Ngành bao bì hướng tới sản xuất xanh nhằm bảo vệ môi trường

author 19:09 09/04/2024

(VietQ.vn) - Ngày nay, đứng trước thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì xanh thay thế nhằm đảo bảo sức khỏe và cải thiện môi trường sống.

Hiện nay, bao bì là một trong những ngành công nghiệp quan trọng hỗ trợ việc bảo quản, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Theo dự báo của Market Research Future (Công ty nghiên cứu thị trường), tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho thị trường toàn cầu của bao bì nhựa là 3,6%, bao bì giấy là 4,7% trong giai đoạn 2023 - 2030.

Về thị trường bao bì nhựa Việt Nam, theo Mordor Intelligence (Công ty tư vấn và phân tích thị trường) dự kiến sẽ tăng từ 10,07 triệu tấn vào năm 2023 lên 15,09 triệu tấn vào năm 2028, với mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 8,44% (2023 - 2028).

Trong đó, bao bì giấy dự kiến đạt mức tăng trưởng đáng kể, từ 2,37 tỷ USD vào năm 2023 lên 3,77 tỷ USD vào năm 2028, với mức CAGR là 9,73%. Đồng thời, bao bì cho ngành thực phẩm, đồ uống tiếp tục chiếm thị phần đáng kể. Dù vậy, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Trong đó, mỗi ngày các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế. Trong số, rác thải được thải ra thì bao bì là một trong những chất thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra nhiều nhất hiện nay.

Ngày nay, đứng trước thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì xanh thay thế nhằm đảo bảo sức khỏe và cải thiện môi trường sống.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết hòa cùng xu hướng chung của thế giới, ngành bao bì Việt Nam đang có sự chuyển mình vô cùng mạnh mẽ hướng đến phát triển xanh, sản xuất xanh và bền vững. Đây cũng là một bước tiến quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bao bì đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về cả chất và lượng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng bao bì đã và đang nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới và điều chỉnh chiến lược phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp chủ động trong việc sử dụng bao bì tái chế. Đơn cử, Coca-Cola Việt Nam đã tiên phong trong việc áp dụng tuần hoàn bao bì tại Việt Nam thông qua việc với thiệu chai Coca-Cola™ được làm từ 100% nhựa tái chế vào tháng 9/2022, giúp giảm sử dụng hơn 2,000 tấn nhựa mới tại Việt Nam mỗi năm. Thông qua mối quan hệ đối tác cùng các nhà tái chế nhựa tại Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam đã thu gom và tái chế tương ứng hơn 40% bao bì nhựa PET trong năm 2023.

Tương tự, Unilever Việt Nam cũng đã đạt 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.

Hay sản phẩm hộp sữa NAN của Nestlé Việt Nam có muỗng và nắp sản xuất từ 66% nguyên liệu nguồn gốc thực vật. Viên nén cà phê Nestlé giảm bớt trọng lượng màng bọc; còn cà phê hòa tan đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp, giúp việc tái chế sau sử dụng dễ dàng hơn…

 Ảnh minh họa

Đa dạng các sản phẩm thay thế nhựa

Ông Nguyễn Lê Thăng Long - Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường cho biết: Hiện nay tại thị trường Việt Nam có khá nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học. Thực tế tại nhiều siêu thị hiện nay cho thấy, các sản phẩm dùng một lần như bát, đĩa, khay, cốc được làm từ xơ tre, bột sắn, hộp đựng làm từ bã mía; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên như giấy, gạo, tre. Các giải pháp khác như màng phủ nông nghiệp, màng phủ sáp ong, nhãn dán hoa quả, bao bì tan trong nước cũng được sử dụng khá phổ biến.

"Việt Nam có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, cùng với đó, Việt Nam xây dựng khung chính sách, định hướng phát triển quốc gia bền vững và được hiện thực hóa một cách rõ rệt. Điều này tạo ra thị trường năng động, nhiều tiềm năng để phát triển, chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện môi trường", ông Long nhận định.

Mặc dù Việt Nam đã có các chính sách, pháp luật liên quan về sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Khoa - Chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thay thế còn khó tiếp cận, thiếu rõ ràng. Còn nhiều vướng mắc, bất cập trong áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông cũng như phí đóng góp (EPR) của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần. Ngoài ra, chi phí sản xuất sản phẩm thay thế cao nên khó cạnh tranh và mức độ sẵn sàng tiếp nhận từ phía người tiêu dùng cũng chưa cao do trở ngại về giá thành, độ tiện dụng và kênh phân phối.

Để thúc đẩy các sản phẩm thay thế nhựa, ông Nguyễn Minh Khoa đề xuất Việt Nam nên hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần theo lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra. Tăng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, xác định lượng tái chế tối thiểu bắt buộc đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như quy định về quy chuẩn nhận diện các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đồng thời, cần có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững; hỗ trợ xây dựng mạng lưới, khởi nghiệp đổi mới; các hoạt động quảng bá, tiếp thị trong và ngoài nước. Việt Nam cam kết phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Chính vì vậy, đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và quốc gia.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cmx50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Với mục tiêu giảm dần những sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi với sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường như: ưu đãi về nguồn vốn, về công nghệ, về giao đất, thuê đất, về thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn về tác động của nhựa đối với môi trường và sức khỏe. Theo khảo sát của Vietnam Report, tính bền vững của bao bì cũng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn. Cụ thể, có 57,4% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho bao bì thân thiện với môi trường nếu giá cả không quá chênh lệch so với sản phẩm thông thường; 41,1% người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa chọn dù giá cao hơn. Điều này tạo cơ hội cho các sản phẩm thay thế nhựa phát triển.

Khánh Mai (t/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang