Mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng

author 09:14 27/02/2022

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, giá các hàng hóa, nguyên vật liệu chiến lược tăng mạnh chủ yếu do sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.

Theo đó, mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng, trong đó ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước của tháng 1/2022 tăng 0,19%, tháng 2/2022 ước tăng mạnh từ 1-1,1%. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 ước tăng 1,69-1,73% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI 2 tháng đầu năm trong đó giá gas trong nước tăng từ ngày 1/2/2022 sau khi giảm trong tháng trước; mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng trong 4 kỳ điều hành 2 tháng đầu năm. Một số mặt hàng phòng chống dịch như kit-test xét nghiệm Covid-19 tăng giá do nhu cầu mua tích trữ và sử dụng tăng sau Tết khi người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội, học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, số ca nhiễm bệnh tăng cao…

Mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng

 Mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng.

Ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả chỉ nhích tăng nhẹ trước và trong Tết sau đó dần trở lại bình thường.

Trước diễn biến khó lường, phức tạp như trên, công tác quản lý, điều hành giá trước và sau Tết luôn được các cơ quan chức năng bám sát. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương liên tục ban hành các Chỉ thị, công văn nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trước trong và sau Tết.

Trước diễn biến giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã đồng bộ triển khai các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý. Công tác điều hành giá đã được thực hiện theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Đối với giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, ngày 18/2/2022, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, thay thế Thông tư số 16/2021/TT-BYT ngày 08/11/2021 và có hiệu lực từ ngày 21/02/2022. Về cơ bản, mức giá dịch vụ quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BYT được điều chỉnh giảm so với mức giá quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BYT.

Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, một số mặt hàng phòng chống dịch bệnh như hóa chất sát khuẩn, khử khuẩn, khẩu trang... phục vụ phòng chống dịch bệnh có nhu cầu cao, tuy nhiên, do nguồn cung trong nước dồi dào nên giá các mặt hàng này cơ bản được kiểm soát.

Riêng mặt hàng kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2, những ngày gần đây đã xảy ra hiện tượng khan hiếm và biến động về giá trước tình hình diễn biến biễn phức tạp của dịch Covid-19. Tại Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Hiện Bộ Y tế đang chủ trì tổ chức triển khai để sớm có các giải pháp để bình ổn giá mặt hàng này theo quy định của pháp luật, nhất là việc tăng cường quản lý theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Theo Bộ Y tế, Bộ đang chỉ đạo các Vụ, Cục, xây dựng danh mục trước ngày 5/3, có phương án trình Chính phủ sau khi hoàn thiện danh mục và phương án BOG phòng chống dịch. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tăng cường cấp phép các trang thiết bị, đặc biệt kit test để tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang