Tên nước 'Đại Ngu' có nghĩa là gì?

author 06:25 08/04/2017

(VietQ.vn) - Năm 1400, sau khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền, Quốc hiệu Đại Việt của dân tộc Việt đã được đổi thành Đại Ngu.

Hồ Quý Ly (1336 – 1407) là người tài giỏi, học thức. Theo Kiến thức, từ tháng 3 năm 1400, sau khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền, Quốc hiệu Đại Việt của dân tộc Việt đã được đổi thành Đại Ngu. 

Chữ “Ngu” trong quốc hiệu “Đại Ngu” của nhà Hồ có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình". “Đại Ngu” có thể hiểu là ước vọng về một sự bình yên rộng lớn trên khắp cõi giang sơn.

Lịch sử đã ghi nhận những nỗ lực to lớn của nhà Hồ để hiện thực hóa mong muốn này.

ten-nuoc-dai-ngu-co-nghia-la-gi

Hồ Quý Ly (1336 – 1407). Ảnh minh họa 

Xuất thân là một quý tộc Trần thuộc dòng ngoại thích có quyền lực và có tham vọng lớn, lại là người có tư tưởng cách tân, thấy được vận nước đã suy, Hồ Quý Ly đứng ra đảm nhận sứ mạng thay đổi tình thế. Chính vì vậy vừa bước chân vào trường chính trị, ông đã chú ý ngay đến việc cải cách quốc gia trên mọi phương diện. Gần 30 năm tham gia triều chính dưới triều Trần và 7 năm đứng đầu đất nước, ông đã tìm mọi biện pháp nhằm xây dựng lực lượng, bảo vệ vương quyền và chấn hưng quốc gia. Có thấy hết tình trạng đất nước đầy khó khăn hồi cuối thế kỷ XIV, có xem hết thực chất những chương trình cải cách của họ Hồ kể từ năm 1374, thì mới hiểu hết những nỗ lực chính đáng của Hồ Quý Ly đã cố gắng rất nhiều và rất có thiện chí đưa đất nước đến chỗ hùng mạnh để củng cố quyền lực, chống thù trong, giặc ngoài.*

Hồ Quý Ly đã thực hiện những cải cách thiết chế chính trị xã hội và hệ tư tưởng phong kiến với các biện pháp cụ thể như: Phát triển đội ngũ quan lại phong kiến quan liêu thay thế dần phong kiến quý tộc, giảm thiểu việc phát triển chùa chiền, không biệt đãi và đưa nhiều tôn thất họ Hồ vào bộ máy nhà nước nhằm đề cao tác dụng và trách nhiệm của hệ thống phong kiến quan liêu.

Trên bình diện kinh tế - xã hội, Hồ Quý Ly cũng đưa ra nhiều biệp pháp cải tổ. Năm 1379, ông ban hành chính sách “hạn điền” nhằm hạn chế chiếm hữu lớn về đất đai của quý tộc phong kiến. Thực hiện chính sách “hạn nô”. Tổ chức cứu đói và chữa bệnh cho dân.

Về văn hóa, giáo dục, Hồ Quý Lý khuyến khích việc sử dụng chữ Nôm, đề cao lối học thực dụng, phê phán những người chỉ biết tầm chương trích cú, học rộng nhưng viển vông. Việc thi cử cũng được cải tiến nhằm kém chọn nhiều người tài hơn.

Trên bình diện quân sự quốc phòng, Hồ Quý Ly cho chế tạo súng mới, bố trí phòng thủ nơi hiểm yếu, xây dựng thành kiên cố. Nhà Hồ rất chú trọng đến việc bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Hồ Quý Ly là một con người yêu nước, tiến bộ và tài giỏi. Ông thực hiện những cải cách với những quyết tâm cao, tài năng xuất chúng và một bản lĩnh phi thường. Tuy nhiên với những hạn chế trong cải cách đã làm ông thất bại.

Hào quang Đại Ngu đã vụt tắt chỉ sau 7 năm ngắn ngủi. Trước cuộc xâm lược của nhà Minh, nhà Hồ đã sụp đổ vào tháng 4/1407. Sự tồn tại của quốc hiệu Đại Ngu cũng vĩnh viễn chấm dứt từ thời điểm đó.

Bài học lớn nhất dẫn đến thất bại của Hồ Quý Ly chính là đánh mất sự yên bình trong lòng dân.

ten-nuoc-dai-ngu-co-nghia-la-gi

Di tích lịch sử Thành nhà Hồ. Ảnh st 

Dưới quốc hiệu Đại Ngu, người Việt cũng được chứng kiến những thành tựu to lớn về khoa học - kỹ thuật như việc phát minh ra súng thần cơ, thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng), những hệ thống thủy lợi quy củ, các công trình kiến trúc hoành tráng…

Thành nhà Hồ là một di sản quý giá mà Hồ Quý Ly để lại cho người Việt ngày nay. Công trình độc đáo này đã thể hiện bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Việc sử dụng kỹ thuật xây dựng bằng những khối đá lớn là thành tựu chưa từng có ở Việt Nam, chứng minh quyết tâm của nhà Hồ trong công cuộc xây dựng đất nước.

*Theo Hoàng Phương, Nhìn lại những cải cách quân sự của Hồ Quý Ly, tạp chí nghiên cứu lịch sử, Viên khoa học xã hội Việt Nam Viện sử học, số 5, năm 1992. Trang 56.

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang