Luật sư lên tiếng về vụ VTVCab cắt hàng loạt kênh truyền hình hấp dẫn

author 07:46 07/04/2018

(VietQ.vn) - Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu cắt kênh mà không thông báo, thông báo không đầy đủ, không đúng thỏa thuận, không có ý kiến của khách hàng thì VTVCab có dấu hiệu vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng và quy định của pháp luật liên quan.

Theo đó, Thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội) cho biết: Có thể nói, tuần qua dư luận đang xôn xao về hành động cắt hàng loạt kênh truyền hình của VTVcab. Động thái này vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối và sự bức xúc của người tiêu dùng. Đối với những khách hàng đã có thói quen theo dõi các kênh truyên hình cũ thì việc này có thể gây ra xáo trộn lớn trong thói quen xem truyền hình của họ.

Hiện nay, theo quy định pháp luật Việt Nam thì truyền hình trả tiền dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Cụ thể truyền hình trả tiền nằm trong bảng danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Luật sư lên tiếng về vụ VTVCab cắt hàng loạt kênh truyền hình hấp dẫn

 Thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội).

Như vậy truyền hình trả tiền do VTVcab đang cung cấp là lĩnh vực dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi giao kết với người sử dụng dịch vụ. Quan hệ pháp lý giữa VTVCab và khách hàng trong trường hợp này là quan hệ hợp đồng dịch vụ giữa bên cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng. Do đó, nếu VTVCab cắt giảm một số kênh truyền hình mà không thông báo trước hoặc thông báo không đầy đủ, rõ ràng với khách hàng thì việc xem xét xử lý, giải quyết phải căn cứ vào các điều khoản được thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định của pháp luật có liên quan.

Theo đó, cần làm rõ trong hợp đồng các bên thỏa thuận thì gói dịch vụ mà VTVcab cung cấp là gì, số lượng kênh, tên kênh truyền hình cụ thể mà VTVCab sẽ cung cấp, con số kênh cung cấp cụ thể hay chỉ thỏa thuận chung? VTVcab có quyền được thay đổi kênh và số lượng kênh trong những trường hợp nào? VTVCab có buộc phải thông báo việc cắt kênh không và thông báo trước một khoảng thời gian hợp lý là bao nhiêu về việc thay đổi kênh cho khách hàng? thông báo thông qua các hình thức nào? Trường hợp trong hợp đồng không xác định rõ thì cần xác định VTVCab có cam kết, niêm yết, công bố hoặc quảng cáo các kênh truyền hình trong bảng kênh mà họ cung cấp hay không.

Ngoài thỏa thuận tại hợp đồng, thì nghĩa vụ thông báo còn được pháp luật quy định. Cụ thể theo khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nội dung dịch vụ; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. Theo quy định tại Điều 518 Bộ luật Dân sự về quyền của bên cung ứng dịch vụ thì bên cung cứng dịch vụ được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ. Do đó, theo những quy định này thì VTVCab phải thông tin đầy đủ cho khách hàng về những thay đổi trong phạm vi dịch vụ.

Như vậy, nếu VTVCab cắt kênh mà không thông báo, thông báo không đầy đủ, không đúng thỏa thuận cho khách hàng, không có ý kiến của khách hàng thì VTVCab có dấu hiệu vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng và quy định của pháp luật liên quan.

Theo quy định của pháp luật thì nếu một bên vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi thì bên kia có quyền chấm dứt hợp đồng không phải bồi thường hoặc khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường, yêu cầu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trước đây. Theo khoản 6 Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức kinh doanh dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điểm e Khoản 1 Điều 11 Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình quy định khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền có quyền được khiếu nại về giá cước, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trong trường hợp dịch vụ không được cung cấp theo đúng hợp đồng đã giao kết.

Luật sư lên tiếng về vụ VTVCab cắt hàng loạt kênh truyền hình hấp dẫn

 Theo luật sư, VTVCab có dấu hiệu vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng và quy định của pháp luật liên quan.

Như vậy, đối với trường hợp VTVcab, nếu như các bên có thoả thuận rõ các điều khoản về việc cung cấp dịch vụ, cắt giảm kênh và nghĩa vụ thông báo,.. trong hợp đồng cung cấp dịch vụ thì trường hợp khách hàng nhận thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo, khách hàng có quyền yêu cầu VTVCab khôi phục lại như trạng thái ban đầu do VTVCab đã không thực hiện đúng cam kết. Trường hợp VTVCab không thực hiện, khách hàng có quyền yêu cầu huỷ hợp đồng cung cấp dịch vụ với VTVCab về việc vi phạm những nghĩa vụ và yêu cầu VTVCab trả lại số tiền mà khách hàng đã đóng trong thời gian chưa sử dụng hoặc khiếu nại, khiếu kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 nếu khách hàng chứng minh được thiệt hại mà họ phải chịu từ hành vi vi phạm hợp đồng của VTVCab. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể yêu cầu cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế về lợi ích khách hàng có thể đạt được từ việc khiếu nại, khiếu kiện. Bởi lẽ cần phải căn cứ vào hợp đồng 2 bên đã ký kết để xác định trách nhiệm của VTVcab. Nếu không có căn cứ chứng minh về hành vi vi phạm của VTVcab thì khách hàng chỉ có thể “đơn phương chấm dứt hợp đồng” nếu không có nhu cầu sử dụng hoặc không đồng ý với các thay đổi của VTVcab.

Như vậy, thực tế hiện nay khách hàng vẫn đang nằm trong “thế yếu” khi ký kết hợp đồng dịch vụ với các tổ chức kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Có lẽ đã đến lúc khách hàng cũng cần được bảo vệ bởi các bản hợp đồng quy định quyền lợi và trách nhiệm giữa bên sử dụng và cung cấp dịch vụ ngang nhau chứ không phải một bên quá nhiều quyền và một bên quá nhiều nghĩa vụ như hiện tại.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang