Lào Cai thu giữ nhiều loại thực phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

author 16:44 27/12/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai vừa phát hiện và thu giữ nhiều loại thực phẩm là trái cây, kẹo trái cây, nho khô... đều có nhãn hàng hóa tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt Nam.

Ngay sau khi nhận được tin báo về lô thùng cát tông có dấu hiệu chứa đựng hàng hóa vi phạm đang tập kết tại số nhà 007, đường D1 - An Thành, thuộc địa phận thôn An Thành, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Đội QLTT số 2 đã phối hợp với Đội điều tra Tổng hợp Công an huyện Bát Xát, Công an xã Quang Kim tiến hành khám lô thùng cát tông trên.

Kết quả khám, phát hiện bên trong 48 thùng carton chứa hàng hóa gồm: 180 kg táo đỏ loại quả khô, được đựng trong túi bóng, đóng trong 18 thùng carton, mỗi thùng trọng lượng 10 kg (không bao gồm bao bì); 70 kg táo đen loại quả khô, được đựng trong túi bóng, đóng trong 10 thùng carton, mỗi thùng trọng lượng 07 kg (không bao gồm bao bì); 21 kg nho khô, được đựng trong túi bóng, đóng trong 03 thùng carton, mỗi thùng trọng lượng 07 kg (không bao gồm bao bì); 12 túi kẹo trái cây, loại 2,5 kg/ túi, trên mỗi túi có nhãn ghi chữ nước ngoài, đóng trong 03 thùng carton (trong mỗi thùng carton chứa 04 túi kẹo); 70 hộp chà là, loại 500 gam/hộp, nhãn hiệu Dates Sanwan, được đựng trong 14 thùng carton, mỗi thùng carton chứa 5 hộp; Tất cả số hàng hóa trên đều có nhãn hàng hóa tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt Nam.

Kẹo nhập lậu gây ra nhiều nguy hại tới sức khỏe. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai

Liên quan tới kẹo không rõ nguồn gốc, trước đó qua công tác nắm thông tin trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Công an thành phố Lào Cai phát hiện tình trạng ở một số địa phương có thực trạng học sinh bị ngộ độc do ăn phải các loại kẹo không rõ nguồn gốc, khiến các phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Qua điều tra nhanh, Công an thành phố Lào Cai cũng phát hiện một số đối tượng có hành vi bán các lô kẹo trái cây 7 mầu không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại khu vực các cổng trường tiểu học, trung học trên địa bàn các phường Kim Tân, phường Lào Cai và phường Bắc Cường.

Thông tin về các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay, nhiều loại đồ ăn vặt, kẹo, nước ngọt không kiểm soát được các hóa chất, chất phụ gia độc hại và không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tràn lan ở nhiều cổng trường học. Những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh. Đây là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc cho học sinh.

Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…Do đó, để đảm bảo an toàn cần lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".

Đồng thời, khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này".

Như vậy, theo quy định này, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang