Thiếu thông tin về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp đối mặt nhiều rủi ro

author 06:51 06/12/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong quá trình sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do thiếu thông tin và thiếu tính cập nhật.

Nghiên cứu năm 2021 của Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) cho thấy, các doanh nghiệp (DN) có sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với DN không sở hữu tài sản trí tuệ. Đối với DN có sở hữu tài sản trí tuệ, kết quả kinh doanh tăng 36% đối với sáng chế, 21% đối với nhãn hiệu, 32% đối với kiểu dáng công nghiệp.

Tuy nhiên, theo Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, tại Việt Nam, nhiều DN trong quá trình sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp; chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do thiếu thông tin và thiếu tính cập nhật; chưa có nhiều tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ, tư vấn về sử dụng và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả.

Những điều này đã dẫn đến hệ quả là tỉ lệ đơn đăng ký được cấp căn bằng bảo hộ chưa cao; việc bảo vệ quyền đối với tài sản trí tuệ, xin phê duyệt và báo cáo nghiệm thu các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn.

Để sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả cần có cơ sở dữ liệu với thông tin được cập nhật đầy đủ và kịp thời. Việc phối hợp để phổ biến, hướng dẫn khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp là cần thiết và cần có sự hợp tác của nhiều bên, trong đó cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.

 Ảnh minh hoạ

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu, các DN cần quan tâm, nhận thức và tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp, nếu không sẽ rất khó giải quyết được các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ khi bị tranh chấp, nhất là trên không gian mạng.

Hiện nay, các cơ quan Nhà nước đã và đang nỗ lực xây dựng, phát triển môi trường lành mạnh về sở hữu trí tuệ nên các DN cần phải chung tay, vì đó là quyền lợi của DN. Tuy nhiên, việc hưởng ứng của DN trong sở hữu trí tuệ thực sự là vấn đề lớn. Điều này thể hiện tại các cuộc họp liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, rất ít DN được mời tham dự.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, khi có tài sản có giá trị, DN tìm mọi cách bảo vệ, nhưng với tài sản trí tuệ thì lại chưa. "Chúng tôi mong muốn thời gian tới, DN cần thay đổi nhận thức này, vì hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước như chúng tôi đang đơn độc trong vấn đề này, do các DN chưa có hành động cụ thể".

Lấy ví dụ về vụ việc cạnh tranh giữa Sconnect (DN của Việt Nam) và EO (đối thủ mạnh của Anh là Entertaiment One) về nhân vật hoạt hình Wolfoo và Pepa Pig, ông Trần Lê Hồng cho rằng, các đề xuất của DN đối với cơ quan Nhà nước trong việc can thiệp với các nền tảng, đảm bảo quyền của DN Việt Nam ở nước ngoài… cần được đánh giá trong bối cảnh hợp lý, do quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ. Nếu nhân vật Wolfoo được sáng tạo ở Việt Nam thì chỉ được bảo vệ ở Việt Nam. Khi nói đến yêu cầu xử lý thì ở mỗi quốc gia sẽ được bảo vệ theo pháp luật ở quốc gia hiện hành. Do đó, chúng ta cần khẳng định quyền sở hữu trí tuệ của mình đầu tiên.

Nhãn hiệu là một trong những "đối tượng" bị xâm phạm nhiều trên internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia như hiện nay, việc phải xác định bảo hộ đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó.

Đặc biệt, khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ mình. Các DN startup có nguồn lực hạn chế, nhưng nếu không tính đến các yếu tố cạnh tranh, nhất là về sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu thì chỉ cần một vụ việc về pháp lý, chúng ta sẽ mất hoàn toàn khả năng hoạt động.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang