KH&CN - Thời cơ và thách thức trong hội nhập quốc tế

author 07:38 14/05/2014

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương với mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ KH&CN ở trình độ quốc tế. Vấn đề hội nhập quốc tế đang giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực KH&CN.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương với mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ KH&CN ở trình độ quốc tế. Vấn đề hội nhập quốc tế đang giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực KH&CN. Để làm rõ điều này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Hà, Vụ trưởng - Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chánh Văn phòng Đề án Hội nhập Quốc tế về KH&CN.

Ông có thể cho biết, cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN giai đoạn hiện nay là gì?

- Có thể nói, cơ hội mở ra cho KH&CN Việt Nam trong giai đoạn này là rất lớn. Chúng ta có thể tiếp cận nhanh và khách quan tới những tiến bộ KH&CN của thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao, mua bán công nghệ, rút ngắn khoảng cách về KH&CN với các nước trong khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, chúng ta còn có điều kiện tranh thủ khai thác các nguồn lực từ nước ngoài (tài chính, thông tin, nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật KH&CN…) để phát triển tiềm lực khoa học và đổi mới công nghệ trong nước; có điều kiện để tiếp cận đa dạng tới các hình thức đào tạo tiên tiến để phát triển đội ngũ các nhà khoa học và cán bộ quản lý KH&CN.


Tuy nhiên, thách thức đối với KH&CN Việt Nam cũng không hề nhỏ. Tính hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thể chế kinh tế thị trường đang được hình thành nhưng còn thiếu bài bản. Điều này dẫn đến việc, vai trò của KH&CN vẫn đang bị nhìn nhận một cách hình thức. Do vậy, chúng ta sẽ còn phải mất nhiều năm để có thể biến KH&CN như điều kiện sống còn để phát triển kinh tế - xã hội.

Số liệu thống kê phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển KH&CN nói riêng cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập so với yêu cầu khách quan của việc quản lý. Hệ thống chính sách tài chính cho phát triển KH&CN chưa phù hợp với điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế. Cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ về KH&CN còn chưa đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động KH&CN quốc tế.

Ngoài ra, việc thiếu môi trường của hệ thống quốc gia về đổi mới cũng là vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt, vấn đề nan giải nhất chính là thiếu cơ sở cơ bản và vững chắc cho môi trường cạnh tranh lành mạnh, bất cập về quản lý kinh tế vĩ mô. Thiếu cạnh tranh lành mạnh, KH&CN sẽ bị mất đi động lực phát triển.

Ông có thể cho biết nội dung của “Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020” và giải pháp quan trọng nhất để hoàn thành mục tiêu của Đề án này là gì?

- Hiện nay, Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020 hiện đang được triển khai dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế và trực tiếp của Bộ trưởng Bộ KH&CN với những nội dung cơ bản sau: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ quản lý; Huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; Tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; Thúc đẩy đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số sản phẩm quốc gia; Xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ Việt Nam; Đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Giải pháp cụ thể và quan trọng nhất để thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN hiện đang được Bộ KH&CN chỉ đạo, đó là đang trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương về KH&CN và Chương trình tìm kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ nước ngoài về Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN sẽ ký phê duyệt Chương trình tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về KH&CN.

Giải pháp nào cho việc huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước?

- Trước hết cần nhấn mạnh rằng: Muốn huy động nguồn tài chính, chúng ta cần chứng minh tính hiệu quả. Muốn đạt hiệu quả trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, ta cần nhất hai yếu tố: Thứ nhất là giá trị thực của các quan hệ kinh tế và thứ hai là phương thức đánh giá phải chuẩn. Cả hai yếu tố này đều có trong nền kinh tế thị trường lành mạnh. Một khi hệ thống mặt bằng về lương của toàn bộ khu vực nhà nước còn mang tính giá trị ảo như hiện nay, sẽ khó có thể nói đến giá trị thực của các quan hệ kinh tế nói chung trong xã hội, và vì vậy càng khó để nói đến tính hiệu quả.

Chưa kể yếu tố kinh tế thị trường ở Việt Nam mới đang trong quá trình phôi thai, vấn đề phương thức đánh giá sẽ chỉ mang tính chủ quan và hình thức. Chúng ta cần nắm rõ rằng, ở đâu có nền kinh tế thị trường lành mạnh, ở đó kinh phí chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) từ khu vực tư nhân chiếm khoảng gấp 2 lần nguồn kinh phí từ khu vực nhà nước. Ở đâu thiếu vắng cơ chế thị trường lành mạnh, ở đó chi cho R&D chỉ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Trong tình hình hiện nay, muốn có hiệu quả và muốn thu hút kinh phí từ các nguồn ngoài ngân sách, trước mắt cần phải ứng dụng cách tiếp cận theo hệ thống đổi mới quốc gia, và về lâu dài, vẫn cần phải có cơ chế thị trường lành mạnh và bền vững. Có kinh tế thị trường lành mạnh, sẽ có các doanh nghiệp mạnh; chính các doanh nghiệp mạnh sẽ xác định cầu đổi mới công nghệ và chính là nguồn cung cấp kinh phí cho R&D. Chỉ có như vậy, KH&CN mới có đất để phát huy hiệu quả nói chung đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tiếp tục tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế về KH&CN sẽ có tác động như thế nào đối với ngành KH&CN Việt Nam?

- Trước hết, nói về lợi thế của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về KH&CN, theo tôi có 3 yếu tố: Thứ nhất là yếu tố con người, thứ 2 là yếu tố đa dạng của thiên nhiên Việt Nam, và thứ 3 là vị trí quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những yếu thế (không cơ bản, nhưng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả chung): Thiếu nhất quán trong cam kết quốc tế, kinh phí đóng góp không ổn định, và cuối cùng là thiếu gắn kết trong những nghiên cứu đòi hỏi sự kết hợp của nhiều lực lượng từ các bộ ngành.

Việc phát triển và mở rộng các quan hệ hợp tác với nước ngoài về KH&CN có ảnh hưởng rất quan trọng đối với sự phát triển của các lĩnh vực KH&CN hiện nay, đó là giúp Việt Nam tiếp cận nhanh và trực tiếp đến những thành tựu và các chuẩn quốc tế mới nhất của KH&CN thế giới, giúp đào tạo nhân lực và kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, và giúp chúng ta nhìn rõ hơn mức độ tụt hậu, sự yếu kém trong cam kết hợp tác.

Vậy Bộ KH&CN có những giải pháp nào trong thời gian tới?

- Để KH&CN Việt Nam có thể chủ động hội nhập và hợp tác hiệu quả, Bộ KH&CN trước hết tập trung chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN đến 2020, triển khai cùng các bộ ngành liên quan thực hiện Luật KH&CN sửa đổi 2013, thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN và 3 chương trình nằm trong Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN, đó là: Chương trình hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương về khoa học và công nghệ; Chương trình tìm kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ nước ngoài về Việt Nam và Chương trình tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

Xin cảm ơn ông! 

Theo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang