Thành phố đang hồi sinh!

author 06:42 31/01/2022

(VietQ.vn) - Những tháng ngày thành phố bị bệnh, tôi chỉ muốn rời thành phố để về quê. Nhưng cũng giây phút quyết định rời đi tôi lại phân vân, khi thành phố phồn hoa ôm tôi vào lòng, cho tôi mọi thứ thì tôi hân hoan, còn khi thành phố khó khăn, u ám tôi lại rời bỏ, liệu có xứng đáng với những cưu mang? Thế rồi, vượt lên nỗi lo sẽ bị F0, tôi đã dũng cảm ở lại, cùng thành phố chiến đấu và tôi tin, thành phố của tôi đang hồi sinh.

Sau bão giông, thành phố sẽ hồi sinh, những tiếng rao vẫn mãi văng vẳng và nhịp sống thường ngày trở lại.

Tôi cùng ba mẹ rời quê ở Bạc Liêu lên thành phố Hồ Chí Minh sinh sống cách đây hơn chục năm. Ba mẹ tôi mở một tiệm bún mắm tại Quận 7, còn tôi vừa đi học vừa đi làm. Hơn mười năm sống ở thành phố, nhiều lúc vui, buồn và trải qua những khó khăn vất vả.

Thế nhưng những khi mỏi mệt nhất, chỉ cần nghe những tiếng rao của thành phố tôi đang sống “hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào đây”, hay những tiếng gõ lách ca lách cách của tiệm hủ tiếu đêm đầu các con hẻm cũng khiến tôi thấy cuộc sống vẫn còn nhiều thanh âm cho tôi mạnh mẽ. Bởi bên ngoài kia, nhiều người như tôi cũng đang bám trụ thành phố. Thành phố đã cho tôi giây phút vui, cho tôi lúc trầm mặc để tôi trưởng thành hơn mỗi ngày. Tự thấy, thành phố như một người mẹ lớn vĩ đại ấp ôm, bao bọc những đứa con, những cuộc đời.

Hơn mười năm sinh sống ở thành phố, làm biết bao nhiêu công việc khác nhau: từ những công việc làm thêm chân tay kiếm sống đến công việc văn phòng và giờ là một chuyên viên bất động sản, với tôi, Sài Gòn bao giờ cũng là một đô thị náo nhiệt và hoa lệ.

Trong đầu luôn nghĩ rằng, Sài Gòn sẽ không bao giờ trầm lắng như Huế hay vắng vẻ, yên tĩnh như các thành phố trực thuộc ở tỉnh mà tôi từng đi qua. Bởi Sài Gòn cùng với Hà Nội là hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Là nơi cưu mang không chỉ tôi mà biết bao nhiêu người con từ khắp mọi miền. Thậm chí tôi tin rằng, với nhiều người trong đó có tôi, Sài Gòn chính là quê hương thứ hai của mình.

Sau bão giông, thành phố sẽ hồi sinh, những tiếng rao vẫn mãi văng vẳng và nhịp sống thường ngày trở lại.

 Sau bão giông, thành phố sẽ hồi sinh, những tiếng rao vẫn mãi văng vẳng và nhịp sống thường ngày trở lại.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, Sài Gòn đã cùng cả nước vượt qua những khó khăn. Với sự đồng lòng chống dịch và các quyết sách của Chính phủ, chúng ta đã chiến thắng, trở thành một trong những nước chống dịch tốt nhất lúc bấy giờ.

Tôi vẫn ngạo nghễ nói với một vài người bạn rằng, một con vi rút nhỏ bé sẽ không thể làm gì được thành phố nơi tôi sống, tôi mến yêu. Và nhịp sống rộn ràng của Sài Gòn sẽ không bao giờ ngưng đọng, vẫn cứ thế mà nhộn nhịp mà náo nhiệt như người ta vẫn hay gọi: mảnh đất phồn hoa.

Thế nhưng, từ tháng 6/2021, biến thể Delta đã khiến cho thành phố nơi tôi sống rơi vào khủng hoảng và trở thành tâm dịch. Chỉ từ một ổ dịch mất kiểm soát và có chu kỳ lây lan âm ỉ nhiều tầng, thành phố đã phải áp dụng lệnh giãn cách trong một thời gian dài. Hơn mười năm sống tại Sài Gòn, chưa bao giờ tôi thấy thành phố lại trầm lắng đến vậy.

Thay vì những âm thanh đô thị, thay vì những tiếng rao, những tiếng leng keng, sột soạt thường nhật, trong suốt một khoảng thời gian dài, bao trùm lên cả thành phố là tiếng còi, tiếng hú xe cứu thương, là tiếng loa phát thanh thông báo tìm người đến địa điểm, mời gọi đi xét nghiệm... Dọc khắp các con đường, con hẻm là sợi dây chất lượng hội nhập trắng-đỏ căng ngang, người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà.

Chưa khi nào mà người dân trong con hẻm tôi sinh sống lại chờ mong nhận được hàng cứu trợ đến vậy. Cũng chưa bao giờ tôi lo lắng mình sẽ trở thành F0 đến thế. Rồi trong cơn lo lắng, những người đồng hương của tôi đã rủ nhau cùng chạy về quê bằng bất cứ phương tiện gì, kể cả phải đi bộ nhiều ngày.

Và tôi cũng nao núng, bởi dịch bệnh căng thẳng đã bắt đầu cướp đi sinh mạng của những người xấu số. Tôi lo lắng cho chính tôi và lo lắng cho ba mẹ. Vì ba mẹ đã có tuổi. Thế rồi, tôi cũng thu xếp nhờ họ hàng đưa ba mẹ về quê- về Bạc Liêu, còn tôi ở lại Sài Gòn để giải quyết nốt những công chuyện dang dở.

Mỗi ngày, trên bản tin thời sự 19 giờ tối, số ca nhiễm của Sài Gòn liên tục tăng cao và kỷ lục được tính bằng các con số. Khi ấy, gương mặt lo lắng hiện lên hết thảy mọi người, chỉ đám trẻ con là ngơ ngác. Bởi chúng vẫn chưa thể hiểu nổi tại sao lại phải ở nhà, không được đến trường, không được ra ngoài kia nô đùa với chúng bạn. Rồi chúng ngơ ngác cả việc Ngoại đang ở với chúng bỗng nhiên một chiều lên chiếc xe cứu thương và cứ mất hút theo tiếng còi hú vang. Có những đứa, đó là lần cuối được nhìn thấy người thân.

Hôm đó, sau khi kết thúc công việc buổi sáng, trở về con hẻm của mình trong những cung đường vắng lặng, lúc này quân đội đã vào cuộc để kiểm soát và hạn chế người đi đường. Chỉ những ai có giấy đi lại như tôi mới được di chuyển từ nơi ở đến chỗ làm.

Trên đường từ cơ quan về nhà, nước mắt tôi ừng ực. Tôi vừa thương vừa sợ thành phố mình đang sống. Sợ cái đìu hiu vây quanh chỉ toàn tiếng còi cứu thương hú vang, sợ cả những rào chắn và sợi dây chăng, sợ thành phố sẽ cứ như vậy không thể khỏi bệnh. Và sợ cả nếu cứ ở lại, một ngày nào đó tôi sẽ thành F0, sẽ lại là nỗi lo cho ba mẹ nơi quê nhà.

Tôi tức tốc về nhà trong hẻm, thu dọn đồ với ý nghĩ tối nay sẽ rời thành phố. Với tôi, đây là một cuộc trốn chạy. Trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ, phải rời khỏi thành phố càng nhanh càng tốt, kể cả phải thôi công việc đang làm. Bởi, sự bình an của tôi chính là sự an yên của ba mẹ.

Nhưng, khi vừa khoác ba lô lên vai chạy xe ra đầu hẻm, thấy những thanh niên khỏe mạnh như mình trong vai trò tình nguyện viên đi phân phát những túi thực phẩm cho bà con nhân dân, tôi lại ứa nước mắt. Trong đầu tôi hiện lên những dòng suy nghĩ đan xen: Tại sao tôi lại trốn chạy, tại sao tôi lại rời bỏ khi thành phố bị bệnh. Tôi sẽ phải ở lại đây để cùng thành phố chiến đấu. Tôi không thể rời bỏ thành phố lúc này.

Tôi quay xe, trở về căn nhà của mình, lên mạng tìm hiểu thông tin về biến thể Delta và nhận thấy nó cũng không đáng sợ như mọi người nghĩ. Dù có bị bệnh, với sức vóc thanh niên và không có bệnh nền, cùng với việc đã được tiêm vaccine, tôi sẽ không rơi vào nguy hiểm nếu là F0. Rồi trên bản tin thời sự là hình ảnh của đội ngũ tuyến đầu, lực lượng ngày đêm không quản vất vả đang chiến đấu với dịch bệnh giành lại mạng sống cho những người trở nặng trong bộ bảo hộ giữa tiết trời Sài Gòn nóng nực.

Ngay lúc đó, tôi đã đăng ký tham gia một nhóm thanh niên tình nguyện đi vận chuyển lương thực, thực phẩm giúp đỡ bà con. Tôi nghĩ, chỉ cần tuân thủ đúng khuyến cáo của Bộ Y tế về việc thực hiện 5K là mình sẽ an toàn. Để ba mẹ yên tâm, tôi nói dối rằng, sẽ không ra ngoài và chỉ ở yên trong nhà.

Những tháng ngày đi hỗ trợ các đội ngũ phục vụ chống dịch, tôi mới thấy vì sao có ngày Chiến thắng 30/4 lịch sử. Bởi vì những người anh hùng họ không bao giờ run sợ trước kẻ thù. Tôi càng thấy khẩu hiệu mà Thủ tướng đưa ra thật đúng đắn: Chống dịch như chống giặc.

Và thành phố của tôi sau nhiều tháng chiến đấu với dịch bệnh đã bắt đầu hồi sinh. Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng, linh hoạt trong tình hình mới chính là quyết sách đúng đắn nhất để Sài Gòn của tôi trở lại trạng thái bình thường mới. Chống dịch như chống giặc tất nhiên sẽ phải có mất mát, hy sinh nhưng những người ở lại thành phố như tôi sẽ không còn sợ hãi. Bởi những khi thành phố khó khăn nhất, tôi tự hào vì mình đã bên cạnh và cùng chiến đấu.

Giờ đây, trên khắp các con hẻm, nhịp sống đang dần trở lại. Những tiếng rao thân thương lặp lại mỗi ngày. Xuân mới Nhâm Dần đang về và Thành phố những ngày này được trang hoàng lộng lẫy.

Năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ đua sắc, bầu trời Sài Gòn pháo bông nổ vang trời. Và mùa xuân đã về trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh. 

Nguyễn Vũ Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang