Lộ trình hướng tới chuyển đổi số tại Công ty TNHH Dệt Phú Thọ

author 12:46 29/05/2021

(VietQ.vn) - Ngày 3/6/2020, Quyết định số 749/QĐ-TTg về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Theo đó, chuyển đổi số quốc gia được thực hiện trên thế "kiềng 3 chân" là Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số. Việc xây dựng Chính phủ điện tử được nhận định tạo điều kiện kiên quyết để xây dựng thành công Chính phủ số tại Việt Nam.

Chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là gì? Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Hiện nay chuyển đổi số được xem là giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, có nhiều thách thức đặt ra cho doanh nghiệp khi định hướng theo chương trình chuyển đổi số, theo báo cáo phân tích năm 2016 của Forrester, trong số những doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 11% thành công trong quá trình chuyển đổi số. Một trong thách thức lớn nhất của quá trình chuyển đổi số là doanh nghiệp muốn bắt đầu, nhưng không biết từ đâu, hơn nữa chuyển đổi số là chặng đường dài, cần đầu tư lớn, và rủi ro cao, chính vì lẽ đó rất cần phải có quá trình đánh giá tính sẵn sàng của chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đây là bước rất quan trọng trong việc thực hiện hiện thực hóa con đường chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có lộ trình phù hợp mới giảm thiểu các phát sinh chi phí, rủi ra không mong muốn. Việc đánh giá này sẽ giúp doanh nghiệp xem hiện trạng tổ chức chúng ta đang ở đâu, cần phải làm gì, để thiết lập kế hoạch, các nguồn lực nào (tài lực, vật lực, nhân lực…) cần chuẩn bị và đảm bảo phương án chuyển đổi hiệu quả đem lại thành công cho doanh nghiệp.

Nhiệm vụ “Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng năng suất trong và sau dịch Covid-19 thông qua hướng dẫn thực hành các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”, thuộc chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Viện Năng suất Việt Nam chủ trì thực hiện đã mở ra cơ hội lớn hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Công ty TNHH Dệt Phú Thọ được thành lập từ năm 2001 tại Khu công nghiệp Thụy Vân Phú Thọ, hoạt động trong lĩnh vực dệt may với sản phẩm chính là sản xuất sợi bông tự nhiên. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. Công ty đối mặt nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh: chuỗi cung ứng bị gián đoạn; tỉ lệ đơn hàng tồn kho gia tăng; phí logistic tăng cao; việc xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu gặp khó khăn, đặc biệt với các nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. Việc cắt giảm chi phí, lãng phí, nâng cao năng suất lao động được đặt ra ưu tiên trọng yếu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Thông qua gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp, nhóm chuyên gia nhận thấy đây là một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ trong việc nâng cao năng suất sản xuất, cần ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bằng việc giảm thiểu các chi phí không cần thiết. Nhóm chuyên gia thực hiện nhiệm vụ đã quyết định lựa chọn công ty TNHH Dệt Phú Thọ để nghiên cứu đề xuất các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hỗ trợ đào tạo phương pháp cải tiến cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp.

Để triển khai dự án này, nhóm chuyên gia tư vấn trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn các lãnh đạo công ty tiến hành đánh giá thực trạng năng suất trực tuyến thông qua phần mềm ViPA trên trang thông tin điện tử của Viện Năng suất Việt Nam(http://vipa.vnpi.vn/) tiến hành khảo sát chuyên sâu 16 tiêu chí, đánh giá (KPIs) để lựa chọn các vấn đến ưu tiên cải tiến và xây dựng kế hoạch tổng thể để công ty tiếp tục triển khai các giải pháp để hướng tới chuyển đổi số và sản xuất thông minh.


 Biểu đồ VIPA 16 khía cạnh đánh giá theo VIPA

Căn cứ trên kế hoạch tổng thể, doanh nghiệp nhận thức được việc thực hiện chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng giải pháp công nghệ mà phải triển khai nhiều giải pháp tổng thể từ quản lý tổ chức, quản lý năng suất, hạ tầng kỹ thuật số, sản xuất thông minh.

Nhóm chuyên gia tiến hành thu thập và đánh giá hiện trạng hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp, khảo sát thực trạng kết nối ở dưới khu vực nhà xưởng nhằm kết hợp khảo sát VIPA và lên lộ trình triển khai tổng thể cho doanh nghiệp cho 3 năm tới.

Theo đó trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp cần tiến hành chuẩn hóa các quá trình, kết hợp đào tạo nhân lực, triển khai kết nối tầng IOT ở dưới nhà xưởng và hệ thống điều hành nhà máy sản xuất MES (Manufacturing execution system).

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp về công cụ cải tiến Kaizen nhằm giúp nâng cao giá trị sản xuất đồng thời nâng cao tinh thần và sự an toàn của nhân viên. Kaizen có nghĩa là cải tiến nhằm cải thiện liên tục cuộc sống và công việc. Kaizen liên quan đến tất cả mọi người - từ lãnh đạo cao nhất đến quản lý và công nhân, khi được thực hiện tại nơi làm việc. Một số hình ảnh cải tiến tại doanh nghiệp được ghi nhận trong quá trình thực hiện dự án:

Đề tài cải tiến chiều cao tay đánh lên 1400 mm, nâng cao máy xé tròn ở xưởng 1, qua đó rút ngắn thời gian công nhân cho kiện xơ vào bàn tròn và sản lượng bàn bồn tăng lên 20%.

Đề tài cải tiến bộ ra thùng máy chải C70 xưởng 3, bổ sung rào chắn tránh va đập các máy bên cạnh, giảm va đập giữa các thùng; thùng ra không bị va đạp, móp vỡ.

Với sự cam kết và quyết tâm triển khai dự án của lãnh đạo Công ty cùng với nỗ lực tham gia của toàn bộ nhân viên trong Công ty, đặc biệt là những thành viên trong các nhóm Dự án. Công ty đã đạt được thành công, các dự án đặt ra đạt mục tiêu. Ban lãnh đạo công ty tiếp tục quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất tại công ty nhất là sau khi không còn có sự tham gia của chuyên gia tư vấn. Doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư đúng mức với vấn đề chuyển đổi số và sản xuất thông minh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp và những trụ cột trên đóng vai trò hết sức quan trọng góp phần đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn phát triển ổn định, lâu dài.

Nguyễn Phương Nhung -Viện Năng suất Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang