Mua mỹ phẩm trên mạng làm đẹp cấp tốc ăn tết nguy cơ biến chứng khó lường

author 18:54 24/01/2024

(VietQ.vn) - Giáp tết Nguyên đán nhiều người nghe theo quảng cáo, lời giới thiệu của bạn bè đã lên mạng đặt mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc gây biến chứng khó lường.

Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của các chị em, thời gian qua, nhiều đối tượng kinh doanh đã bất chấp các quy định của pháp luật sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ… trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Lực lượng chức năng đã đồng loạt vào cuộc kiểm tra, xử lý nhiều kho hàng “khủng”, song vấn nạn này dường như chưa có dấu hiệu giảm.

Dạo qua một số nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram… cùng một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok, chỉ cần người tiêu dùng gõ cụm từ tìm kiếm “mỹ phẩm”, lập tức nhận được hàng loạt địa chỉ kinh doanh, sản phẩm mỹ phẩm đa chủng loại.

Điều đáng nói, bên cạnh các hàng hóa, mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thì trên các trang mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử, nhiều đối tượng bán hàng ngang nhiên chào bán các sản phẩm mỹ phẩm giả thương hiệu nổi tiếng với giá vô cùng rẻ. Theo đó, cùng một loại mỹ phẩm nhưng giá tiền có sự chênh lệch lớn từ vài trăm đến vài triệu đồng/sản phẩm. Trong khi đó, sản phẩm được sản xuất ở đâu, chất lượng như thế nào và ai kiểm soát, ai chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm… người tiêu dùng dường như không quan tâm.

 Nhiều người tin tưởng quảng cáo mua mỹ phẩm trên mạng đã gặp không ít rủ ro. Ảnh: VTC News

Không chỉ ngang nhiên hoạt động sản xuất mỹ phẩm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng, nhiều đối tượng kinh doanh còn lợi dụng sự lỏng lẻo trong kiểm soát của các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để livestream quảng cáo bán hàng. Thậm chí, nhiều đối tượng còn mời các nhân vật có tiếng, các KOLs trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Thực tế đã có không ít người mắc bẫy mua phải sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng gây ra hệ lụy khôn lường.

Chị Nguyễn Thị Hoa (30 tuổi, ở Hà Nam) bị nám lâu năm nên luôn thiếu tự tin. Trước đây vùng da nám chỉ chiếm một phần nhỏ hai bên gò má, nhưng sau sinh con, vết nám trên mặt chị ngày càng đậm màu, phải đeo khẩu trang kín mít khi ra đường.

Người bạn giới thiệu cho chị thuốc bôi bán trên mạng, được quảng cáo có công dụng trị nám thần tốc, chỉ 7 ngày là hết nám hoàn toàn. Mong muốn có làn da đẹp đón Tết, chị Hoa theo link sản phẩm bạn gửi bấm vào mua hai lọ mỹ phẩm không rõ tem mác.

Sau 2 tuần sử dụng, đẹp đâu chưa thấy, da chị Hoa xuất hiện tình trạng căng đỏ, đau rát tróc vảy. "Tôi liên hệ với người bán để thắc mắc nhưng nhận lại phản hồi 'nhiều người dùng có bị sao đâu rồi tắt máy', người phụ nữ lúc này mới tá hoả đi gặp bác sĩ.

Đặng Trung Tuấn (16 tuổi, người Hải Phòng) bị mụn tuổi dậy thì, cùng gặp cảnh biến chứng vì làm đẹp cấp tốc để đón Tết như chị Hoa. Hai năm gần đây mặt Tuấn xuất hiện nhiều mụn trứng cá ở trán và cằm. Tuấn thường xuyên bị bạn trêu chọc, không dám tham gia các hoạt động tập thể vì tự ti bởi làn da của mình.

Cận Tết, muốn có làn da đẹp, Tuấn tìm nhiều cách điều trị nhưng không khỏi. Trong một lần lướt tiktok Tuấn thấy một quảng cáo kem trị mụn trứng cá tức thì, với đầy đủ hình ảnh phản hồi, lại được bác sĩ quảng cáo nên mua ngay.

"Đọc thấy nhiều bình luận tích cực và hình ảnh cụ thể nên em đặt mua", nam sinh nói và cho biết mới đầu bôi da đẹp lên như quảng cáo, tuy nhiên đến tuần thứ 3 thì bắt đầu xuất hiện mụn trở lại và nặng hơn ban đầu. "Mụn mủ, mụn bọc đua nhau mọc trên mặt em, da đỏ mẩn đỏ, ngứa nhiều khiến em không ngủ được".

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thành (Thành viên hội da liễu Việt Nam), hai bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và kem trộn có chứa corticoid. Những ca bệnh này sẽ phải điều trị trong thời gian dài, tốn kém chi phí để lấy lại làn da ban đầu.

Bác sĩ Thành cho biết, thời điểm giáp Tết dù đã có cảnh báo nhưng bệnh viện liên tục tiếp nhận trường hợp bị biến chứng sau làm đẹp.

Mạng xã hội phát triển, các phiên livestream quảng cáo cơ sở thẩm mỹ đưa ra những hình ảnh rất sống động. Nhiều cơ sở sẵn sàng mời những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo mỹ phẩm, hay tự xưng danh bác sĩ dù không có chuyên môn để đánh vào tâm lý khách hàng.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, khi tiếp thu các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin y khoa, người dân cần có sự chọn lọc thật kỹ càng. Nếu cần tư vấn hoặc điều trị bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị chuẩn.

Đề cập đến hành vi sản xuất, kinh doanh làm giả hóa mỹ phẩm, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng, Tổng cục QLTT cho biết, nguyên nhân là do số lượng tiêu dùng lớn, tỷ lệ người mua hàng đa số là chị em phụ nữ có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp. Vì thế, người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái bởi, hiện nay các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Nên tìm đến các cửa hiệu, cửa hàng uy tín đã được cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang