Ngành gỗ đối mặt 2 mối lo lớn về nguyên liệu và lưu thông hàng hóa

author 14:06 05/05/2022

(VietQ.vn) - Ngành gỗ đã và đang nỗ lực vượt bậc, trong đó đặt ra hai vấn đề then chốt cần giải quyết cả trước mắt và lâu dài là nguyên liệu và lưu thông hàng hóa.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Ðề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Nhằm đạt được những mục tiêu của đề án, ngành gỗ đã và đang nỗ lực vượt bậc, trong đó đặt ra hai vấn đề then chốt cần giải quyết cả trước mắt và lâu dài là nguyên liệu và lưu thông hàng hóa. 

Ngành gỗ đối mặt với 2 mối lo lớn về nguyên liệu và lưu thông hàng hóa. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, nhờ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam đã tham gia mà ngành chế biến gỗ trong nước đã có nhiều đơn hàng được ký kết, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gia tăng công suất để kịp tiến độ các đơn hàng đã ký đến hết quý II/2022. Trong tháng 3, mức tăng trưởng của ngành gỗ có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn là con số cao so với thời điểm 2021. Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/tháng thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ năm nay khoảng 16,5 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, phía trước đang còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ dẫn đến rủi ro cao cho ngành gỗ. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), khó khăn lớn nhất trước mắt vẫn là tác động của dịch Covid-19. Tại Việt Nam tác động đó đã giảm bớt, có sự thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh ở những thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt hiện nay dịch bệnh bắt đầu gia tăng tại Trung Quốc. Với chính sách chống dịch “zero Covid” như hiện nay, khi có các ca bệnh, Trung Quốc sẵn sàng phong tỏa cả một thành phố hay trung tâm sản xuất. Nếu những khu vực đó đang cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản cho Việt Nam, sẽ có tác động rất xấu.

Còn về vận chuyển, logistics, 2 năm vừa qua tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, những khó khăn có thể sẽ đến do xung đột Nga-Ukraine, mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga, Ukraine chưa phải lớn, song đây cũng là hai quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản cho doanh nghiệp trong nước trong đó có các doanh nghiệp ngành gỗ... Ðó chính là những mối lo lớn đang rình rập, sẵn sàng gây nguy hại cho ngành gỗ, nếu các doanh nghiệp không chủ động, tích cực trong chiến lược sản xuất của mình.

Ðặc thù của ngành gỗ xuất khẩu là mặt hàng có kích thước lớn, đóng hàng cồng kềnh, chi phí đóng gói và vận chuyển cao, thị trường chủ yếu là các nước châu Âu. Logistics luôn chiếm tỷ lệ 20-30% chi phí của ngành gỗ. Vì vậy, sự bảo đảm ổn định trong khâu lưu thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thống kê chỉ ra, từ năm 2020 đến nay, chi phí nhập khẩu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ tăng đột biến, trong đó riêng gỗ sồi tăng tới 28%, các mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ tăng hơn 40%... đã gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận cuối cùng của ngành gỗ. Hiện nay, tình trạng tắc nghẽn container và logistics vẫn chưa có hồi kết.

Ðể thích ứng với tình hình, các doanh nghiệp ngành gỗ đã tìm cách tăng vốn, tăng cường tìm thị trường nhập khẩu, cùng mua chung, cùng hợp tác đàm phán để có giá cả tốt nhất, đồng thời đặt ra các chiến lược dài hạn hơn. Chính vì cách tiếp cận mới đó, nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho hết năm 2022, thậm chí cả năm 2023. Ðây là tín hiệu đáng mừng. Ðể đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với doanh nghiệp vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics. Qua đó chủ động được giá cả và sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang