‘Mong mọi người hãy ở nhà để chúng tôi sớm được trở về’

author 09:09 29/07/2021

(VietQ.vn) - “Mọi người hãy ở nhà để chúng tôi sớm được trở về nhà, gặp lại người thân sau bao ngày ròng rã không ngơi nghỉ”. Đây là chia sẻ của Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Thị Oanh với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi ông đến kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Quân y 175.

Nhiều nơi thực hiện giãn cách chưa nghiêm, người dân còn thiếu ý thức chấp hành

Trước sức “công phá” của biến thể virus Delta trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, nhiều tỉnh thành, trong đó 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi chỉ thị được ban bố, vẫn còn nhiều địa phương thực hiện giãn cách chưa nghiêm, người dân thiếu ý thức chấp hành, thậm chí thản nhiên ra đường khi không cần thiết.

Điều này một phần phản ánh ý thức của nhiều người dân còn hạn chế dẫn đến chủ quan, mặt khác cho thấy quyết tâm chống dịch ở một số nơi chưa thực sự cao như mong muốn.

Theo thông tin từ UBND TP.Hà Nội, tính đến chiều ngày 27/7, sau 4 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 24 đến ngày 27/7) đã có rất nhiều trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 bị xử phạt, với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng.

Riêng trong ngày 27/7 lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ đề nghị UBND các cấp xử phạt hành chính 804 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền phạt là hơn 1,5 tỷ đồng.

Hà Nội xử phạt nhiều trường hợp vi phạm Chỉ thị 16. 

Trong số này có 252 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng (bị phạt 430 triệu đồng); 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động (bị phạt 207,5 triệu đồng); 537 trường hợp bị xử phạt hơn 896 triệu đồng về các hành vi vi phạm khác (không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...).  

Sau 4 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhìn chung ngày càng nhiều người dân chấp hành nghiêm các quy định không tập trung nơi công cộng, các điểm vui chơi giải trí, công viên. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân đi ra đường không có lý do chính đáng; đạp xe, chạy bộ, tập thể dục hoặc ngồi hóng mát nơi công cộng bất chấp những khuyến cáo từ các cơ quan chức năng.

Nhận định về công tác phòng chống dịch COVID-19 ở TP.HCM, trong chuyến đi thị sát việc thực hiện Chỉ thị 16 ngày 24/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói: “Tôi không hiểu các đồng chí triển khai thế nào, xe vẫn đổ ra ầm ầm khi tôi đi Củ Chi hay xuống quận 8 hôm nay”.

Phó Thủ tướng nhận thấy TP.HCM đã không làm nghiêm việc thực hiện các biện pháp giãn cách ngay từ đầu. “Cần làm nghiêm ngặt lại, nếu không sẽ không thể chống được dịch”, ông nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu thành phố lập lại kỷ cương trong việc thực hiện giãn cách.

Trước đó, khi đến một số địa phương khác ở khu vực phía Nam, Phó Thủ tướng cũng nhận thấy điều tương tự và ông bày tỏ không hài lòng về sự nơi lỏng của chính quyền sở tại.

Thời gian qua, TP.HCM và nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp quản lý siết chặt các hoạt động của người dân, từ giãn cách theo Chỉ thị 15, nâng lên theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên dịch vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục lan rộng, khiến Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng phải thừa nhận: “Mục tiêu chúng ta đề ra hầu hết chưa đạt được”, vì mầm bệnh đã ngấm sâu trong cộng đồng, biến thể virus Delta rất phức tạp.

Song, điều quan trọng nhất lại không thấy người đứng đầu thành phố này cũng như chính quyền các địa phương khác tự nhìn nhận, đó là việc thực hiện phòng, chống dịch chưa nghiêm, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra.

“Chúng ta không thể tự bào chữa với nhau”, ông nói đồng thời cho rằng vẫn còn tình trạng “chống dịch bằng văn bản” một cách qua loa, thiếu sâu sát.

Dù biết việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, sự ổn định, phát triển và cả tính mạng người dân sẽ khó được đảm bảo nếu cứ để dịch bệnh tấn công chúng ta như hiện tại.

Thế nên xét thấy vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ hệ thống chính trị và nhất là ý thức chấp hành quy định phòng chống dịch của người dân.

Ý thức người dân là "lá chắn" phòng, chống dịch

Phát biểu tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh của TP.HCM tối ngày 25/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, nếu người dân còn ra đường thì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vì vậy người dân thành phố phải đặt mệnh lệnh cho chính mình, phải thực hiện nghiêm người cách người, nhà cách nhà. Tất cả các hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay tình hình diễn biến khó lường, có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách, từ một bộ phận người dân. Ở một số địa bàn đang diễn ra việc tiếp xúc giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi ra đường dù TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Qua đó, ông Nguyễn Thành Phong mong người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền để công tác chống dịch đạt kết quả nhất định.

Còn tại Hà Nội, chiều 24/7, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã trực tiếp thị sát nhiều tuyến phố tại các quận, huyện của Thủ đô ngay sau khi Hà Nội áp dụng chỉ thị 16.  Đa số người dân đã chấp hành nhưng có nơi, có chỗ, việc thực hiện giãn cách chưa thực sự triệt để. Đến gần 18h, số lượng người dân ra đường vẫn còn khá lớn so với kỳ vọng thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát tình hình, làm sạch mầm bệnh trong cộng đồng.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung tăng cường trên thực địa để nhắc nhở, kiểm tra, xử lý đối với người dân vi phạm Chỉ thị 17. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo: “Thực tế kiểm tra chắc chắn sẽ còn có người ra đường không phải vì mục đích thiết yếu. Quy định xử phạt đã có, các cấp cần thực hiện nghiêm. Các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến người dân tinh thần: Đây không phải khuyến cáo mà là yêu cầu nhân dân ở nhà, không ra ngoài với các mục đích không được phép”.

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố nhắc nhở các cơ quan hành chính cần tổ chức cơ cấu làm việc tối thiểu, yêu cầu làm việc trực tuyến là chính bởi: “Như thế mới hạn chế người ra đường. Đây là điểm khác biệt để tận dụng thời cơ vàng để kiểm soát dịch bệnh, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay".

Trước đó, trả lời báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ đô, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã kêu gọi người dân toàn thành phố tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp mới mà thành phố áp dụng, nhất là không tụ tập đông người; chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và tuân thủ “5K” khi bắt buộc phải đi ra ngoài.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp và đảng viên toàn Đảng bộ thành phố nêu cao ý thức trách nhiệm; bản thân và gia đình phải là những tấm gương, đi đầu trong thực hiện nghiêm, thực hiện đúng và thực hiện đều các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi đồng chí, mỗi gia đình cán bộ, đảng viên phải trở thành “điểm sáng” lan toả tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Ông nhấn mạnh: “Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân thì sẽ không có hiệu quả”.

Về phía Chính phủ, kết luận cuộc họp tối ngày 23/7 với các địa phương về công tác phòng chống dịch COVID-19, rút kinh nghiệm trong thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+ đã đạt một số kết quả nhất định, song Thủ tướng vẫn nêu ra một số hạn chế cần phải khắc phục bằng được trong thời gian tới như:

Một là, vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi, cơ quan, đơn vị; một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh. Nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn mở cửa, số lượng người ra đường đi lại đông, nhiều chợ dân sinh mở cửa nhưng thiếu các biện pháp an toàn. Việc kiểm tra, giám sát còn sơ hở. Tại một số điểm xét nghiệm, tiêm vaccine còn xảy ra chen lấn.

Thứ hai, tại nhiều nơi, tổ COVID cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả, thậm chí chưa có, phải khắc phục ngay. Những nơi đã có tổ COVID cộng đồng phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội và các lực lượng khác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo về nội dung này, nắm chắc tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật nghiêm.

 

Thứ ba, một số địa phương đã chia sẻ, làm tốt việc đón người từ vùng dịch trở về ngay tại bến cảng, sân bay, ga tàu…, xét nghiệm và cách ly theo quy định, nhưng nhiều nơi khác cần phải rút kinh nghiệm. Phải làm thật nghiêm khâu này để dịch bệnh không lây lan ra các địa phương khác.

Thứ tư, qua kiểm tra, rà soát, báo cáo cho thấy nhiều nơi chưa làm nghiêm túc trong thực hiện "4 tại chỗ", để xảy ra thiếu hụt thiết bị y tế, bị động, lúng túng.

Thứ năm, việc tiêm vaccine nhìn chung còn chậm, nhiều nơi tập huấn suôn sẻ nhưng việc tổ chức tiêm khi vaccine về nhiều còn lúng túng.

Thứ sáu, hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có những lúng túng, bị động, thiếu hụt cục bộ, cần phát hiện và khắc phục ngay.

"Tóm lại, điểm yếu là tổ chức thực hiện các quy định, chỉ thị, hướng dẫn còn yếu ở một số nơi, một số lúc. Kiểm tra, giám sát thực hiện chưa nghiêm, chưa đúng quy định. Ý thức chấp hành của một bộ phận nhân dân còn chưa thực sự nghiêm, còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác", Thủ tướng nhắc lại và nhấn mạnh.

Vi phạm quy định phòng, chống dịch covid-19 có thể bị xử lý hình sự

Trong một diễn biến liên quan, Sở Tư pháp Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 1996/STP-PBGDPL về tuyên truyền một số quy định người dân cần tuân thủ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và mức xử phạt vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Sở Tư pháp đề nghị đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, loa kéo, loa trong các tòa nhà chung cư và các hình thức khác phù hợp như: thông báo trên bản tin thôn, tổ dân phố...

Theo Chỉ thị 17 mà UBND thành phố ban hành, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám, chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

 

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng; khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác… Trường hợp người dân khi di chuyển vào thành phố vì lý do công vụ, phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất, phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của thành phố.

Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã công bố mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 như sau:

1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.

2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 1 triệu đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa 2 triệu đồng.

3. Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh COVID-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh COVID-19 thì bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng.

4. Người nào không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19 thì bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.

5. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức.

6. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19, bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức.

7. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bệnh COVID-19, bị phạt tiền tối đa 30 triệu đồng.

8. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

9. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

10. Người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

11. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 7 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

12. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 7 năm).

13. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

14. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 15 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

15. Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

16. Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tù tối đa 12 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

Ba điều ước của các y, bác sỹ

Những ngày qua, trước yêu cầu cấp bách "chống dịch như chống giặc", cả hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố đã dồn sức, đồng lòng tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy thách thức. Trong đó có sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang đang ngày đêm làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh.

Tại buổi kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Quân y 175 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, khi thị sát, kiểm tra nhiều khu cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, một số bệnh viện, ông được các y, bác sĩ chia sẻ về ba điều ước.

 

Trong đó thứ nhất, các y, bác sĩ mong muốn có đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế để điều trị cho bệnh nhân, vì nhiều nơi có giường bệnh, có người nhưng không có trang thiết bị nên buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong khi nơi nhận cũng không có đủ giường.

Thứ hai là công tác hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức thiện nguyện được tổ chức tốt hơn, an toàn hơn để chăm lo đầy đủ cho những người nhiễm COVID-19 (F0 không triệu chứng) và bệnh nhân COVID-19. 

Thứ ba là làm sao giảm người nhiễm, giảm bệnh nhân phải điều trị. “Mọi người hãy ở nhà để chúng tôi sớm được trở về nhà, gặp lại người thân sau bao ngày ròng rã không ngơi nghỉ” - Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Thị Oanh chia sẻ với Phó Thủ tướng.

Những ngày tháng qua, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh "ăn núi, ngủ rừng", vội vàng những bữa cơm chiều, rồi đến những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ... của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chống COVID-19. Những hình ảnh này đã lay động hàng triệu trái tim. Tạm gác lại cuộc sống thường nhật, họ phải xa gia đình, người thân để chiến đấu “chống giặc” COVID-19.

Cho nên, hơn lúc nào hết, mỗi người cần ý thức rõ việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bây giờ không chỉ là trách nhiệm riêng của bản thân mỗi người, mà là trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, với lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch.

 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nếu một người thiếu ý thức hay một tổ chức nào đó cẩu thả, thiếu trách nhiệm có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch bấy lâu nay của cả hệ thống, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của nhiều người.

Trong bối cảnh chưa có đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng thì ý thức vì cộng đồng chính là “liều vaccine” an toàn, hữu hiệu nhất. Hãy ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Đó không chỉ là yêu cầu của chính quyền cho giai đoạn tổng tiến công này mà là mệnh lệnh từ khao khát được sống bình yên, không dịch bệnh, không Covid của mỗi người. Ngày đó đang đến rất gần, nếu chúng ta đồng lòng và quyết tâm cao, chúng ta sẽ chiến thắng.

Mỹ Tịch

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang