Nở rộ mô hình hộp ngủ, thách thức công tác quản lý phòng cháy chữa cháy

author 16:19 04/12/2023

(VietQ.vn) - Mô hình kinh doanh "hộp ngủ" đang nở rộ tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), phục vụ cho nhu cầu "chỉ cần một chỗ để ngủ" của nhiều đối tượng người dân vì vậy công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được nhiều cơ sở kinh doanh quan tâm.

TP HCM đã chứng kiến sự nở rộ của dịch vụ hộp ngủ (sleep box) từ năm 2021, một xu hướng ban đầu chỉ phục vụ khách tại sân bay nhưng đã mở rộng sang khu vực trung tâm và vùng ven. Mặc dù chưa có thống kê chính xác về số lượng, nhưng trên các trang rao vặt nhà đất, khách dễ dàng tìm thấy các phòng như vậy với giá thuê khoảng 1,8-2,2 triệu đồng mỗi tháng.

Nhận biết được nhu cầu này, một số doanh nghiệp đã phát triển mô hình hộp ngủ theo chuỗi. Ông Vũ Quốc Tuấn, người vận hành hơn 11 cơ sở với khoảng 200 "hộp ngủ" tại nhiều quận ở TP HCM chia sẻ, các hộp ngủ rộng 2,2 m2 được làm như ký túc xá, với vách ngăn bằng tấm alu chống cháy, giường ngủ đặt trên khung thép để đảm bảo an toàn. Mỗi phòng có ổ cắm điện cho điện thoại và laptop, đồ dùng sinh hoạt chung được phân chia vào khu vực riêng. Hiện chuỗi này có tỷ lệ lấp đầy lên đến 90%, và theo ông Tuấn, một chuỗi 20 phòng có chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng.

Không gian bên trong hộp ngủ. Ảnh N.Yên

Chia sẻ về lý do chọn thuê hộp ngủ, Đức Phú, 20 tuổi, sinh viên năm hai cho biết, do thường xuyên đi học, làm thêm đến 20h mới về nên chỉ xem căn phòng chỉ là nơi ngủ, học bài, không cần nhiều không gian. Nếu thuê căn trọ rộng khoảng 15 m2 gần đó phải trả hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, thêm tiền điện, nước, wifi, đổ rác sẽ gấp đôi số tiền ở đây. Với mô hình hộp ngủ mặc dù gặp một số bất tiện như phải chia sẻ tiện nghi với người lạ, nhưng với chi phí 2 triệu đồng mỗi tháng đã bao gồm tiền điện nước, gửi xe, wifi, Phú cho rằng đây là lựa chọn phù hợp với túi tiền của mình.

Tuy nhiên, mô hình này lại bị cho thiếu an toàn, nhất là ở khâu PCCC khi đoàn liên ngành kiểm tra hàng loạt chuỗi "sleep box" tại TP HCM mới đây. Đáng chú ý tại căn 5 tầng ở quận Bình Thạnh làm 125 hộp ngủ, chủ nhà không làm lối thoát hiểm, hệ thống PCCC, xây sai phép.

Quá trình kiểm tra, đoàn liên ngành đánh giá kiểu nhà ở tập thể này là mô hình mới nhưng thiết kế sơ sài, thường cầu thang thông từ dưới hầm để xe lên các tầng, khi xảy ra cháy khói lan lên phía trên rất nhanh. Trong khi lối đi lại rộng chưa đến một mét, người gặp nạn dễ mắc kẹt, khó thoát ra ngoài.

Ngoài ra các phòng nhỏ lại ngăn vách gỗ sát nhau, ổ cắm điện lắp vào vách, cộng với nệm, gối, quần áo, sách vở là vật liệu dễ cháy khi xảy ra chập điện, lửa bùng phát rất nhanh. Chưa kể lúc hoả hoạn điện bị ngắt, không còn ánh sáng, lối đi lại chật hẹp, nhiều chướng ngại vật như cầu thang, người ở mất nhiều thời gian tìm lối thoát.

Về tình trạng kinh doanh hộp ngủ trái phép, theo đại diện Phòng Thẩm duyệt PCCC (Cục PCCC, Bộ Công an), các cơ sở kinh doanh hộp ngủ, chủ nhà chỉ xin phép xây dựng nhà ở gia đình nhưng tại thiết kế thành các phòng lớn và xếp đầy hộp ngủ bên trong. Hiện tại, chưa có quy định về PCCC nên khó khăn trong quản lý, kiểm tra.

Bà Lê Bích Trang, Giám đốc Công ty Hoàng Quân Phát, chuyên tư vấn, thiết kế xây dựng về lĩnh vực PCCC, cho rằng dạng "hộp ngủ" hiện chỉ phù hợp với nhà ga, sân bay có không gian rộng rãi. Vì vậy để duy trì mô hình này, chủ đầu tư cần phải đảm bảo về chữa cháy, báo cháy, diện tích công trình, lối thoát nạn.

Theo bà Trang, trong trường hợp Việt Nam chưa có quy định, đơn vị quản lý có thể ứng dụng tiêu chuẩn nước ngoài để xét duyệt PCCC. Bà dẫn chứng quy định về lắp kệ hàng cao trên 5,4 m tại các cửa hàng, nhà kho đã cho phép cập nhật một số quy chuẩn của Nga và Mỹ để thiết kế, thẩm duyệt.

Trong bối cảnh này, UBND TP.HCM đang nỗ lực để xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ. Theo đó, đầu tháng 11, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị 12 và Chỉ thị 04 của UBND TP và quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn.

Qua trình kiểm tra, rà soát chỉ riêng trên địa bàn quận Gò Vấp có 15 cơ sở kinh doanh hoạt động lưu trú mô hình cho thuê hộp ngủ. Trong đó lực lượng chức năng ghi nhận và xử lý 7 cơ sở vi phạm về PCCC với các hành vi gồm: Sử dụng vách ngăn bằng vật liệu dễ cháy; cầu thang thoát nạn không đủ số lượng; bố trí vật tư hàng hóa cản trở lối thoát nạn; thực hiện các giải pháp ngăn cháy không đảm bảo. Lực lượng chức năng quận Gò Vấp đã lập 7 biên bản vi phạm và xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 77 triệu đồng. 

Vì vậy để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, đối với cơ sở, công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chủ đầu tư phải thực hiện việc thẩm duyệt và nghiệm thu theo đúng quy định. Đối với công trình không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC vẫn phải thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định tại khoản 13 Điều 13 Nghị định 136/2020.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang