Tác động của đổi mới sáng tạo mở đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp

author 15:01 03/05/2023

(VietQ.vn) - Bài báo khái quát các công trình nghiên cứu trước đây về tác động của đổi mới sáng tạo mở lên kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu của những công trình trước cho thấy, đổi mới sáng tạo mở có tác động đáng kể và tích cực lên kết quả hoạt động của các doanh nghiệp. Từ những kết quả nghiên cứu này, các thảo luận và khuyến nghị hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai đã được đề xuất nhằm phát triển các định hướng nghiên cứu về ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo mở đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đặt vấn đề

“Đổi mới sáng tạo mở” (Open Innovation) được hình thành bắt đầu từ khái niệm của Chesbrough (2003a) và ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trên thế giới. Một cách khái quát, đổi mới sáng tạo mở là khái niệm được sử dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) khai thác được các nguồn lực bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường.

Một trong những hướng nghiên cứu đã và đang nhận được sự quan tâm đó chính là sự ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo mở đến kết quả và hiệu suất của DN. Tuy nhiên, các nghiên cứu về ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo mở đến kết quả hoạt động của các DN cũng còn một số yếu tố gây tranh cãi. Một số học giả thì đồng thuận cho rằng đổi mới sáng tạo mở giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.

Ở chiều ngược lại, một số khác lại cho rằng sự phụ thuộc quá nhiều vào luồng tri thức bên ngoài có thể không mang lại lợi ích cho sự đổi mới sáng tạo của các công ty, nó có thể làm tăng chi phí cho các hoạt động phối hợp, bảo vệ sở hữu trí tuệ và giảm hiệu quả tài chính cho các DN. Ngoài ra, các nghiên cứu về ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo mở đến kết quả hoạt động của DN vẫn còn nhiều biến số chưa được đưa vào mô hình nghiên cứu. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là tổng quan tài liệu, từ đó đề xuất mô hình nghiên cứu, gợi mở một số hướng nghiên cứu trong tương lai về ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo mở đến kết quả hoạt động của DN.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này tuân thủ theo một quy trình lấy dữ liệu có hệ thống từ những nguồn đáng tin cậy. Saunders (2011) cho rằng, một nghiên cứu tổng quan có hệ thống cần phải được bắt đầu bằng việc định nghĩa các từ khóa thích hợp đang sử dụng trong tìm kiếm và truy xuất tài liệu từ cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, tổng quan tài liệu nhằm tóm tắt và phân loại các nghiên cứu hiện có dựa trên các chủ đề và từ đó đề xuất các hướng nghiên cứu chính cho các công trình trong tương lai (Seuring et al., 2005). Theo các khái niệm này, nghiên cứu sử dụng phương pháp có hệ thống nhằm thu thập dữ liệu và phân loại tài liệu dựa trên nội dung, kết luận, thảo luận về chủ đề nghiên cứu và đề xuất khung mô hình nghiên cứu; định hướng những hướng nghiên cứu mới cho những công trình nghiên cứu trong tương lai. Các bước trong quy trình nghiên cứu được tác giả sử dụng như Hình 1.

Nghiên cứu đã thu thập các dữ liệu thứ cấp từ các dữ liệu đáng tin cậy gồm tạp chí Scopus và cơ sở dữ liệu của ISI Web of Science, bao gồm tất cả các nhà xuất bản lớn như Emerald, Taylor và Francis, Springer và Willey. Tác giả tiến hành tìm kiếm các bài viết dựa theo dữ liệu thời gian từ năm 1997 đến tháng 12/2022. Các từ khóa sử dụng chính trong việc tìm kiếm là “open innovation”, “firm performance”, “innovation performance”, “effect open innovation on firm”… Sau khi tìm kiếm, có hàng trăm bài báo được tìm thấy theo những từ khóa mà tác giả sử dụng. Tuy nhiên, do mục tiêu nghiên cứu, nên tác giả chỉ trích dẫn những bài viết có chất lượng và nhiều bài sẽ không được sử dụng trong nghiên cứu này.

Tổng quan tài liệu nghiên cứu

Đổi mới sáng tạo mở: Qua tổng quan nghiên cứu các tài liệu, có thể dễ dàng nhận thấy rằng Chesbrough và các cộng sự đã có những đóng góp đáng kể trong các nghiên cứu đến đổi mới sáng tạo mở. Theo Chesbrough (2003b), các DN đang ngày càng phải định hình lại những cách thức nền tảng trong việc tạo ra và đưa ý tưởng tới thị trường và nắm bắt những ý tưởng mới từ bên ngoài để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bên trong nội bộ tổ chức của họ. Nghiên cứu này đã hình thành một logic mới của đổi mới sáng tạo mở, mà ở đó việc tiếp thu những ý tưởng, tri thức bên ngoài được kết hợp với nguồn lực R&D nội bộ sẽ là những cách thức mới trong việc tạo ra giá trị. Những dụ ý phía sau là các DN không nên chỉ phụ thuộc vào nguồn lực của chính bản thân DN mình để đổi mới, vì các đối tác bên ngoài là nguồn quan trọng trong việc giúp DN đưa ra những ý tưởng và nguồn cảm hứng tốt hơn để thúc đẩy sự đổi mới này. Ở một nghiên cứu khác, Chesbrough (2003b) đã đề cập rằng, các DN quản lý theo cách truyền thống là những DN quản lý các hoạt động R&D của họ theo như một quy trình nội bộ, chủ yếu dựa vào năng lực và kỹ năng nội bộ của họ mà thôi. Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, cách tiếp cận về đổi mới sáng tạo theo tư duy đóng và khép kín như vậy sẽ không còn bền vững.

Ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo mở đến kết quả hoạt động của DN: Trong nghiên cứu của Chesbrough (2003a), cơ chế hoạt động của đổi mới sáng tạo mở được xem xét thông qua 3 chu trình phổ biến: chu trình 1 dòng tri thức chảy từ ngoài vào trong (inbound). Đây là phương thức để tổ chức DN hội nhập sâu vào các đối tác bên ngoài nhằm tăng cường khả năng sáng tạo của tổ chức, DN. Chu trình 2 (outbound)- cơ chế đổi mới sáng tạo từ trong ra ngoài là việc các công ty đưa những ý tưởng chưa được sử dụng và chưa tận dụng hết ra bên ngoài tổ chức. Dòng tri thức được chuyển dịch từ trong ra ngoài, cũng có thể hiểu không chỉ là ý tưởng mà còn cả công nghệ hoặc sáng chế thông qua việc bán, chuyển nhượng tài sản trí tuệ từ tổ chức DN mình cho các đối tác. Chu trình 3 (Coupled activities) là sự kết hợp cả chu trình 1 và 2 thông qua việc xây dựng các đối tác chiến lược và liên minh.

Ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo mở theo cơ chế từ ngoài vào trong: Nghiên cứu về tác động của tri thức bên ngoài lên kết quả hoạt động của DN, Moretti và Biancardi (2020) đã xác định có 3 khía cạnh chính: hiệu quả về mặt kinh tế (biểu thị bằng tổng doanh thu); hiệu quả về mặt tài chính của DN (đo bằng thị phần); và hiệu quả nguồn nhân lực (đo bởi số lượng nhân sự). Các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, tác động của sự phát triển nguồn tri thức bên trong DN và tiếp thu các luồng tri thức bên ngoài có tác động tích cực và ý nghĩa đến hiệu quả kinh tế của DN. Sisodiya và cộng sự (2013) nhận ra đổi mới sáng tạo mở theo cơ chế từ ngoài, đặc biệt là việc kết nối với các nguồn lực bên ngoài vào trong DN nhằm thúc đẩy có hiệu quả kinh doanh của các DN.

Oltra và cộng sự (2018) đã tiến hành phân tích 244 DN vừa và nhỏ ngành công nghệ ở Spanish và đã chỉ ra hiệu quả đến từ các hoạt động đổi mới sáng tạo mở, có liên quan đến sự phối kết hợp với các đối tác bên ngoài vào các hoạt động R&D nội bộ sẽ làm tăng sự ảnh hưởng lên hiệu quả hoạt động của DN. Phân tích ảnh hưởng của việc thu nhận tri thức và sự khai thác công nghệ bên ngoài lên hiệu quả hoạt động của các DN, Hung và Chou (2013) đã tập trung nghiên cứu vào 176 DN sản xuất công nghệ cao ở Đài Loan. Các tác giả đã khẳng định rằng việc thu nhận các công nghệ từ bên ngoài có tác động tích cực lên hiệu quả hoạt động của các DN.

Phân tích về mối quan hệ giữa quản trị tri thức khách hàng đến đổi mới sáng tạo mở và hiệu quả của DN, Wen và cộng sự (2020) đã chỉ ra rằng, quản trị tri thức khách hàng có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của các DN và xác định có 3 yếu tố cấu thành chính trong quy trình về đổi mới sáng tạo mở gồm: thu nhận nguồn lực; sự tích hợp nguồn lực và cơ chế tác động qua lại. Từ nghiên cứu của các học giả trước đó, có thể rút ra giả thuyết sau:

H1: Đổi mới sáng tạo mở theo cơ chế từ ngoài vào trong có tác động tích cực lên kết quả hoạt động của DN.

Ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo theo cơ chế từ trong ra ngoài: Lichtenthaler (2015) đã khẳng định, đổi mới sáng tạo mở theo hướng đổi mới từ trong ra ngoài có thể tác động tích cực và cả những tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động của DN bởi những lợi ích và các mối đe dọa từ việc chuyển giao công nghệ ra bên ngoài cho các đối tác. Việc quản trị các hoạt động đổi mới sáng tạo mở theo hướng tiếp cận từ trong ra ngoài nếu muốn thực hiện có hiệu quả thì nhà quản trị cần phải quản lý tốt các yếu tố nội bộ DN, xem xét các yếu tố năng lực biến đổi và các yếu tố môi trường bên ngoài để tránh những rủi ro tiềm ẩn. Helm R (2019) lưu ý rằng, việc thương mại hóa công nghệ ra bên ngoài đôi khi có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của một DN do tiết lộ tri thức nội bộ ra bên ngoài hoặc khai thác không hiệu quả các nguồn lực R& D nội bộ của mình. Những yếu tố này có thể gây tác động tiêu cực lên hiệu quả hoạt động của các DN.

Choi (2019) khẳng định, đổi mới sáng tạo theo định hướng sử dụng các nguồn tri thức từ ngoài vào trong có ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động của DN. Mặt khác, các định hướng đổi mới sáng tạo theo cơ chế định hướng mang tri thức ra bên ngoài, có ảnh hưởng tích cực lên kết quả của đổi mới sáng tạo ở các DN lớn và không có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào lên hiệu quả đổi mới sáng tạo của các DN vừa và nhỏ.

Trong khi đó, Ahn và cộng sự (2016) khẳng định vai trò của các nhà quản trị trong việc áp dụng và thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo mở. Các tác giả đã tiến hành so sánh các cấp độ về tính mở ở các DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau để xác định những hành vi giống và khác nhau trong việc tiếp cận đổi mới sáng tạo mở của các DN này. Kết quả khảo sát thu được từ các DN Hàn Quốc đã chỉ ra mối quan hệ quan trọng giữa tính mở, khả năng áp dụng đổi mới sáng tạo mở và kết quả hoạt động của DN. Các tác giả cũng tiết lộ rằng việc các DN áp dụng đổi mới sáng tạo mở theo cơ chế từ trong ra ngoài tức là liên quan đến khả năng của DN đó trong việc chuyển giao tri thức và công nghệ ra bên ngoài, cần phải được duy trì mạnh mẽ bởi năng lực quản trị tri thức của DN, nếu không DN sẽ gặp phải nhiều thách thức. Giả thuyết H2 được rút ra như sau:

H2: Đổi mới sáng tạo mở theo cơ chế từ trong ra ngoài có tác động tích cực lên kết quả hoạt động kinh doanh của các DN.

Ảnh hưởng của cơ chế đổi mới sáng tạo mở hỗn hợp lên kết quả hoạt động của doanh nghiệp: Vargas và cộng sự (2022) đã nghiên cứu dữ liệu từ 145 công ty nhỏ ở Colombia. Nghiên cứu này xem xét tác động của việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông đối với năng lực hấp thụ và đổi mới sáng tạo mở. Kết quả cho thấy, việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông có ảnh hưởng tích cực lên năng lực hấp thụ và đổi mới sáng tạo mở. Ngoài ra, năng lực hấp thụ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết sự ảnh hưởng lên mối quan hệ giữa áp dụng CNTT và truyền thông và đổi mới sáng tạo mở. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy đổi mới sáng tạo mở có tác động tích cực và mạnh mẽ lên hiệu quả hoạt động của các DN. Trong nghiên cứu của Hung & Chou (2013), các tác giả đã thực hiện khám phá những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của cả hai cơ chế đổi mới sáng tạo mở (inbound và outbound) đến kết quả hoạt động của DN. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng sử dụng thêm biến điều tiết là các yếu tố nghiên cứu và phát triển R&D nội bộ của DN và sự tác động của yếu tố môi trường đầy biến động. Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát trên 176 DN trong ngành công nghệ cao của Đài Loan. Kết quả cho thấy, việc áp dụng cơ chế đổi mới sáng tạo mở theo hướng từ ngoài vào có ảnh hưởng tích cực đến kết quả hoạt động của các DN, trong khi việc áp dụng cơ chế đổi mới sáng tạo mở theo hướng từ trong ra thì không.

Oltra và cộng sự (2018), đã tiến hành phân tích 244 DN vừa và nhỏ ngành công nghệ đã chỉ ra hiệu quả đến từ các hoạt động đổi mới sáng tạo mở, có liên quan đến sự phối kết hợp với các đối tác trong một môi trường thực hiện các dự án R&D, có thể khuyến khích và làm tăng sự ảnh hưởng lên kết quả hoạt động của DN. Với cơ chế hoạt động của đổi mới sáng tạo mở theo cách kết hợp cả 2 quy trình từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong, với sự tham gia của các liên minh, đối tác vào mạng lưới đổi mới sáng tạo của DN, kết quả nghiên cứu cũng được chứng minh hiệu quả của đổi mới sáng tạo mở có một tác động rất lớn đến kết quả hoạt động của các DN.

Rass và cộng sự (2013) nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc triển khai các công cụ đổi mới sáng tạo mở và kết quả đạt được, đồng thời nghiên cứu cũng đặt ra giả thuyết về mối quan hệ tích cực giữa vốn xã hội và kết quả đạt được trong DN. Kết quả cho thấy vốn xã hội của DN đóng vai trò là một biến điều tiết tích cực, có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của các DN trong quá trình thực hiện các hoạt động thực hành áp dụng đổi mới sáng tạo mở. Từ những tổng quan các công trình nghiên cứu trên đây, giả thuyết sau được rút ra:

H3: Đổi mới sáng tạo mở theo cơ chế hỗn hợp có tác động tích cực lên kết quả hoạt động của DN.

Thảo luận và khuyến nghị

Từ các phân tích khái quát ở trên, có thể kết luận rằng, nhìn chung, đổi mới sáng tạo mở có ảnh hưởng tích cực lên hiệu quả hoạt động của các DN. Đối với khía cạnh đổi mới sáng tạo từ ngoài vào trong, đây là những định hướng đổi mới rất quan trọng đối với các DN có khả năng tinh chỉnh năng lực của mình để quản lý các mối quan hệ với các đối tác bên ngoài nhằm từ đó có được công nghệ mới hoặc xác định được một kế hoạch chiến lược nhằm tích hợp được kiến thức nội bộ với những gì DN hiện có để tránh việc hoạt động kém hiệu quả.

Đối với đổi mới sáng tạo mở theo cơ chế từ trong ra ngoài, để đạt được những lợi ích và hiệu quả tốt nhất, các DN cần phải nghiêm túc xem xét năng lực chuyển giao và triển khai các chiến lược sở hữu trí tuệ có hiệu quả nhằm tránh những rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ việc chuyển giao công nghệ ra bên ngoài.

Về cơ chế đổi mới sáng tạo mở hỗn hợp, các DN có thể hưởng lợi, không chỉ bằng cách mua lại tri thức và công nghệ từ bên ngoài vào, mà còn hưởng nhiều lợi ích khác trên cơ sở hợp tác cùng nhau. Những sự hợp tác như vậy có thể thúc đẩy việc trao đổi tri thức và làm tăng hiệu quả của ứng dụng công nghệ. Hơn nữa, sự phát triển của đồng sáng tạo giữa các đối tác khác nhau cũng sẽ giúp tận dụng được tối đa khả năng, nhằm gia tăng lợi nhuận cho tất cả các đối tác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc duy trì nhiều sự hợp tác sẽ kéo theo việc gia tăng các chi phí phát sinh và đòi hỏi chi phí để hỗ trợ cho các hoạt động phối hợp, do đó có thể làm giảm hiệu quả của đổi mới. Do vậy, một DN có ý định áp dụng đổi mới sáng tạo mở cần phải xem xét tính đến những rủi ro bắt nguồn từ sự cởi mở đối với tri thức và công nghệ bên ngoài, xem xét những chi phí mà DN có thể phải gánh chịu không chỉ để khai thác các công nghệ sắp tới mà còn để tự bảo vệ mình khỏi những mối đe dọa.

Mặc dù các bài báo khác nhau đã khẳng định đổi mới sáng tạo mở như là một quá trình có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, nhưng tác giả cho rằng vẫn cần phải có thêm nhiều nghiên cứu tốt hơn để xác định mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo mở và hiệu quả hoạt động của DN. Các hướng nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét và kiểm chứng thêm sự tác động của một số biến số trong các mô hình nghiên cứu với vai trò biến trung gian hoặc điều tiết như: các yếu tố quản trị sở hữu trí tuệ (management of intellectual property); năng lực hấp thụ công nghệ của các DN; tổng ngân sách dành cho các hoạt động R&D; mức độ cởi mở và thái độ đối với sự thay đổi; việc sử dụng tri thức thu được; thái độ ứng phó với rủi ro nếu trong trường hợp thất bại; hệ thống quản trị để giám sát và quản lý các ý tưởng mới; tố chất của nhà quản trị… Một chủ đề khác cũng đáng để khám phá là quá trình chuyển đổi từ đổi mới sáng tạo đóng sang đổi mới sáng tạo mở theo thời gian ở các DN.

Theo Tạp chí Tài chính

Tài liệu tham khảo:

  1. Ahn JM, Ju Y, Moon TH, et al. (2016), Beyond absorptive capacity in open innovation process: the relationships between openness, capacities and firm performance. Technol Anal Strateg Manag;
  2. Chesbrough H. (2003a), The logic of OI: managing intellectual property”, California Management Review; 3 (4): 33-58.;
  3. Chesbrough. H. (2003b), Open innovation: The new imperative for Creating and Profiting from Technology. Harvard Business School Press, Cambridge;
  4. Choi B. (2019), The role of firm size and IT capabilities in open and closed innovation. Asia Pacific J Info Sys; 29(4): 690–716;
  5. Helm R, Endres H and Hu¨sig S. (2019), When and how often to externally commercialize technologies? A critical review of outbound open innovation. Rev Manag Sci; 13(2): 327–345;
  6. Hung K and Chou C. (2013), The impact of open innovation on firm performance: the moderating effects of internal R&D and environmental turbulence. Technovation; 33: 368–380;
  7. Lichtenthaler U. (2015), A note on outbound open innovation and firm performance. R&D Manag; 45(5): 606–608;
  8. Lu.Q and Chesbrough.H (2022), Measuring open innovation practices through topic modelling: Revisiting their impact on firm financial performance.Technovation.Volume 114.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang