Phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP- Lợi ích kép

author 16:57 22/09/2023

(VietQ.vn) - Phát triển du lịch nông thôn sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại chỗ, là kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương là hồn cốt tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” diễn ra ngày 22/9/2023 tại TP Hồ Chí Minh. 

Diễn đàn do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn- Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. 

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn 

Du lịch nông thôn- kết nối giá trị kinh tế, văn hóa 

Du lịch nông nghiệp nông thôn đang là xu hướng của thế giới và lợi thế của Việt Nam. Đây là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã… gắn với lao động sản xuất nông nghiệp... 

Có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Du lịch nông thôn phát triển sẽ  thúc đẩy kinh tế nông thôn, đồng thời tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách.

Bà Ngô Thị Thu Trang- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn- Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh, khi du lịch nông thôn phát triển sẽ có thêm việc làm cho giới trẻ, có thêm ‘không gian’ để họ có những ý tưởng sáng tạo, hay có thể tận dụng chính những cảnh sắc làng quê thanh bình, những nét văn hóa đa dạng, những sản phẩm nông nghiệp phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn. 

Điều quan trọng của du lịch nông thôn là kết nối giá trị kinh tế, giá trị văn hóa và giá trị nhân văn cũng như giải quyết những vấn đề di dân và vấn đề nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Nếu không có các hoạt động tạo thu nhập ở vùng nông thôn thì các dòng di dân từ nông thôn lên đô thị sẽ càng mạnh mẽ. 

Gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP 

Thực tế cho thấy, khi kết hợp giữa việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP sẽ khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. 

Tuy nhiên, theo bà Trang, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm phải mang ý nghĩa, giá trị trong từng sản phẩm OCOP, đó là hồn quê, là giá trị đặc sắc của mỗi địa phương, “mỗi làng một sản phẩm”. Nếu những giá trị đó được thể hiện qua ẩm thực, qua quà tặng, qua các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn. 

 Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày tại Không gian OCOP Nhân văn. Ảnh: Báo Nông nghiệp VN 

Từ góc nhìn của nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly- Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam cho rằng, hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. 

Bà Ly đề xuất, từ chương trình OCOP, có thể phát triển thêm chương trình “Mỗi tỉnh thành một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng”, xa hơn nữa là “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng”. 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.  

“Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP được Bộ NN&PTNT xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bởi phát triển du lịch nông thôn sẽ thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ nông sản, gia tăng giá trị nông sản từ hoạt động dụ lịch là kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản địa phương. 

Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương là hồn cốt trong tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo thúc đẩy cho ngành du lịch phát triển. Bên cạnh đó, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp - nông thôn tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn kiếm thu nhập tại nơi mình sinh sống, không phải đổ dồn về thành thị để mưu sinh”- Thứ trưởng Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã dự Lễ khánh thành Không gian OCOP Nhân văn tại phòng K013, cơ sở quận 1, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Không gian OCOP Nhân văn với thông điệp "Giá trị nhân văn thăng hoa sản phẩm Việt" với các kệ trưng bày sản phẩm của hơn 10 doanh nghiệp qua sự lựa chọn ngẫu nhiên, trong đó có những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều sản phẩm của các chủ thể OCOP khác được trưng bày trên "Chiếc thuyền nhân văn".

Các doanh nghiệp có sản phẩm được lựa chọn để trưng bày tại đây mang ý nghĩa là doanh nghiệp cộng đồng, thể hiện vai trò, ý nghĩa trong chia sẻ và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng, cùng chung câu chuyện nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang