Ông Dương Mạnh Hùng thông tin thêm, nguồn gốc xuất phát của hàng hóa thường từ hai nguồn, thứ nhất là hàng nhập lậu, “hàng xách tay” được sản xuất ở nước ngoài, sau đó vận chuyển từ biên giới vào nội địa và thứ hai là hàng hóa được sản xuất, gia công ngay chính trong thị trường trong nước.

Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bị xâm phạm dưới các hình thức như: sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng, làm tổn hại kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hoá mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề…

Kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội ngày càng gia tăng, thủ đoạn tinh vi. Ảnh: Tuyên Giáo

Hiện nay, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không được tập kết, bày bán công khai như trước đây, mà sau khi đưa hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Thực tế, chỉ trong tháng 12/2023 đến nay lực lượng QLTT TP. Hà Nội đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc lớn. Cụ thể, ngày 04/12/2023, Đội QLTT số 9 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an xã Uy Nỗ - Công an huyện Đông Anh kiểm tra Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại thôn Ấp Tó, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội thu giữ gần 1 tấn hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có những sản phẩm "kẹo hình mắt người" mà dư luận quan tâm.

Tiếp đến, ngày 25/12/2023, Đội QLTT số 11 – Cục QLTT TP. Hà Nội đã kiểm tra điểm kinh doanh tại tòa nhà biệt thự 5 tầng, địa chỉ: căn U04-L01, Khu đo thị Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội (Chủ cơ sở là bà Nguyễn Hoàng Mai Ly, mỗi lượt livestream chốt hàng nghìn đơn hàng). Số hàng hóa vi phạm là khoảng 125 nghìn sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, hàng gia dụng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, trị giá khoảng 19 tỷ đồng. Vụ việc đang được thẩm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, ngày 26/12/2023, Đội QLTT số 25 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, phát hiện, thu giữ 18.532 sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng thành phẩm giả mạo tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, 26.018 sản phẩm mỹ phẩm.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như: Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol…có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hoá cùng một lượng lớn các lọ nhựa, hộp đựng, tem nhãn, nguyên liệu không rõ nguồn gốc và máy móc thiết bị phục vụ cho việc sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. 

Cũng trong ngày 26/12/2023, Đội QLTT số 9 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Đông Anh kiểm tra một cơ sở sản xuất tất, thu giữ 13.660 đôi tất giả mạo các nhãn hiệu: Nike, Adiddas, Uniqlo....; 6.000 tem giả nhãn hiệu, 85 kg chỉ may và 05 cái máy dệt phục vụ sản xuất tất.

Bước sang năm 2024, chỉ mấy ngày đầu năm lực lượng QLTT TP. Hà Nội tiếp tục thu giữ nhiều hàng hóa nhập lậu. Cụ thể, Đội QLTT số 7 phối hợp Đội 6, Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an thành phố Hà Nội kiểm tra Hộ kinh doanh, địa chỉ: Số 40, ngõ 300b đường Nguyễn Xiển, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ gần 20.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, trị giá hàng hóa khoảng hơn 380 triệu đồng. Kiểm tra Hộ kinh doanh cửa hàng phụ tùng, địa chỉ: Xóm Chùa, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ 80 sản phẩm là phụ tùng xe máy do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, 308 sản phẩm là phụ tùng xe máy mang nhãn Honda, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda đang được bảo hộ tại Việt Nam. 

Để làm tốt công tác chống gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm; làm tốt công tác nghiệp vụ; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, nhất là hoạt động thương mại điện tử...

Việc kiểm tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề (ví dụ nhu cầu rượu, bia, đồ uống, bánh kẹo dịp Tết tăng cao thì buôn lậu, hàng giả nhóm sản phẩm này cũng tăng theo), xác định địa bàn "nóng" như đầu mối giao thông, tuyến quốc lộ, chợ đầu mối, kho tập kết hàng hóa, tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng có nhu cầu lớn dịp cuối năm… Đồng thời, các lực lượng chuyên trách sẽ tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, điều tra. Trong đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Chú trọng tới những thông tin về hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

An Dương (T/h)