Quảng Ninh: Phát hiện lượng lớn hàu giống không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 09:52 27/06/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện, thu giữ 63 tấn hàu giống trị giá hơn 1,5 tỷ đồng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp các lực lượng Hải quan, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh kiểm tra phương tiện thủy có gắn động cơ do ông Lê Đức Chi là người điều khiển.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 350.000 dây hàu với tổng khối lượng 63 tấn hàu giống do ông N.V. (SN 1969, ngụ phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là chủ. Số hàu giống trị giá hơn 1,5 tỷ đồng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.

 Toàn bộ số hàu giống bị cơ quan chức năng tạm giữ.

Trước đó, vào tháng 5/2024, tại khu Nam Thọ, phường Hải Xuân, TP.Móng Cái, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh khám phương tiện vận tải, phát hiện 15.100 con vịt gống (khoảng 1-2 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phương tiện do ông Đ.V.D lái xe kiêm chủ hàng - ngụ xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, Hải Dương.

Ông Đ.V.D khai nhận toàn bộ số vịt giống mua gom trôi nổi trên địa bàn TP.Móng Cái, không có giấy tờ hợp pháp kèm theo, tập kết lên xe đưa vào nội địa tiêu thụ.

Đội QLTT số 1 phối hợp các ngành chức năng tiến hành lấy mẫu, tiêu hủy toàn bộ số vịt trên và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu quy định pháp luật, mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: 4. Mức phạt tiền dành cho hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định cụ thể như: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 6.000.000 -10.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Từ những quy định trên có thể thấy cá nhân có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 60 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa vi phạm. 

Ngoài ra, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua biên giới trái quy định của pháp luật nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm; có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề; hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang