Sốc phản vệ sau khi ăn cá thu, cảnh báo những thực phẩm phổ biến dễ gây dị ứng

author 16:00 20/08/2022

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, rất nhiều loại thực phẩm dễ gây dị ứng thậm chí có thể khiến người ăn bị sốc phản vệ.

Sốc phản vệ sau khi ăn cá thu

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt. Khai thác tiểu sử cho thấy, trước đó, bệnh nhân (nữ, 65 tuổi) có ăn cá thu. Sau ăn cá thu 30 phút, cụ bà 65 tuổi bắt đầu xuất hiện khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt. Trước đó, bệnh nhân không có tiền sử dị ứng.

Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu và chẩn đoán theo phác đồ phản vệ, điều trị tích cực. Hiện tại bệnh nhân đã ổn định. Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) chia sẻ, sốc phản vệ do thức ăn không phải là trường hợp hiếm gặp, có thể gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. 

Sốc phản vệ do thức ăn không phải là trường hợp hiếm gặp. Ảnh minh họa

Dị ứng thức ăn là phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi cơ thể tiếp nhận những protein đặc biệt thông qua đường ăn uống. Đây là loại phản ứng của hệ miễn dịch khi các protein đặc biệt này gây nên phản ứng dị ứng của cơ thể. Tình trạng dị ứng với thành phần protein trong thức ăn có thể là cấp tính (xảy ra một cách đột ngột) hoặc mạn tính (xảy ra trong thời gian dài).

Khi bị dị ứng thức ăn, nhiều trường hợp chỉ có phản ứng dị ứng nhẹ, có thể gây ra các biểu hiện không thoải mái nhưng không nghiêm trọng với sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp lại rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các triệu chứng dị ứng thường phát triển trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn. Một số dấu hiệu chính như: Nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn; chóng mặt hoặc ngất xỉu, da nhợt nhạt, tím tái, toát mồ hôi.

Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ với các triệu chứng đe dọa đến tính mạng như: Hạn chế và thắt chặt đường thở; cổ họng bị sưng hoặc cảm giác nghẹn ở cổ họng khiến cho quá trình thở khó khăn; sốc với sự giảm huyết áp đột ngột và nghiêm trọng; mạch đập nhanh; chóng mặt hoặc mất ý thức. Trong trường hợp này, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê, thậm chí tử vong.

Sữa bò

Có khoảng 2-3% trẻ bị dị ứng sữa bò, tuy nhiên 90% trẻ sẽ tự khỏi khi được 6 tuổi. Dị ứng sữa bò liên quan đến phản ứng miễn dịch chống lại một hoặc cả hai protein của sữa, đó là casein và whey protein. Các protein này cũng có trong sữa của các loài động vật có vú khác, do đó, trẻ bị dị ứng sữa bò cũng thường bị dị ứng với sữa dê hoặc sữa cừu.

Dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò ở trẻ thường là các biểu hiện ngoài da như phát ban đỏ, mề đay, viêm da, chàm; triệu chứng về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau bụng; triệu chứng về hô hấp như hen, khó thở, trong giờ đầu sau khi sử dụng thực phẩm.

Trường hợp dị ứng thực phẩm nặng có thể gây sốc phản vệ và có nguy cơ tử vong cao. Trên lâm sàng, dị ứng với sữa bò thường bị nhầm lẫn với tình trạng không dung nạp sữa bò - là bệnh lý di truyền do thiếu men tiêu hóa đường lactose. Trẻ bị dị ứng sữa bò cũng có nguy cơ dị ứng với các thực phẩm khác và dị ứng ở mũi. Khoảng 10% trẻ bị dị ứng với sữa bò có phản ứng với thịt bò.

Trứng

Trứng là thực phẩm gây dị ứng phổ biến ở trẻ nhỏ chỉ sau sữa bò, tuy nhiên, 80% trẻ hết bị dị ứng với trứng khi được 6 tuổi. Tình trạng này cũng ít gặp đối với người trưởng thành.

Đa phần các protein gây dị ứng nằm ở lòng trắng, protein ở lòng đỏ ít gây dị ứng hơn. Sự tương đồng giữa protein trứng gà và các loại trứng khác khiến cho người bị dị ứng với trứng gà cũng bị dị ứng với trứng vịt, trứng ngỗng,... tuy nhiên, lại không dị ứng với thịt gà, thịt vịt.

Trứng là thực phẩm gây dị ứng với biểu hiện ngoài da như viêm da, nổi mề đay và biểu hiện ở đường tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, nôn, buồn nôn.

Biểu hiện ngoài da có thể xuất hiện sau khi dùng trứng chỉ vài phút, trong khi đó, các triệu chứng về tiêu hóa lại rất khác biệt về thời điểm xuất hiện và mức độ. Một số trường hợp còn ghi nhận tình trạng sốc phản vệ và phản ứng hô hấp như ho, khó thở, hen sau khi ăn trứng. Nếu sử dụng trứng ở nhiệt độ cao thì không làm giảm khả năng dị ứng.

Hải sản

Dị ứng hải sản (cá, tôm, cua...) thường gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành hơn và khi đã bị dị ứng thì hiếm có trường hợp tự khỏi. Việc thường xuyên ăn hải sản sẽ gây ra dị ứng.

Triệu chứng dị ứng thường gặp là phản ứng cục bộ nhẹ ở miệng (ngứa miệng, ngứa họng), biểu hiện ngoài da (phát ban, nổi mề đay), tiêu hóa. Các triệu chứng này thường xuất hiện ngay sau khi ăn. Đôi khi cũng có thể có biểu hiện ở đường hô hấp, nặng có thể dẫn đến phản ứng toàn thân, gây sốc phản vệ và đe dọa tính mạng.

Sử dụng thực phẩm ở nhiệt độ cao không làm giảm tính dị ứng của nó, do đó tốt nhất người bị dị ứng hải sản cần hạn chế ăn các loại hải sản.

Đậu phộng (lạc)

Có khoảng 0,5-1% trẻ bị dị ứng với đậu phộng. Không giống như dị ứng với sữa bò và trứng, dị ứng với đậu phộng thường ít tự khỏi, 75% trẻ vẫn dị ứng khi trưởng thành.

Thành phần gây dị ứng của lạc là các protein dự trữ - nguồn dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của cây, trong đó, hai loại protein gây dị ứng mạnh nhất là albumin và vicilin.

Biểu hiện lâm sàng của dị ứng lạc có thể bao gồm dị ứng ở miệng như ngứa miệng, họng hoặc hen, khó thở, nặng có thể là sốc phản vệ. Trong tất cả các loại thực phẩm gây dị ứng thì dị ứng với lạc có biểu hiện nặng nề nhất.

Lạc có thể gây phản ứng dị ứng mạnh ngay khi mới sử dụng lần đầu tiên. Môi ngứa ran khi tiếp xúc với lạc chính là dấu hiệu cảnh báo của phản ứng dị ứng mạnh có thể xảy ra. Trong rất ít trường hợp, người bị dị ứng với lạc chỉ cần hít hoặc tiếp xúc da tối thiểu cũng có thể dẫn tới dị ứng lạc.

Khoảng 80% trẻ em bị dị ứng lạc sẽ có phản ứng ngay lần đầu tiếp xúc. Người bị dị ứng với lạc cũng thường bị dị ứng với các loại hạt khác như hạt dẻ, hạnh nhân, hạt điều,...

Ngưỡng thực phẩm gây dị ứng đối với lạc là khoảng 1 miligam (trung bình 1 hạt lạc có khối lượng 500 - 1000 mg), có nghĩa là 1/1.000 hạt lạc đã có thể khởi phát tình trạng dị ứng ở người bệnh.

Các loại hạt

Các loại hạt bao gồm hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó, hạt thông,... được coi là thực phẩm gây dị ứng lớn nhất, tức là chỉ cần với một lượng rất nhỏ cũng đủ gây ra phản ứng dữ dội. Khoảng 0,5% người trên thế giới bị dị ứng với các loại hạt này và bệnh hiếm khi tự khỏi.

Trẻ nếu bị dị ứng với một loại hạt thì cũng sẽ bị dị ứng với các loại hạt khác, hoặc có thể dị ứng chéo với lạc. Dị ứng hạt điều được biết đến là nặng hơn so với dị ứng lạc.

Các loại hạt là thực phẩm gây dị ứng với các triệu chứng lâm sàng từ nhẹ (như nổi mẩn quanh miệng hoặc toàn thân, đau bụng, buồn nôn, nôn) đến nặng là có thể gây khó thở, thở khò khè, khàn giọng, hoặc ho do dị ứng đường hô hấp. Trường hợp rất nặng, dị ứng có thể gây ngất, sốc phản vệ và dẫn đến tử vong.

Phản ứng dữ dội với các loại hạt này có thể bị kích hoạt dù chỉ là một lượng thực phẩm cực nhỏ (đôi khi chỉ cần tiếp xúc qua da hoặc hít thở), do đó, người bị dị ứng cần tránh tuyệt đối các loại hạt này.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang