Nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm thu hút đầu tư nước ngoài

author 15:14 23/05/2024

(VietQ.vn) - Cần tiếp tục đẩy nhanh các chính sách, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động địa phương, đặc biệt là lao động trình độ cao, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam từ chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh nhân công giá rẻ sang lao động chất lượng cao để thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2023 công bố mới đây, 2023 là một năm có nhiều chuyển động đáng chú ý của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam, đặc biệt là các động lực tăng trưởng trong khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng, hơn 32,1% so với năm 2022, chủ yếu là nhờ thu hút được các dự án mới, thể hiện sự chuyển dịch của môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bất chấp bối cảnh bất ổn toàn cầu và triển vọng kinh tế chưa mấy sáng sủa, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã phục hồi vững chãi, nhiều doanh nghiệp báo lãi hoặc giảm lỗ, tuyển thêm lao động. Xu hướng này thể hiện rõ sự hội nhập ngày càng sâu hơn của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó các doanh nghiệp FDI ngày càng đóng góp nhiều vào xuất khẩu. Gánh nặng thực thi thủ tục hành chính cho doanh nghiệp FDI đã giảm bớt song còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Đi sâu phân tích các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, so sánh đặc điểm và yêu cầu riêng của họ với các doanh nghiệp nước ngoài khác ở Việt Nam, báo cáo chỉ ra, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ, thông tin, truyền thông. Doanh nghiệp Hoa Kỳ ít gặp khó khăn liên quan đến thị trường hơn nhưng quy định, thủ tục hành chính là rào cản lớn hơn với họ. Một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp Hoa Kỳ hài lòng về chất lượng lao động tại địa phương; doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng khá chú trọng việc phân bổ chi phí đáng kể để phát triển lực lượng lao động.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam thường có quy mô lớn hơn và phân tán địa điểm đầu tư trên cả nước. Doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang các lĩnh vực công nghệ cao, ít gặp khó khăn khi thực hiện quy định, thủ tục hành chính. Khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp Trung Quốc nằm ở việc tìm kiếm khách hàng, ổn định thị trường và tuyển dụng lao động.

Ngược lại với hai quốc gia nêu trên, Nhật Bản duy trì ổn định vị thế là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Tuy quan hệ hai nước tiến triển rất tích cực song theo cảm nhận của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh ở đây tồn tại khá nhiều thách thức. Những thách thức này bao gồm các khó khăn về tuân thủ chính sách pháp luật, các thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực như thuế vẫn còn nhiều vướng mắc và tình trạng thiếu hụt nhân sự cho các vị trí cần tay nghề cao.

Báo cáo đánh giá, Việt Nam hiện đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, với những vận hội từ sự chuyển dịch lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến thuế, phòng cháy chữa cháy, xuất nhập khẩu và môi trường. Các ưu tiên khác bao gồm tạo điều kiện kết nối giữa các nhà đầu tư nước ngoài với đối tác, khách hàng trong nước.

Bên cạnh đó, nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục đẩy nhanh các chính sách, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động địa phương, đặc biệt là lao động trình độ cao, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam từ chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh nhân công giá rẻ sang lao động chất lượng cao để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang