Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bàn cách tháo gỡ khó khăn cho giáo dục ĐBSCL

author 16:01 25/09/2015

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu cần phải tháo gỡ ngay những khó khăn cho ngành giáo dục, dạy nghề tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới.

Sáng ngày 25/9, Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quyết định số 1033 của Thủ Tướng Chính phủ về phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015.

Đến tham dự, chỉ đạo tại hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, cùng với nhiều lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương, lãnh đạo, các trường thuộc 13 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trình bày tại Hội nghị cho thấy, sau gần 5 năm thực hiện quyết định số 1033, các tỉnh, TP thuộc khu vực ĐBSCL đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về giáo dục phổ thông. Số lượng trường học ở cả 3 cấp, số lượng học sinh luôn tăng theo từng năm. Tỷ lệ huy động trẻ vào lớp 1 luôn đứng ở mức cao hơn nhiều khu vực khác trong cả nước.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, một điểm khó của giáo dục phổ thông tại ĐBSCL là tỷ lệ học sinh bỏ học luôn ở mức cao so với cả nước (cấp THPT là 3,94% trong khi trung bình cả nước là 1,79%). Cơ sở vật chất dành cho giáo dục còn nhiều khó khăn, còn nhiều phòng học nằm trong khu vực này xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống các phòng chức năng luôn yếu và thiếu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga báo cáo tình hình 5 năm sau khi thực hiện quyết định 1033 (ảnh: H.T)

Đối với giáo dục thường xuyên, ở khu vực ĐBSCL hệ thống các trường lớp giáo dục thường xuyên vẫn chưa phủ kín hết các địa bàn, phòng ốc và cơ sở vật chất ở một số nơi còn nghèo nàn, lạc hậu.

Năm học 2014 – 2015, toàn bộ khu vực ĐBSCL có gần 198.000 giáo viên, tăng khoảng 9% so với năm học trước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT vẫn thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên ở cấp học mầm non tại một số địa phương vẫn còn xảy ra, chậm khắc phục, nhưng giáo viên ở cấp THPT, THCS lại thừa so với quy định.

Trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong thời gian vừa qua, dạy nghề tại khu vực ĐBSCL đã phát triển mạnh cả về lượng và chất, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động.

Những khó khăn, hạn chế trong giáo dục ĐH của các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu, trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, tỷ lệ sinh viên có trình độ ĐH cao chiếm 70% trên tổng quy mô, quy mô khối ngành kinh tế chiếm đến trên 30% tổng số sinh viên được đào tạo.

Một số cơ sở giáo dục ĐH chưa chủ động đầu tư, dự báo, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, để đào tạo những ngành nghề mà xã hội cần mà chủ yếu đào tạo trên cơ sở khả năng của trường, trách nhiệm đối với người học và đối với xã hội chưa cao.

Tại Hội nghị này, nhiều đại biểu đã tập trung phân tích ra những hạn chế, nguyên nhân của việc bất cập trong công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề ở khu vực ĐBSCL. Trong đó, một số ý kiến cho rằng chính vì do đặc điểm của khu vực là vùng dân cư sông nước, nên cư dân được phân bố không đồng đều, ảnh hưởng đến việc huy động học sinh đến trường.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân của việc tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Việc phân cấp, phối hợp quản lý giáo dục và đào tạo tại một số địa phương chưa thật sự gắn kết, nhất là trong lĩnh vực cơ sở vật chất, nguồn lực. Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển giáo dục và đào tạo, chính sách, cơ chế tài chính chậm được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chăm chú theo dõi diễn tiến Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, để ĐBSCL thoát khỏi cảnh vùng ‘trũng’ của giáo dục và dạy nghề trong cả nước, Bộ GD&ĐT cần ngồi lại bàn với với Bộ LĐTBXH và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét rõ cách xây dựng nông thôn mới, trong đó những gì thuộc về yếu kém cần được ưu tiên phát triển trước.

Đối với giáo dục mầm non, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là một trong những bậc học quan trọng nhất, nên cần phải được ưu tiên phát triển.

“Xem xét để xây dựng trường lớp cho giáo dục mầm non. Nếu thiếu biên chế giáo viên dành cho mầm non, các Bộ cần trình trung ương để xin cơ chế, cho phép làm thí điểm để áp dụng trước” – ông Vũ Đức Đam nói tiếp.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian sắp tới, dứt khoát các tỉnh thuộc ĐBSCL phải vực dậy nhanh, mạnh hơn nữa hệ thống dạy nghề, đảm bảo cho mọi học viên sau khi hoàn tất đều có thể học liên thông ở bậc học cao hơn.

Theo Phó Thủ tướng, nếu áp dụng vào thực tế, nếu vướng ở điểm nào cần có báo cáo, thảo luận và trình trung ương một cơ chế xem xét, áp dụng thí điểm

“Còn nếu không, chúng ta phải áp dụng làm ngay, không thể nào chậm trễ hay chần chừ được nữa “ – ông Vũ Đức Đam kết luận.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang