ma túy lấy đá đỏ, “đánh thuế” những phu đá không chịu gia nhập vào băng cướp Cờ Đỏ; lừa đảo, đánh tráo đá đỏ giả lấy đá đỏ thật, thao túng thị trường đá ở “lãnh địa máu

Giang hồ trả nghĩa rừng xanh

Phan Bá Giang - cựu lâm tặc, giang hồ đá đỏ khét tiếng một thời. Phan Bá Giang (SN 1974) xuất thân ở huyện Đô Lương, sau dạt về Quỳ Châu sống bằng nghề khai thác gỗ, là trùm lâm tặc một dạo. Khi cơn sốt đá đỏ bao trùm, Giang vứt rìu, về đây làm tay trùm buôn bán đá quý. Cơn sốt đá đỏ lên ngôi, Phan Bá Giang rủ hai em trai của mình cùng đi thử vận may.

Kết quả là sau 5 tháng đào bới ở bãi bờ đồi Tỷ, anh em Giang trúng được một viên đá đỏ cực đẹp mang về bán được hơn 1 tỷ đồng. Có tiền, Giang chuyển sang đi buôn, mua lại đá đỏ từ Quỳ Châu mang ra Hà Nội bán, mỗi chuyến lời mấy trăm triệu đồng.

Năm 1992, Giang đã trở thành một “ông trùm” buôn đá quý tại vùng mỏ Quỳ Châu. Trong tay Giang có một cửa hàng vàng bạc, đá quý trị giá gần 5 tỷ đồng. Có tiền, Giang lao vào cờ bạc và cũng bắt đầu khuynh gia bại sản từ đó. Sau khi gánh chịu kết cục buồn từ “kiếp đỏ đen” và cuộc chiến đá đỏ, Phan Bá Giang quyết tâm tu thân, lấy vợ sinh con và làm lại từ đầu bằng cách trả nghĩa rừng xanh, Giang xoay sang trồng rừng. Cuối năm 1994, khi Nhà nước phát động chương trình 327 “phủ xanh đất trống đồi trọc”,

Giang lại làm đơn xin 50ha đất bạc màu để trồng rừng và chỉ mất 3 năm, toàn bộ 50ha rừng được Giang phủ xanh bởi cây bạch đàn và keo lai. Không chỉ vậy, Giang còn giúp bà con đồng bào vay vốn làm ăn nhằm cùng nhau hưởng lợi. Đến nay, Phan Bá Giang đã có trong tay tổng diện tích rừng trồng lên tới 150ha và đầu tư 2 tỷ đồng cho đồng bào Thái giúp họ trồng rừng, có công ăn việc làm ổn định và sớm thoát nghèo.

Về lại thủ phủ của đá đỏ một thời hôm nay, những đồi hoa cỏ may, đồi Tỷ, đồi Tử ở Châu Bình đã được phủ xanh rừng tràm. Trong đó, các mô hình trồng rừng quy mô lớn từ 10 đến trên 100ha trở thành những điển hình tiên tiến của huyện Quỳ Châu. Diện mạo mới đã đổi thay trên “vùng đất chết”, hơn 20 năm sau khi “cơn bão” đá quý quét qua, vết thương cũ đang dần liền da, đó thực sự là tín hiệu vui.

Theo DV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang