Tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng với Bộ TTTT

author 16:55 05/08/2022

(VietQ.vn) - Ngày 5/8, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn đo lường chất lượng năm 2023.

Tham dự buổi làm việc, về phía Tổng cục TCĐLCL có ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục. Về phía Bộ TTTT có ông Lê Xuân Công – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ TTTT.

Tại buổi làm việc, ông Lê Xuân Công - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TTTT đã trình bày về kết quả triển khai các kế hoạch tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, kế hoạch TCVN năm 2021 (thực hiện từ 2021, kết thúc 2022) bao gồm 05 TCVN đã được hoàn thành. 

Các TCVN công bố năm 2022 gồm: Công nghệ thông tin – Các kỹ thuật an toàn – Hồ sơ bảo vệ cho phần mềm ứng dụng (TCVN 13468:2022); Công nghệ thông tin - Các kỹ thuật an toàn - Hướng dẫn bảo đảm an toàn máy chủ web (TCVN 13466:2022); Công nghệ thông tin - Các kỹ thuật an toàn - Hướng dẫn bảo đảm an toàn máy chủ (TCVN 13465:2022); Công nghệ thông tin - Các kỹ thuật an toàn - Hướng dẫn kỹ thuật quản lý bản vá trong tổ chức (TCVN 13467:2022); Công nghệ thông tin - Các kỹ thuật an toàn - Lựa chọn, triển khai và vận hành hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập (TCVN 13464:2022 ISO/IEC 27039:2015).

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Tiếp đó, Bộ TTTT đang triển khai dự thảo theo quy trình về kế hoạch TCVN năm 2022 (thực hiện từ năm 2022, kết thúc 2023) bao gồm 13 TCVN. Tổng cộng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 Bộ TTTT đã đề nghị công bố 09 TCVN, bao gồm 08 TCVN về an toàn thông tin, 01 về trung tâm dữ liệu.

Các tiêu chuẩn an toàn thông tin là tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật quản lý an toàn hệ thống thông tin và đánh giá an toàn thông tin của sản phẩm. TCVN 9250:2021 Trung tâm dữ liệu – Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông là tiêu chuẩn hạ tầng viễn thông tiên tiến của trung tâm dữ liệu, Bộ TTTT đang xem xét, viện dẫn quy định áp dụng. Các TCVN còn lại trong kế hoạch TCVN năm 2021 dự kiến sẽ hoàn thành, đề nghị Tổng cục TCĐLCL thẩm định và công bố trong năm 2022.

Cũng theo ông Công, Bộ TTTT đã tổ chức rà soát TCVN trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do Bộ đề nghị công bố và nhận thấy một số TCVN không cón được sử dụng thực tế (như TCVN 8069:2009 về dịch vụ điện thoại trên mạng vô tuyến nội thị công cộng PHS, TCVN 8069:2009 về thiết bị điện thoại thẻ…) và dự kiến có văn bản đề nghị Bộ KHCN bãi bỏ. Trong kế hoạch xây dựng QCVN 2021, Bộ TTTT đã ban hành kế hoạch xây dựng QCVN năm 2021 bao gồm 08 QCVN. Bộ đã hoàn thành ban hành 08 QCVN (100% kế hoạch). 

Các QCVN ban hành đã có hiệu lực, phục vụ quản lý an toàn đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (an toàn phổ tần số, tương thích điện từ, an toàn điện), đặc biệt một số QCVN cho sản phẩm, hàng hóa mới như thiết bị đầu cuối thông tin di động 5G, thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G, thiết bị vô tuyến cự ly ngắn băng tần 40 đến 246 GHz, thiết bị ra đa hoạt động trong băng tần 76 GHz-77 GHz dùng cho phương tiện vận tải mặt đất, QCVN về an toàn điện cho thiết bị đầu cuối kết nối mạng viễn thông và công nghệ thông tin… qua đó tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn SPHH có khả năng gây mất an toàn. 

Năm 2022, Bộ TTTT đã ban hành kế hoạch xây dựng QCVN năm 2022 gồm 08 QCVN. Hiện Bộ TTTT đã ban hành 01 QCVN trong kế hoạch, các QCVN còn lại dự kiến hoàn thành, ban hành trong năm 2022. QCVN xây dựng tập trung vào an toàn cho thiết bị thông tin vô tuyến (phổ tần số, tương thích điện từ, an toàn điện) và sửa đổi một số QCVN về chất lượng dịch vụ viễn thông… Ngoài ra, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BTTTT ngày 13/12/2021 bãi bỏ hiệu lực đối với 08 QCVN không còn phù hợp (công nghệ cũ hoặc thực tế không còn sử dụng).

Liên quan đến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001, ông Công cho hay, thời gian qua, Bộ TTTT tiếp tục duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng tại các đơn vị thuộc Bộ, gồm 10 cơ quan, đơn vị thuộc nhóm bắt buộc áp dụng (có thủ tục hành chính) và 12 đơn vị thuộc nhóm khuyến khích (không có thủ tục hành chính) xây dựng hệ thống; trong đó 19 cơ quan, đơn vị đã tiến hành công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg.

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động trong công tác chuyển đổi số hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015: ban hành Quyết định số 1409/QĐ-BTTTT ngày 13/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt kế hoạch tổng thể chuyển đổi số hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2021-2022, Quyết định số 965/QĐ-BTTTT ngày 09/7/2021 ban hành kế hoạch chuyển đổi số hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 khối cơ quan Bộ) và hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ tích cực tiến hành chuyển đổi số hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 của đơn vị mình...

Ông Lê Xuân Công – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TTTT. 

Năm 2022 ban hành kế hoạch kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022 (Quyết định số 1059/QĐ-BTTTT ngày 10/6/2022) và sẽ tiến hành kiểm tra tại trụ sở 20 đơn vị thuộc Bộ theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 26/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong năm 2021 (tháng 12/2021) đã tổ chức hội nghị tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng, áp dụng TCVN ISO 9001:2015 tại Bộ TTTT năm 2021 (hình thức tập trung và trực tuyến tại 3 điểm cầu) với chuyên đề “Nâng cao năng lực áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng” trong đó tập trung ba nội dung: Kỹ năng đánh giá nội bộ, kỹ năng quản trị rủi ro và kỹ năng cải tiến hệ thống quản lý chất lượng.

Về hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận) tiếp tục được mở rộng và xã hội hóa. Trong năm 2021, Bộ TTTT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và quyết định chỉ định cho 9 lượt tổ chức đánh giá sự phù hợp (đến nay tổng cộng có 29). Hiện có 01 tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định (Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông thuộc Cục Viễn thông). Từ năm 2021 đến nay đã cấp 2587 giấy chứng nhận hợp quy theo Phương thức 1; 06 giấy chứng nhận theo Phương thức 5; 129 giấy chứng nhận theo Phương thức 7; thu hồi 06 giấy chứng nhận hợp quy.

Hoạt động thử nghiệm bao gồm: Các phòng thử nghiệm trong nước được chỉ định và phòng thử nghiệm nước ngoài được thừa nhận. Tổng số phòng thử nghiệm trong nước được chỉ định hiện nay là 29 (các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin); tổng số phòng thử nghiệm nước ngoài được thừa nhận (lĩnh vực viễn thông) là 75, trong đó Hoa Kỳ: 48 phòng, Hàn Quốc: 20 phòng; Canada: 05 phòng; Singapore: 02 phòng).

Việc kiểm tra, giám sát các tổ chức đánh giá sự phù hợp lĩnh vực thông tin và truyền thông được thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP. Theo đó, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định báo cáo tình hình hoạt động định kỳ và Bộ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đánh giá giám sát các tổ chức đânh giá sự phù hợp được chỉ định ít nhất 1 lần trong khoảng thời gian được chỉ định (3 năm). Năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên việc đánh giá giám sát được thực hiện qua phương tiện thông tin và báo cáo qua mạng.

Về hoạt động quản lý chất lượng, công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 được giao cho Cục Viễn thông triển khai. Trong năm 2021 đã thực hiện kiểm tra 21.475 lô hàng hóa nhập khẩu của 470 cơ sở (chưa có số liệu 6 tháng đầu năm 2022). Từ năm 2021 đến nay đã cấp 126 thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy đối với sản phẩm sản xuất trong nước…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL đánh giá cao kết quả hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của Bộ TTTT trong thời gian qua. Phó Tổng cục trưởng hy vọng hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

 Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL tặng sách về TCĐLCL cho đại diện Bộ TTTT. 

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Bộ TTTT đề nghị Bộ KH&CN chủ trì, sớm rà soát, hoàn chỉnh hành lang pháp lý về TCĐLCL, trong đó có việc rà soát, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các Nghị định của Chính phủ để cho phép nhanh chóng, hiệu quả hơn trong công tác xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; quản lý chất lượng SPHH, kiểm tra chuyên ngành chất lượng SPHH, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Hiện, Bộ TTTT đang chủ trì xây dựng, trình Chính phủ một số chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm tăng cường quản lý và thúc đẩy một số lĩnh vực mới như giao dịch điện tử, an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, do đó trong thời gian tới sẽ xác định nhiều đối tượng tiêu chuẩn hóa mới và đặt ra những bài toán quản lý về hạ tầng số… Bộ TTTT cũng đề nghị Bộ KHCN phối hợp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong các lĩnh vực này.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang