Mùa xuân biên cương

author 07:47 12/02/2024

(VietQ.vn) - Nhiều người tin rằng, biên cương là nơi mà mùa xuân chạm chân đến đầu tiên trên mảnh đất chữ S mềm mại. Ở nơi ấy những ngày xuân mới chớm, xen giữa sắc xanh của núi rừng bao la, thấp thoáng màu áo chiến sĩ là những sắc hương nhiều loại gam màu rực rỡ; của những cánh hoa xuân như mận, mơ, lê, đào…cùng bung sắc thắm. Xuân về nơi biên cương cũng là lúc mà các thanh âm của tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng cồng từ các bản làng vang dội. Cũng là thanh âm của tình quân dân cùng nhau chung tay bảo vệ lãnh thổ tổ quốc.

Biên cương nơi địa đầu tổ quốc có lẽ là địa điểm mà cảm nhận rõ nét nhất khi mùa xuân chạm ngõ. Những ngày đầu xuân, bầu trời bớt sương núi, cái rét cuối đông không còn bám đuổi. Xen giữa những điệp điệp, trùng trùng của ngút ngàn núi rừng là sắc thắm của đào, của hoa chuối đỏ tươi và của màu cờ tổ quốc tung bay khẳng định chủ quyền. Buổi sáng chớm xuân, bà con trên các bản làng xuống chợ phiên cũng đông hơn, cười nói rôm rả hơn và không còn phải mang nhiều mớ áo sau khi cái lạnh cắt da cắt thịt khi mùa đông đã qua đi.

Các con đường mùa xuân nơi biên cương, cây xanh mở lối, núi rừng hiển hiện sớm hơn trong màu nắng và gió xuân thổi vào vách núi ngàn ngạt. Mùa xuân nơi biên cương có những người lính xa nhà đang ngày đêm làm nhiệm vụ gìn giữ biên giới và bảo vệ tổ quốc. Mỗi khi xuân về, chắc hẳn trong tâm hồn chiến sĩ đều có nỗi nhớ mong khi xa quê nhà đan xen bao bồi hồi, háo hức đón mùa xuân mới. Thế nhưng chắc chắn không chiến sĩ nào thấy cô đơn, trống vắng bởi hơn hết, ở biên cương, mùa xuân có sự bao bọc của tình quân dân. Những người lính xa quê được đón Tết với bản làng, được hòa mình vào trong các lễ hội mùa xuân. Ấy thế nên những người lính canh giữ đất trời, họ luôn coi biên cương là ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đó ngày xuân vừa làm nhiệm vụ vừa đón Tết trong không khí vui tươi, hồ hởi và đa sắc màu.

 Mùa xuân mới đã về nơi biên cương.

Trên khắp các bản làng nơi biên cương, ngày Tết - những căn nhà luôn đỏ lửa, tiếng cười, điệu hát bay khắp núi rừng. Ngày Tết, người dân không lên núi tìm trầm, hái củi mà ở nhà quây quần bên bếp lửa để nấu những món ăn ngon. Có lẽ, nơi biên cương không khí xuân bao giờ cũng mang nhiều dấu ấn hơn các vùng khác.

Theo tục lệ của từng dân tộc, bản làng mà có những cách thức đón xuân riêng. Với người H’Mông, mùa xuân về khi đám cỏ rừng ngả sang màu bàng bạc. Ấy là lúc mà nhà nào cũng ăm ắp thịt khô gác bếp, rượu ngô đầy chum để đón khách. Hay với những người dân tộc Tày, ngoài rượu men lá đầy chum thì xuân về không thể thiếu các loại bánh; nào là bánh gấc, bánh ngải, bánh dầy, bánh tro, bánh mật.

Hay với đồng bào Giấy, mùa xuân về lúc nào cũng nấu sẵn một nồi xôi ớt thơm để đãi khách với quan niệm một năm mới ấm no, trù phú và ớt đỏ tượng trương cho may mắn, đượm mùa. Mà khách ở đây không ai khác chính là những chiến sĩ ngày đêm canh giữ đất trời, bảo vệ biên cương, bảo vệ cho những bản làng bình yên để đám đứa trẻ má đỏ hây hây của họ được lớn lên, được học tập và trở thành những công dân có ích.

Để có được những mùa xuân bình yên, an toàn thì các chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biên cương cũng phải chịu đựng bao nhiêu hi sinh, vất vả. Những tháng ngày không quản mưa nắng đi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát. Nhất là những tháng ngày cận Tết, các chiến sĩ phải căng mình chống lại các loại tội phạm buôn lậu qua biên giới. Thế nhưng bằng tinh thần và ý chí anh dũng của bộ đội cụ Hồ mà mọi khó khăn, thách thức các chiến sĩ đều vượt qua. Những chiến công được nhân dân ghi nhận và tin yêu.

Mùa xuân Giáp Thìn đã đặt chân về nơi biên cương, các cánh rừng lấm tấm những màu thắm tươi. Vang khắp núi rừng tiếng hát, tiếng khèn của các chàng trai, cô gái bản chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân. Và thấp thoáng những màu áo xanh đang đi tuần tra, xuân đã về trên vai các anh, trên lá cờ tổ quốc tung bay phấp phơi. Một mùa xuân mới với những nhiệm vụ mới và thắng lợi mới.

Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang