Một năm thắng lớn của xuất khẩu nông sản

author 06:40 17/12/2022

(VietQ.vn) - Trong năm 2022, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi thị trường biến động, nhưng vẫn đạt được rất nhiều thành tựu lớn trong xuất khẩu, nhiều nhóm hàng chủ lực đã hoàn thành mục tiêu, thậm chí thiết lập kỷ lục lịch sử mới.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) nhận định, năm 2022 là năm thắng lợi nhất của ngành hàng rau quả ở thị trường quốc tế khi chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang mở cửa được thị trường Trung Quốc; quả bưởi lấy được "visa" vào thị trường Mỹ; New Zealand cũng chấp thuận nhập khẩu quả bưởi và chanh của Việt Nam...

Vài tháng lại đây, sau khi ký nghị định thư xuất khẩu chính nghạch, chanh leo, khoai lang, chuối... sang Trung Quốc, giá các mặt hàng này đều tăng vọt. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, chuối tháng 11/2022 tăng lần lượt là 294% và 47,9% so với tháng tháng 10/2021. Tính đến hết tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng 91,2%, chuối tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ở ngành hàng gạo, sản lượng xuất khẩu năm nay đạt kỷ lục 7 triệu tấn. Đáng chú ý, gạo Việt dần có hình hài tại thị trường khó tính, khi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Tương tự, ngành thủy sản có một năm thắng đậm chưa từng có. Chỉ trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm cá thu về 10,14 tỷ USD - vượt mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cá tra năm nay dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, phá đỉnh lịch sử; xuất khẩu tôm ước lập kỷ lục 4,3 tỷ USD và cá ngừ lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD - mục tiêu cách đây 3 năm và năm nay mới có thể đạt được. 

 Nông sản Việt đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế

Kết quả đạt được trong năm 2022 là những tín hiệu vui, mặc dù ở những tháng cuối xuất khẩu nhiều nhóm hàng có phần hạ nhiệt. Năm 2023 được nhận định là năm khó khăn hơn với ngành nông nghiệp, bởi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn ở mức cao; thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, chưa kể, nền kinh tế của nhiều quốc gia đã “ngấm đòn” lạm phát, dân thắt chặt chi tiêu.

Doanh nghiệp thuỷ sản cũng tận dụng được cơ hội ở các thị trường chủ lực để bứt phá mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Nhờ đó, xuất khẩu thuỷ sản thu về gần 11 tỷ USD, phá đỉnh lịch sử sau hơn 20 năm gia nhập thị trường thế giới.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - lại nhìn nhận, xuất khẩu rau quả năm 2023 sẽ rất thuận lợi. Bởi, năm nay chúng ta đã mở cửa được hàng loạt các thị trường cho những mặt hàng mới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Nghị định thư được ký, xuất khẩu rau quả từ tăng trưởng âm sang tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.

Hiện Trung Quốc là thị trường chính của rau quả và nhiều loại nông sản xuất khẩu khác của nước ta. Thời gian gần đây, quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Trên các cửa khẩu, nông sản xuất khẩu đã thông thương nhanh chóng. Những tín hiệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc trong năm 2023.

Nhìn nhận về thị trường xuất khẩu năm 2023, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng, khó khăn lúc nào cũng có, nhưng đó cũng là cơ hội để bứt phá. Khi thế giới thay đổi, chúng ta phải chủ động thích ứng. 

Rõ ràng trong năm nay, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi thị trường biến động, nhưng vẫn đạt được rất nhiều thành tựu lớn trong xuất khẩu. Đặc biệt, “lời nguyền” nông dân tư duy theo mùa vụ, thương nhân tư duy buôn chuyến dần được xoá bỏ, mặt hàng nông sản Việt đang thâm nhập mạnh mẽ vào các hệ thống siêu thị lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang