Học gì trong cách giáo dục từ “đất nước của giải Nobel”?

author 14:37 26/10/2013

(VietQ.vn) - Năm 2013, theo xếp hạng của Tổ chức đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo (Innovation Union Scoreboard), Thụy Điển là quốc gia có năng lực sáng tạo cao, đứng đầu trong các nước sáng tạo nhất. Thụy Điển có nền giáo dục tiên tiến, đứng thứ 2 thế giới về giáo dục sau Đại học và đây cũng là “cái nôi” của Giải thưởng hàn lâm khoa học Nobel. Vậy đâu là bí quyết thành công của nền giáo dục của Thụy Điển? Việt Nam nên học gì từ cách giáo dục của quốc gia này?

Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển cho biết, Thụy Điển nổi tiếng về sự đổi mới trong việc hợp tác giữa ngành công nghiệp và các học viện, điều này luôn được đánh giá nghiêm ngặt. Các trường đại học của Thụy Điển luôn luôn cải tiến và đầu tư vào các nghiên cứu và các ý tưởng độc đáo.

Điều ấn tượng nhất trong giáo dục của Thụy Điển là sự linh hoạt ở mức tối đa của chương trình học và sinh viên được rèn luyện phong cách để chuẩn bị trở thành người lao động trong nền kinh tế toàn cầu theo 4 chỉ tiêu: Làm việc theo nhóm (teamwork); rèn luyện kỹ năng kỹ thuật thực dụng (paragmatic technical skills); tập giải quyết vấn đề (proplem solving); và tinh thần dám nghĩ dám làm trong doanh nghiệp (entrepreneuship). Các phong cách này được rèn luyện thông qua việc từng nhóm sinh viên thực hiện đồ án dưới sự hướng dẫn của giảng viên, đặc biệt quá trình thực hiện đồ án luôn kèm theo các phân tích có tính phê phán.

Theo chủ thuyết xây dựng kiến thức, việc giảng dạy được cá nhân hóa. Mỗi sinh viên được yêu cầu triển khai và dạy một bài học trong một tuần cho các bạn trong lớp mà không phụ thuộc vào bài in sẵn trong sách giáo khoa. Điều này đòi hỏi sinh viên phải suy nghĩ sáng tạo hơn và làm phù hợp với hướng ưa thích học tập của các bạn trong lớp căn cứ trên các cuộc bàn thảo ngồi vòng tròn mà họ thường dùng. Sau mỗi bài học, sinh viên phải viết ra một vài suy nghĩ về những điều được cho là đúng và những gì sẽ cần phải thay đổi.

Theo đại diện Học viện Karolinsa thì việc giáo dục ở trường này dựa trên thế kiềng 3 chân có tác động qua lại với nhau gồm: research (tìm kiếm, nghiên cứu); education (giáo dục); và innovation/implementation in the ward (đổi mới/thực hiện trong sự bảo trợ). Sự tương tác của 3 khía cạnh này chính là động lực quan trọng đối với một xã hội mà cơ sở nền tảng tri thức. Mục tiêu của nó là giúp Thụy Điển trở nên cạnh tranh hơn. Với cách thức đào tạo như trên Học viện Karolinsa đã có 5 giáo sư nhận giải Nobel trong lĩnh vực sinh học và y học.

Thư viện hoành tráng của trường KTH, Thụy Điển

Đại diện trường KTH, một trong những trường ĐH nổi tiếng ở Thụy Điển cho biết, tại trường, giảng viên sẽ đưa ra những vấn đề cho sinh viên tự tìm hiểu. Trường không dạy sinh viên làm gì mà dạy họ tư duy để đưa ra các phương pháp xử lý vấn đề từ đó tìm ra giải pháp khả thi nhất. Từ việc đào tạo những sinh viên Việt Nam đang du học ở ĐH KTH, đại diện trường cho rằng sinh viên Việt thường là những kỹ sư giỏi. Khoảng 30 năm trước đây, trình độ tiếng Anh của sinh viên Việt Nam không tốt lắm. Gần đây, khả năng này đã được cải thiện rất nhiều song so với mặt bằng chung của các sinh viên quốc tế khác thì vẫn còn hơi đuối. Nếu cải thiện, vượt qua rào cản về ngoại ngữ thì chắc chắn cơ hội thành công của sinh viên Việt sẽ còn mở rộng hơn.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang