Nguyên nhân khiến vô lăng xe ô tô bị nặng gây mất an toàn khi tham gia giao thông

author 06:54 27/01/2024

(VietQ.vn) - Vô lăng xe là một trong những bộ phận quan trọng nằm trong hệ thống lái của ô tô giúp tài xế thực hiện các động tác điều khiển xe. Trong trường hợp vô lăng bị nặng cần kiểm tra và khắc phục ngay để đề phòng sự cố.

Vô lăng quyết định rất nhiều tới cảm giác của người lái, việc có cảm giác tốt với vô lăng sẽ khiến tài xế dễ chịu hơn trong hành trình, còn nếu vô lăng có hiện tượng nặng, sượng tay... có thể gây cho người lái sự không thoải mái, khó kiểm soát gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Theo các chuyên gia ô tô, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nặng vô lăng, tuy nhiên hầu hết đều bắt nguồn từ việc người sử dụng không chú ý sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Dưới đây là những nguyên nhân cơ bản:

Lỗi thước lái

Thước lái là bộ phận kết nối vô lăng với hệ thống bánh trước, giúp người lái có thể điều khiển, chuyển hướng xe thông qua vô lăng. Nếu thước lái bị lỗi, vô lăng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, vì vậy nếu vô lăng có hiện tượng tay lái cứng, nặng có thể thước lái gặp trục trặc.

Kiểm tra thước lái ô tô. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, bộ phận này có thể bị mòn theo thời gian. Thước lái bị mòn khiến vô lăng bị cứng sau khi xe khởi động. Nhiều người cho rằng lỗi này không đáng ngại bởi vô lăng dần lấy lại cảm giác mượt mà do thước lái được bôi trơn trong lúc động cơ hoạt động. Tuy nhiên đây là suy nghĩ sai lầm, thực tế thước lái sẽ nhanh chóng bị xuống cấp nếu không khắc phục sớm.

Dầu trợ lực bị đóng bẩn, rò rỉ

Dầu trợ lực lái là chất lỏng thủy lực giúp vô lăng điều khiển dễ dàng. Tương tự các loại chất lỏng khác trong ô tô, dầu trợ lực lái cũng tích tụ bụi, cặn bẩn theo thời gian. Bụi bám quá nhiều làm cho dầu không thể bôi trơn trục lái.

Rò rỉ dầu trợ lực dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Ảnh minh họa

Ngoài ra việc rò rỉ dầu trợ lực cũng cần được các tài xế quan tâm. Bởi trong điều kiện sử dụng bình thường, mức dầu không hao hụt đáng kể. Khi bị rò rỉ hệ thống trợ lực lái bị thiếu dầu làm giảm hiệu quả hoạt động của xe. Người lái có thể cảm nhận sự khác biệt ở vô lăng. Vô lăng xoay khó hơn so với bình thường.

Với lỗi này, chủ xe cần mang xe đi kiểm tra và sửa chữa, nếu để lâu hệ thống lái của xe có thể bị hư hỏng nặng. Để tránh gặp phải tình trạng trên người dùng nên thường xuyên kiểm tra và thay thế dầu trợ lực lái sau khi đi khoảng 60.000 km - 70.000 km.

Bơm trợ lực bị lỗi

Bơm trợ lực đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra áp suất cho hệ thống trợ lực lái. Trong trường hợp máy bơm bị hỏng hoặc ngừng hoạt động, người lái rất khó để bẻ lái. Nguyên nhân có thể do bơm trợ lực bị mòn cánh bơm, xước bề mặt hoặc hở đường dầu tới làm tài xế khó bẻ lái. Thậm trí bơm trợ lực hỏng có thể khiến vô lăng ngừng hoạt động.

Đối với trường hợp này, cách xử lý tốt nhất là đưa xe đến gara gần nhất. Tuyệt đối không tự ý khắc phục bởi đây là hệ thống quan trọng của xe, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng gây nguy hiểm cho tài xế và người ngồi trong xe trong quá trình điều khiển phương tiện. 

Áp suất lốp thấp

Áp suất lốp ô tô thấp hơn chỉ số tiêu chuẩn sẽ làm vô lăng xe nặng hơn. Vì vậy khi thấy vô lăng nặng hơn bình thường, tài xế nên kiểm tra lốp. Để xe vận hành trơn tru nhất, áp suất của các lốp xe phải luôn đúng tiêu chuẩn do nhà sản xuất khuyến nghị. Lốp xe non hơi không chỉ khiến vô lăng nặng mà còn gây hao mòn lốp và hao xăng.

Do đó, người dùng cần thường xuyên kiểm tra và bơm căng theo chỉ số PSI khuyến cáo của nhà sản xuất. Thay mới khi thấy lốp bị mòn và đảo lốp định kỳ.

Chỉ số áp suất lốp được ghi rõ trên lốp ô tô. Ảnh minh họa

Nhìn chung, để có sự thoải mái và an toàn khi lái xe chủ xe nên tạo thói quen bảo dưỡng định kỳ và đưa xe đến gara chuyên nghiệp để đảm bảo rằng không chỉ vô lăng mà các bộ phận khác trên xe luôn hoạt động hiệu quả, là đối tác đáng tin cậy trên mọi hành trình.

QCVN 09:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô

Quy chuẩn này quy định rất rõ về Hệ thống lái. Cụ thể

- Đảm bảo cho xe chuyển hướng chính xác, điều khiển nhẹ nhàng, an toàn ở mọi vận tốc và tải trọng trong phạm vi tính năng kỹ thuật cho phép của xe.

- Các bánh xe dẫn hướng phải đảm bảo cho xe có khả năng duy trì hướng chuyển động thẳng khi đang chạy thẳng và tự quay về hướng chuyển động thẳng khi thôi tác dụng lực lên vành tay lái (khi thôi quay vòng).

- Khi hoạt động các cơ cấu chuyển động của hệ thống lái không được va quệt với bất kỳ bộ phận nào của xe như khung, vỏ.

- Vành tay lái khi quay không bị vướng vào quần áo và trang bị của người lái khi lái xe.

- Khi quay vành tay lái về bên phải và bên trái thì không được có sự khác biệt đáng kể về lực tác động lên vành tay lái.

- Độ rơ góc của vành tay lái: Xe con, xe khách đến 12 chỗ, kể cả người lái, xe tải có tải trọng đến 1500 kg: không lớn hơn 100; Các loại xe khác: không lớn hơn 150 .

- Độ trượt ngang của bánh xe dẫn hướng không lớn hơn 5 mm/m.

- Bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước phía ngoài của xe không lớn hơn 12 m.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang