Mất thương hiệu là mất thị trường

author 17:03 04/05/2012

Đối với mỗi doanh nghiệp, gây dựng được một thương hiệu trên thị trường đã khó, giữ được thương hiệu đó còn khó hơn gấp nhiều lần khi tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) không phải là hiếm. Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp để mất thương hiệu là đồng nghĩa với việc mất thị trường…

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu - điều tối quan trọng

Văn bằng bảo hộ - giấy tờ hợp pháp xác minh quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu của doanh nghiệp. Thời gian gần đây, số lượng đơn đăng ký bảo hộ tăng lên đáng kể, đặc biệt là đơn đăng ký nhãn hiệu, điều này cho thấy xã hội và doanh nghiệp đã hiểu hơn về ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của bảo hộ quyền SHTT.

Giao diện của trang Legendeecoffee.com trong ngày 18/4/2012 được trình bày với nội dung quảng cáo cho Starbucks Coffee.
Giao diện của trang Legendeecoffee.com trong ngày 18/4/2012 được trình bày với nội dung quảng cáo cho Starbucks Coffee

 

Theo Báo cáo thống kê của Cục SHTT, năm 2011 có trên 24.000 đơn sở hữu công nghiệp, trong đó đơn đăng ký nhãn hiệu chiếm ưu thế với hơn 22.000 đơn, còn sáng chế chỉ có 300 đơn và giải pháp hữu ích chưa đầy 200 đơn. Những con số đó còn cho thấy nhận thức của doanh nghiệp ngày càng nâng lên đặc biệt trong thực thi, tôn trọng quyền SHTT của doanh nghiệp khác, giúp giảm dần xâm phạm.

Thế nhưng vẫn còn đó những doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký nhãn hiệu, mải mê chạy theo lợi nhuận đến khi bị doanh nghiệp khác xâm phạm tới mới “chợt nhớ” thì sự đã rồi. Khi bắt đầu thành lập, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh với những chi phí cộng dồn không hề nhỏ, với tâm lý chung mới bắt đầu xây dựng sẽ ít doanh nghiệp cạnh tranh xâm phạm. Vì vậy, tất yếu họ cho rằng, đăng ký nhãn hiệu là không cần thiết, hơn nữa lại mất thêm một khoản chi phí. Sau một thời gian, khi doanh nghiệp đó đã có chỗ đứng trên thị trường, thu hút được lượng người tiêu dùng nhất định, sẽ dễ phát sinh hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh khác đi đăng ký mất nhãn hiệu.

Trong khi đó, theo ông Trần Quang Hùng - Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam: “Tòa án Việt Nam chưa có kinh nghiệm xử các vụ việc liên quan đến SHTT, đội ngũ luật sư chuyên về SHTT cũng rất hiếm, nếu có cũng chỉ là nghề tay trái”. Xuất phát từ thực tế đó, các doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và thậm chí cả tiền bạc để tự chứng minh trước tòa nhãn hiệu đó là của mình".

"Cũng không ít doanh nghiệp lớn, với ý nghĩ hầu hết người tiêu dùng đều biết tới nhãn hiệu của doanh nghiệp mình, nên không đăng ký và cho rằng đương nhiên họ được pháp luật bảo vệ với danh nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo - Cục SHTT Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh: “Để chứng minh được nhãn hiệu đó là nổi tiếng cực kỳ khó”. Nếu không đăng ký quyền SHTT, doanh nghiệp sẽ gặp phải rủi ro như mất thương hiệu và bị các đối thủ khác cạnh tranh không lành mạnh".

Đối với những doanh nghiệp lớn, đã có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều tối quan trọng. Nhưng chỉ đăng ký bảo hộ trong nước thôi vẫn là chưa đủ, bởi theo luật, quyền đối với nhãn hiệu được ghi nhận theo phạm vi lãnh thổ quốc gia. Để được bảo hộ tại nước ngoài, nhãn hiệu phải đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền tại nước đó cấp văn bằng bảo hộ. Thực tế là hàng loạt các thương hiệu Việt Nam xuất hiện tại thị trường nước ngoài đã bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký mất.

Đầu tiên phải kể tới thương hiệu cà phê Trung Nguyên, phải vượt qua nhiều khó khăn mới chen chân được vào thị trường Mỹ thì ngay lập tức đã bị một thương hiệu cà phê Trung Nguyên khác cũng với màu sắc và logo tương tự của một công ty ở California đăng ký tại văn phòng sáng chế và bảo hộ Mỹ.

Gần đây nhất, tại thị trường Trung Quốc, hai nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột và “Buôn Ma Thuột cà phê 1896” đã bị công ty TNHH Cà phê Quảng Châu- Buôn Ma Thuột đăng ký bảo hộ trong 10 năm. Đó thực sự là bài học kinh nghiệm lớn đối với doanh nghiệp Việt khi chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Xây dựng thương hiệu đã khó, việc đòi lại các thương hiệu đã mất còn khó khăn hơn nhiều.

“Mất thương hiệu đồng nghĩa với việc mất thị trường, hàng thật biến thành hàng giả vì khi chưa có văn bằng bảo hộ thì khó chứng minh được đó là của mình và trong trường hợp đó, doanh nghiệp khác đi đăng ký không bị coi là đánh cắp thương hiệu”, ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ.

Không quá phức tạp

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không quá phức tạp và chi phí rất nhỏ so với lợi ích thiết thực mang lại. Hiện nay, doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu qua hệ thống đăng ký quốc tế Madrid bằng cách nộp đơn duy nhất tại một quốc gia và chỉ định các nước xin đăng ký, chỉ mất 1/10 chi phí so với việc đăng ký bảo hộ ở từng nước. 

Để bảo đảm cho hoạt động đăng ký bảo hộ của doanh nghiệp được thuận lợi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhãn hiệu đã trở thành đòi hỏi cấp thiết. Nếu như Điều 4 Luật SHTT quy định khá mở, dấu hiệu nào có khả năng phân biệt đều có thể được đăng ký làm nhãn hiệu, thì Điều 72 Luật này lại thu hẹp với 3 dấu hiệu: nhãn hiệu chữ, hình và nhãn hiệu kết hợp. “Khái niệm nhãn hiệu đã bỏ sót một dấu hiệu là những tổ hợp màu sắc trong khi trên thực tế nó vẫn được bảo hộ, chúng ta cũng nên bảo hộ những nhãn hiệu không truyền thống. Cần xem xét các quy định pháp luật của Việt Nam cho phù hợp với các điều ước quốc tế cũng như xu thế phát triển hiện nay là đa dạng hóa các nhãn hiệu”, TS. Vũ Đặng Hải Yến - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội khuyến nghị.

Không ít ý kiến cho rằng, doanh nghiệp thường có xu hướng tự chứng minh nhãn hiệu đã đạt được quá trình phân biệt trước thời điểm nộp đơn nhưng không được hướng dẫn phải căn cứ trên tiêu chí nào để nhãn hiệu được coi là có quá trình phân biệt và đến mức độ nào thì được bảo hộ.

Doanh nghiệp thường căn cứ dựa trên các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo Điều 75 Luật SHTT để chứng minh nhãn hiệu của mình đã đạt được sự phân biệt. Thông thường, chứng minh như vậy đều bị bác bỏ và doanh nghiệp cũng không được giải thích gì về việc này. Nên chăng, cần có một nghị định, thông tư quy định về tiêu chí để chứng minh nhãn hiệu đã đạt được sự phân biệt, như vậy mới tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với cơ quan có thẩm quyền.

Doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ được Nhà nước bảo vệ quyền lợi, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ khác. Các doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh nếu biết khai thác tài sản trí tuệ, bảo vệ thương hiệu, uy tín trên thị trường.

 

Theo Đại biểu nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang