Kiếm “bộn” tiền từ nghề … “dán”

author 08:25 28/09/2012

(VietQ.vn) - Bộ đồ “hành nghề” chỉ là chiếc dao lam, bật lửa ga, một vài miếng nệm cao su, một ít vốn để mua các miếng dán… thế mà nhiều sinh viên của một số trường đại học ở Hà Nội đã kiếm được tiền, đủ trang trải tiền ăn, tiền thuê nhà và tiêu vặt nhờ dán đồ công nghệ.

Dọc trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Hoàng Quốc Việt, Chợ Xanh Dịch Vọng, đường Láng, đường Định Công, Khương Trung, Nguyễn Trãi, Phố Huế, Nguyễn Công Trứ…nơi nào cũng dễ dàng bắt gặp biển đề dán điện thoại, laptop, ipad. Theo những sinh viên làm nghề này, chỉ cần chi khoảng vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng là có thể trang bị, mua được nhiều miếng dán với đủ loại kích cỡ, mầu sắc và hoa văn, hình ảnh khác nhau. Đa phần các miếng dán đó làm từ ni lông mỏng, hoặc ni lông có độ dày cao nhưng vẫn mềm. Các miếng dán đó thường do Trung Quốc sản xuất hoặc có miếng dán mang chữ tiếng Hàn, tiếng Anh nhưng không thấy đề nơi sản xuất. Hiện nay, tại nhiều chợ đầu mối như Đồng Xuân, Cầu Giấy, Hòa Bình (chợ Giời); trên phố Huế… có rất nhiều nơi cung cấp các miếng dán cho hàng công nghệ.

Điều đặc biệt, những điểm dán điện thoại, laptop đó không chỉ cố định tại vỉa hè, góc phố mà còn “di động”. Di chuyển bằng chiếc xe đạp hoặc qua tờ quảng cáo có số điện thoại và giới thiệu địch vụ “dán” là người có nhu cầu có thể “a lô”, “ngã giá”, sẽ có người đến “dán” tận nơi.

Theo Lê Văn Hùng – Sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự và là một trong những sáng lập viên của Trung tâm Trang trí Điện thoại Laptop HHL, giá của mỗi miếng dán và dán các loại sản phẩm khác nhau. Nếu dán điện thoại bình thường, chỉ cần miếng dán là ni lông, giá của mỗi miếng dán đó và cả công làm chỉ từ 20 – 60 ngàn đồng. Nhưng nếu dán điện thoại có màn hình cảm ứng hoặc những loại điện thoại đắt tiền khác, miếng dán sẽ đắt hơn, có thể từ 50 đến trên 100 ngàn đồng/máy và đảm bảo độ nhạy về cảm ứng tốt. Riêng với máy laptop hoặc ipad, ngoài dán phía lưng máy, các phần tiếp xúc nhiều với tay nhiều được dán bằng ni lông mỏng. Còn phía màn hình, miếng dán phải chất liệu tốt, cao cấp hơn và giá của mỗi miếng dán đó từ 120 – đến 150 ngàn đồng/miếng.

“Nghề dán máy cần đòi hỏi hoa tay và tỷ mỷ cao. Ai cũng có thể làm được nhưng phải rất cẩn thận. Điều quan trọng là uy tín, tin cậy, khách hàng sẽ nhớ và “gọi”. Khách hàng cũng phải rất kẻo bị lừa, miếng dán rẻ tiền, làm cho qua lần, tuổi thọ của miếng dán không cao mà chi phí dán lại lớn”, sinh viên Lê Văn Hùng cho biết.

Cũng theo sinh viên Hùng, một vài năm gần đây, số lượng người dùng máy tính cá nhân, điện thoại di động, nhất là điện thoại đắt tiền, màn hình cảm ứng tăng cao. Một ngày đạp xe dạo phố, có thể tìm được từ 3 – 5 khách. Có ngày đông, số khách tới cả chục người. Mỗi lúc như vậy lại phải “a lô” các bạn ở điểm khác tới hỗ trợ. Dù thu nhập không cao nhưng với con “nhà nông”, điều kiện kinh tế khó khăn mà kiếm được vài chục đến 100 ngàn đồng/ngày cũng rất quý. Đỡ gánh nặng cho bố mẹ ở quê.

Qua tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, do có nhiều loại miếng dán khác nhau, giá cả cũng khác nhau nên khi dán, mọi người cần phải mặc cả giá trước hoặc phải giao hẹn, phải có “bảo hành” sau khi dán. Chủ nhân của máy cũng không cần phải lo lắm về độ tản nhiệt từ máy sau khi ni lông đã được dán vào bề mặt vì mỗi laptop đều có quạt gió. Chỉ có điều, khi mang máy đi dán, nhắc người dán không nên tì quá mạnh vào máy bởi nhiều sản phẩm điện thoại, laptop, ipad hiện nay rất mỏng và nhẹ hoặc dán chưa chuẩn sẽ che hết cả phần loa của máy, như vậy sẽ cản trở âm thanh phát ra.

Cùng quan điểm với Hùng, Trần Xuân Đạt – sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội, quê ở Nam Định cho biết, nhà Đạt có 3 anh em vừa đi làm vừa đi học ở Hà Nội. Đạt và em gái phụ nhau, lúc rảnh rỗi ra góc phố dán máy tính, điện thoại… thu nhập mỗi ngày, trừ chi phí cũng được hơn trăm ngàn. Bình quân một tháng, Đạt kiếm được từ dán điện thoại, laptop từ 2 – 3 triệu đồng. Số tiền đó là rất lớn đối với sinh viên nông thôn.

“Học việc để biết nghề thì không lâu, chỉ cần khoảng một tuần là có thể biết. Tuy nhiên, để làm được và làm tốt, có uy tín, người làm phải rất cẩn thận, tỷ mỷ và khéo tay. Chỉ cần sơ ý là có thể để lọt bụi, phải bóc ra dán lại hoặc vuốt không đều sẽ làm lọt hơi và như vậy sẽ phải bóc ra làm lại”, Đạt chi sẻ.

Có nhiều điểm dán là cửa hàng cố định. Ảnh: N. Nam
Nhiều điểm dán ké  ở góc đường, vỉa hè. Ảnh: N. Nam
Dán... di động. Ảnh: N. Nam
Dán... dạo. Ảnh: N. Nam
Đội dán... dạo. Ảnh: N. Nam
Đội dán... dạo. Ảnh: N. Nam
Đối tượng dán nhiều nhất là những người trẻ, dùng công nghệ theo mốt và cần phải bảo vệ bằng cách dán. Ảnh: N. Nam
Đối tượng dán nhiều nhất là những người trẻ, dùng công nghệ theo mốt và cần phải bảo vệ bằng cách dán. Ảnh: N. Nam
<br>
Những miếng dán điện thoại có hình thù kỳ qoái. Ảnh: N. Nam
Khách cũng có thể lựa chọn hình con vật mình yêu thích. Ảnh: N. Nam
Hoặc cả những logo đội bóng hâm mộ. Ảnh: N. Nam
Kể cả những hình ảnh sexy. Ảnh: N. Nam
Đến những hoa văn, họa tiết. Ảnh: N. Nam
Có cả những hình ảnh rùng rợn. Ảnh: N. Nam
Một miếng dán màn hình laptop chất lượng tốt có giá từ 120 - 150 ngàn đồng. Ảnh: N. Nam
Học được nghề dán sản phẩm công nghệ không khó nhưng người làm phải thực sự khéo tay, để sản phẩm khi dán xong có độ mịn và "mượt". Ảnh: N. Nam

Hồng Anh – Thành Long

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang