Kinh nghiệm để trở thành "người bệnh thông thái"

author 20:51 21/08/2013

(VietQ.vn) - Trang bị cho mình một số hiểu biết cơ bản về cách dùng và cách bảo quản thuốc chữa bệnh cũng là một cách để trở thành "người bệnh thông thái". Góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân và những thành viên khác trong gia đình...

Thú ý đối với tủ thuốc gia đình

Không nên để lẫn chung thuốc dùng cho người lớn và trẻ con. Thuốc cần được giữ ở nơi gọi là tủ thuốc gia đình. Chính do không cất giữ thuốc tốt, để lẫn lộn với những thứ khác, trẻ con lấy được, người lớn nhầm lẫn mà ở nhiều nước trên thế giới hằng năm đều thống kê được con số không nhỏ các trường hợp ngộ độc thuốc xảy ra do bất cẩn trong tồn trữ, sử dụng thuốc tại gia đình. Những sự cố đáng tiếc đó lẽ ra có thể phòng ngừa được.

Tủ thuốc có thể treo lên tường, vách. Cần lưu ý: Nơi đặt tủ phải khô ráo, mát, không bị ánh nắng chiếu vào (không nên để trong buồng tắm vì sự ẩm ướt làm thuốc mau hỏng). Tủ đặt như thế nào để trẻ không tìm cách với tới được hoặc nếu trẻ có khả năng với tới thì tủ phải có khóa với chìa khóa được cất ở nơi chỉ riêng những người lớn trong gia đình biết. Nếu không có điều kiện đóng hoặc mua tủ nhỏ, ta có thể tạm đặt thuốc trong ngăn kéo bàn hoặc trong một hộc của tủ lớn. Để dễ tìm, nên sắp thành 3 loại đặt ở 3 chỗ khác nhau.

 Loại bác sĩ kê đơn và người trong gia đình đang sử dụng. Thuốc này cần để riêng ra một nơi và tốt hơn hết nên để trong bao gói có ghi loại thuốc gì, dùng như thế nào (mỗi lần uống mấy viên, ngày uống mấy lần, uống vào lúc nào, có điều gì cần lưu ý...).

 Loại thường dùng, để trị một số chứng bệnh nhẹ hay gặp: thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc trị ho, tiêu chảy, táo bón, khó tiêu đầy bụng, dị ứng, v.v...

Loại dùng ngoài: Povidine, Betadine (bôi ngoài da sát trùng), nước oxy già (eau oxygénée), cồn 70o..., bông băng, một số vật dụng y tế (kéo, nhiệt kế), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi.

Đối với thuốc dùng trong (tức loại để uống) nên sắp đặt riêng: thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ con, không nên để lẫn lộn.

Nếu thuốc có bao bì, nên giữ trong bao bì kể cả bảng hướng dẫn sử dụng. Tất cả các loại viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc. Thuốc dành cho người lớn, nên ghi thêm câu trên nhãn: “người lớn”. Nếu có hạn dùng phải ghi rõ và thường xuyên theo dõi, khi quá hạn phải bỏ đi, thay thuốc mới vào. Để giữ nhãn thuốc tốt, có thể dùng băng keo trong dán chồng lên. Sau cùng, ta nên để sẵn một đèn pin ở đầu giường ngủ phòng khi đêm tối cúp điện. Tránh việc mò mẫm lấy thuốc trong tình trạng không đọc được tên thuốc.

Nơi đặt tủ thuốc phải khô ráo, mát, không bị ánh nắng chiếu vào

Nên uống thuốc bằng nước gì?

Nước gì tốt nhất dùng để uống thuốc? Câu trả lời là nước lã đun sôi để nguội hoặc nước lọc hợp vệ sinh là loại nước tốt nhất dùng để uống thuốc. Uống thuốc với loại nước này với lượng nước đủ sẽ giúp đưa thuốc viên (viên nén hoặc viên nang) từ miệng xuống nhanh đến dạ dày, tan rã và hòa tan tạo dung dịch thuốc, sau đó trôi xuống ruột là vị trí dược chất sẽ hấp thu vào máu cho tác dụng.

Đối với thuốc là viên nang hay còn gọi là viên nhộng là dạng dễ nuốt, một số người uống khan, không uống chung với nước (đặc biệt là người cao tuổi do rối loạn tiểu tiện thường đi tiểu lắt nhắt rất ngại uống nước), viên nang uống khan có thể dính lại ở thực quản gây viêm loét thực quản rất tai hại. Vì vậy, uống thuốc với lượng nước đủ là cần thiết, thậm chí có một số thuốc đòi hỏi phải uống nước thật nhiều (như thuốc chứa dược chất sulfamid) để thuốc được lọc, bài tiết nhiều theo nước tiểu không gây đóng sỏi hại thận.

Có thể dùng nước đóng chai nhưng phải là nước tinh khiết chứ không nên dùng nước chứa các chất khoáng (còn gọi nước suối) để uống thuốc, bởi vì chất khoáng như: canxi, natri… có thể tương kỵ gây ảnh hưởng đến thuốc.  Nên uống thuốc với nước đun sôi để nguội.

Tùy trường hợp, có loại nước hoàn toàn không thích hợp vì nếu uống với thuốc sẽ làm mất tác dụng của thuốc hay gây hại đối với cơ thể, cụ thể như sau:

Sữa: trong sữa có chứa canxi có thể kết hợp với một số kháng sinh (như tetracyclin) tạo thành phức hợp không tan, làm kháng sinh không hấp thu được vào máu để cho tác dụng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thuốc nên uống chung với sữa. Như dùng thuốc gây bào bọt dạ dày (aspirin), hay dễ nôn ói (thuốc ngừa thai phải uống hàng ngày dễ gây buồn nôn ở một số phụ nữ), hay cần chất béo để thuốc dễ hấp thu (vitamin A, vitamin D) thì cần uống chung với sữa. Như vậy, để lựa chọn đúng thức uống uống với thuốc nên hỏi bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn.

Cà phê, trà, nước giải khát có ga: trong các loại nước này, đặc biệt nước ngọt, nước tăng lực đều có chứa caffein (là chất kích thích giúp tỉnh táo) sẽ kết hợp với thuốc bổ chứa sắt, tạo thành chất kết tủa không hấp thu được. Ngoài ra, caffein còn làm giảm tác dụng các thuốc được dùng nhằm an thần gây ngủ nếu uống cùng lúc.

Nước ép trái cây: nhiều loại nước ép trái cây hiện nay đã được chứng minh là gây hại nếu uống chung với thuốc. Nước cam, nước táo dùng uống thuốc có thể làm giảm sự hấp thu một số thuốc, do làm chất sinh học ở ruột đảm nhận việc chuyển vận thuốc vào máu không hoạt động được. Nghiêm trọng nhất là nước bưởi chùm (grape-fruit, là loại bưởi dùng nhiều ở phương Tây, nhưng thận trọng cũng nên lưu ý cả nước bưởi trồng ở ta). Khi uống chung với một số thuốc (như thuốc statin trị rối loạn lipid huyết, thuốc atenolol trị tăng huyết áp…) nước bưởi chùm sẽ làm tăng độc tính của thuốc, do ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan, làm tăng nồng độ thuốc quá đáng ở trong máu.

Bia rượu: đây là loại thức uống không nên uống chung với thuốc. Rượu làm tăng độc tính hại gan của paracetamol, tăng độc tính hại dạ dày của aspirin, tăng độc tính gây mê của thuốc an thần gây ngủ. Riêng với kháng sinh như: metronidazol, các cephalosporin… nếu uống chung với rượu bia sẽ gây phản ứng antabuse gây vật vã, hạ huyết áp, rất khó chịu. Trong thời gian dùng bất cứ loại thuốc nào, an toàn hơn hết là kiêng hẳn, không nên uống rượu bia.

Nên uống thuốc bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc

Biện pháp chống hiện tượng tương tác thuốc

Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra khi sử dụng đồng thời hai hay nhiều thuốc, thuốc này làm thay đổi tác dụng hay tăng độc tính của thuốc kia dẫn đến hậu quả có lợi hoặc bất lợi với cơ thể người dùng thuốc.

Một số người được gọi là đối tượng có nguy cơ dễ bị tương tác thuốc. Đó là người phải dùng nhiều thuốc vì nhiều bệnh, người cao tuổi, người hay đi khám nhiều bác sĩ (liên tục đổi thầy, đổi thuốc), người bị bệnh kinh niên như viêm loét dạ dày - tá tràng, tim mạch (nhất là bị tăng mỡ trong máu hay dùng thuốc chống đông), động kinh, hô hấp (hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Các đối tượng này cần lưu ý khi dùng nhiều loại thuốc:

- Khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc (loại bán không cần đơn) tại nhà thuốc phải nói rõ cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết mình đang dùng thuốc gì.

- Khi đang dùng thuốc chữa bệnh, không được dùng thêm bất cứ thuốc gì khác, kể cả thuốc y học cổ truyền hay các loại thực phẩm chức năng mà không hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị.

- Khi đang dùng đơn thuốc ghi nhiều thuốc, nếu có phản ứng bất thường xảy ra nên đi tái khám ngay và kể rõ cho bác sĩ biết sự bất thường đó.

Ngọc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang