Hàng Trung Quốc lấn lướt ở chợ truyền thống

author 06:10 24/09/2013

(VietQ.vn) - Tại các chợ truyền thống, hàng Việt vẫn "lép vế" bởi các loại hàng gia công, hàng nhái của Trung Quốc từ đồ gia dụng, đồ nhựa đến quần áo vải vóc… Giá rẻ, lãi cao lại được “chào mời” đến từng tiểu thương khiến cho hàng Trung Quốc “thắng thế”.

Sự kiện:

Thưa thớt hàng Việt

Hiện nay cả nước có khoảng gần 9.000 chợ truyền thống. Với thói quen mua sắm ở chợ của đa phần người tiêu dùng thì đây là kênh phân phối hàng hóa rộng khắp rất quan trọng. Nếu quan tâm khai thác hiệu quả thì lượng hàng nội địa tiêu thụ rất lớn. Việc đưa hàng Việt vào chợ truyền thống là ưu tiên hàng đầu trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tuy nhiên, sau ba năm triển khai chương trình "Người Việt dùng hàng Việt", ở nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, hàng Việt bày bán vẫn còn khiêm tốn.

Tại hầu hết các chợ lớn như Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Ngã Tư Sở, chợ Xanh, chợ Long Biên, chợ Ninh Hiệp… tràn lan các mặt hàng Trung Quốc.

Chị Thanh, chủ một shop chuyên đồ ở nhà, khu vực chợ Ngã Tư Sở cho biết: "Quần áo và các mặt hàng điện tử, gia dụng, kính mắt, đồ mĩ phẩm…tại chợ Ngã Tư Sở đều là hàng Trung Quốc. Hàng Trung Quốc mẫu mã đẹp, giá rẻ phù hợp với túi tiền nên người tiêu dùng và tiểu thương từ các chợ tỉnh tiêu thụ nhiều. Đơn cử, một bộ quần áo ở nhà của Trung Quốc giá chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng , sinh viên và người lao động mua rất nhiều. Trong khi đồ ở nhà của một vài công ty sản xuất trong nước có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/bộ, kiểu dáng lại khá đơn điệu, không hợp mốt”.

Bản thân cửa hàng của chị Thanh cũng đã nhập thử đồ trong nước về bán nhưng không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Đây cũng là thực trạng chung của tất cả các tiểu thương ở hầu hết các chợ. Khi kinh tế sút kém, chợ buôn bán ế ẩm, người bán hàng phải ưu tiên nhập những loại hàng giá rẻ, được ưa chuộng thay vì phân biệt hàng trong nước và hàng Trung Quốc. Trong tình hình thu nhập như hiện nay, khi mua sắm, khách hàng rất quan tâm đến giá, họ sẵn sàng chuyển sang mua hàng giá rẻ, phù hợp túi tiền thay vì nghĩ đến chất lượng.

 

Khi đã vào chợ được rồi thì hàng Việt không chỉ cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, giá cả mà còn phải đương đầu với các chiêu "biến hóa" của hàng kém chất lượng. Chẳng hạn, khi người tiêu dùng đã bắt đầu tin vào hàng Việt, lo ngại hàng Trung Quốc có chứa nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe thì hàng Trung Quốc cũng dùng chiêu đối phó là… "đội lốt" hàng Việt.

Thậm chí, một số nhà sản xuất Việt Nam cũng mua hàng Trung Quốc về dán nhãn công ty mình rồi tung ra thị trường vì lợi nhuận cao hơn đã làm tổn hại đến uy tín hàng Việt rất nhiều.

Tại các cửa hàng quần áo, giày dép rất nhiều sản phẩm ghi "Made in Việt Nam" nhưng không khó nhận ra đó là hàng Trung Quốc "đội lốt" vì mức giá rẻ và chất lượng thấp.

 Thủ đoạn “tiếp thị” của thương lái Trung Quốc

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân nhận định: Hiện nay, hàng Việt Nam so với hàng nhập ngoại gần như không thua kém về kiểu dáng mẫu mã, chất lượng. Hàng Việt chất lượng tốt hơn hẳn hàng Trung Quốc nhưng giá cả lại cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà đến thị trường phân phối bán lẻ tại các chợ truyền thống mà chỉ chú trọng vào thị trường xuất khẩu. DN Việt Nam chủ yếu chỉ quan tâm sản hàng chất lượng cao cho người có thu nhập trên trung bình, phân khúc thị trường cho những người có thu nhập thấp còn bỏ ngỏ.

Trong khi đó, các tiểu thương tại chợ lại chỉ nhập hàng có mức giá phù hợp với người tiêu dùng bình dân. Từ chỗ bỏ qua thị trường bán lẻ tại các chợ, doanh nghiệp Việt thiếu cơ chế với các tiểu thương, thương gia nhỏ. Trong khi đó, các thương lái Trung Quốc lại cơ chế tiếp cận với các tiểu thương ở chợ rất linh hoạt ví dụ như giao hàng tận nơi, cho đổi hàng lỗi, cho mua nợ, mua chịu… Với doanh nghiệp trong nước thì việc thanh toán phải hoàn thành đầy đủ truớc khi nhận hàng, việc đổi chác cũng rất khó. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng thiếu niềm tin đối với những thương gia buôn bán nhỏ lẻ khiến cho việc hợp tác với nhau gặp nhiều khó khăn. Hàng Việt càng khó “có cửa” vào chợ vì các tiểu thương – người buôn bán nhỏ lẻ tại thị trường tự do sẽ luôn ưu tiên các mặt hàng mua bán thuận tiện, dễ bán nhất và có cơ chế giao dịch thoáng “đồng nợ đồng chịu”, chỉ cần gọi là có hàng ngay.  

Do đó, để thành công trong "chiếm lĩnh sân nhà", phía doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nghiên cứu kỹ thị hiếu khách hàng để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, tổ chức hệ thống phân phối linh hoạt tiếp cận kênh mua bán ở các chợ truyền thống trong cả nước. Ðể làm được điều đó trước hết các doanh nghiệp cần có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí, tiềm năng của các chợ truyền thống. Nắm bắt tâm lý cũng như thị hiếu của khách hàng để phân khúc thị trường, vừa sản xuất hàng chất lượng cao cho xuất khẩu và cho người tiêu dùng thu nhập cao, nhưng không bỏ quên phân khúc người thu nhập thấp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách, phương thức tiếp cận phù hợp để đưa sản phẩm vào chợ một cách hiệu quả, đặc biệt là tiếp cận các chợ đầu mối bán buôn; xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng, tiếp thị năng động, tìm được tiếng nói chung giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, phát huy tốt lợi thế "sân nhà". (Còn nữa)

Khánh An - Bảo Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang