Nam thanh niên mắc đái tháo đường bị hôn mê do uống nhiều nước ngọt giải khát

author 20:36 14/06/2022

(VietQ.vn) - Người đàn ông 27 tuổi tại Bình Dương vừa bị hôn mê do bị bệnh đái tháo đường nhưng vẫn uống nước ngọt.

Hôn mê do uống quá nhiều nước ngọt

Theo thông tin từ BVĐK Tâm Anh TP.HCM, anh Nghiêm Thành Tuấn (27 tuổi, Bình Dương) nặng 85kg, mắc bệnh đái tháo đường 2 năm nay. Anh nghĩ bản thân còn trẻ, còn khỏe nên uống thuốc không đều đặn, thường xuyên uống nước ngọt, bia, rượu, không kiêng khem bất kỳ món ăn nào. Gần đây, anh liên tục khát nước, tiểu nhiều, người mệt mỏi. Để giải tỏa cơn khát, anh uống nhiều nước ngọt, càng uống càng thấy lã người. Sau đó anh Tuấn rơi vào hôn mê, được gia đình đưa đến khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM ghi nhận người bệnh mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 nhưng không điều trị thường xuyên. Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền dịch bồi hoàn nước điện giải và truyền insuline liên tục điều chỉnh đường huyết, đồng thời thực hiện các xét nghiệm phân tích khí máu động mạch (pH), toan ceton để đưa ra hướng điều trị phù hợp, sớm cứu người bệnh thoát khỏi nguy kịch.

 Nam thanh niên hôn mê do thèm uống nước ngọt dù bị đái tháo đường. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TPHCM

Các bác sĩ thông tin thêm: “Kết quả khí máu động mạch của bệnh nhân rất thấp, độ pH chỉ 6.88. Ở người bình thường, chỉ số pH bình thường của máu nằm trong khoảng 7.35 đến 7.45, chỉ cần pH ở mức 7.00, người bệnh đã rơi vào nguy kịch tính mạng. Đồng thời, bệnh nhân Tuấn còn bị nhiễm toan ceton nặng (đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể người bệnh sản sinh quá nhiều axit trong máu). Những yếu tố trên cho thấy chỉ cần nhập viện trễ 60 phút, anh Tuấn có thể tử vong”.

Nhờ máy móc phân tích khí máu động mạch nhanh chóng nên bác sĩ khoa Cấp cứu xử trí kịp thời, không để bệnh nhân rơi vào ngưng tim. Khi cấp cứu ổn định, bệnh nhân được chuyển đến khoa ICU, khoa Nội tiết tiếp tục điều trị rối loạn điện giải, kiểm soát tình trạng nhiễm toan máu, truyền insuline kiểm soát đường huyết và các chỉ số hiệu sinh. Nhờ nhập viện và cấp cứu kịp thời mà bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch và tránh được các biến chứng nguy hiểm như: tổn thương não, giảm chức năng thần kinh. Hiện tại bệnh nhân đã hết nhiễm toan, ăn uống bình thường, tuy nhiên cần tiếp tục điều chỉnh đường huyết bằng insuline.

Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cảnh tỉnh: Trường hợp của anh Tuấn như hồi chuông cảnh tỉnh cho những bệnh nhân tiểu đường khác, nhất là nhóm người trẻ, chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe của mình. Bệnh đái tháo đường ngày càng tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2 ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều thức ăn nhanh, các sản phẩm chứa nhiều carbohydrat (nước ngọt có ga, nước uống đóng chai…) và lối sống ít vận động làm tăng tỷ lệ người mắc béo phì cũng như các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống cũng như sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Người bệnh đái tháo đường phải điều trị bằng thuốc để kiểm soát đường huyết và thực hiện chế độ ăn uống cân bằng. Trong khi đó, ở độ tuổi thanh niên, do đặc thù công việc cũng như tâm sinh lý, chế độ ăn khó kiểm soát ở mức cân bằng cũng sư sử dụng thuốc đều đặn. Điều này dẫn đến các biến chứng cấp tính: Tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton,… đối mặt với tử vong như trường hợp của anh Tuấn.

Ngoài ra, nếu người bệnh không kiểm soát đường huyết trong thời gian dài có thể mắc các biến chứng mãn tính: Xơ vữa mạch máu và tai biến mạch máu não (biến chứng mạch máu não), thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim (biến chứng mạch máu tim), nhiễm trùng và hoại tử chân (biến chứng mạch máu lớn ở chi), tổn thương võng mạc, tổn thương thận,…

Do đó, ngay khi thấy các triệu chứng khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn mệt mỏi,… người bệnh phải đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết cùng bác sĩ nhiều kinh nghiệm để bệnh không tiến triển nặng. Đồng thời, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường phải tuân thủ uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện chế độ ăn hợp lý để vừa đảm bảo dinh dưỡng cho hoạt động của cơ thể vừa kiểm soát đường huyết hiệu quả.

Mối liên quan giữa nước ngọt và bệnh đái tháo đường

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa việc uống nhiều nước ngọt và bệnh tiểu đường. Cụ thể, nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao hơn 26% đối với những người tiêu thụ một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày. Ngay cả khi những người này chuyển sang nước ngọt có đường nhân tạo hoặc đường ăn kiêng có chứa các chất thay thế đường, có thể không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Kháng insulin là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2. Nó xảy ra khi các tế bào quen với lượng đường dư thừa trong máu và không hấp thụ glucose một cách hiệu quả, phản ứng ít hơn với insulin. Insulin là hormone mở khóa tế bào, cho phép glucose đi vào. Nghiên cứu cho thấy đồ uống có đường góp phần vào sự tiến triển của kháng insulin và tiền tiểu đường - giai đoạn trước khi bị tiểu đường hoàn toàn.

Cũng theo các bác sĩ, khi uống quá nhiều đồ uống có đường trong đó uống quá nhiều nước ngọt có gas có nghĩa là cơ thể tích trữ năng lượng dư thừa dưới dạng chất béo. Vì vậy, uống quá nhiều nước ngọt có ga có thể góp phần vào sự phát triển của thừa cân và béo phì. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2 và các bệnh khác.

Hay một nghiên cứu tại Mỹ cũng có ý tưởng đồ uống có đường trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Họ kết luận rằng nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn chưa thể loại trừ các yếu tố khác, chẳng hạn như béo phì, và cần phải nghiên cứu thêm.

Một nghiên cứu điều tra mối quan hệ giữa đồ uống có đường và bệnh tiểu đường so sánh dữ liệu về thói quen tiêu thụ nước ngọt có đường của 11.684 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 với 15.374 người không mắc bệnh tiểu đường. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tiêu thụ một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn những người uống ít hơn một cốc mỗi tháng. Ngay cả khi lượng năng lượng nạp vào và chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính đến, những người uống nhiều soda vẫn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.

Tuy nhiên, các tác giả cho rằng mối liên hệ này có thể là do ảnh hưởng đến việc tăng cân, cũng như tác động lên đường huyết của đồ uống có đường đồng thời gây ra sự tăng vọt nhanh chóng về glucose và insulin và gây ra kháng insulin.

Một tác hại tiềm tàng của đồ uống ngọt nhân tạo đối với việc kiểm soát đường huyết đối với những người đã mắc bệnh tiểu đường là chất làm ngọt nhân tạo ngọt hơn đường khoảng 200 lần. Vị ngọt bổ sung này sau đó đánh lừa não làm giảm lượng đường trong máu, gây nguy cơ hạ đường huyết.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang