Bác sĩ cảnh báo: Thịt lợn ốm, lợn chết được nấu chín kỹ vẫn có thể khiến người dùng nguy kịch

author 16:36 25/06/2024

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, đối với thịt lợn mắc bệnh, lợn chết dù được nấu chín kỹ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Thực tế đã có không ít trường hợp nguy kịch do ăn phải loại lợn này.

Trước đó Bệnh viện nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một người đàn ông 62 tuổi, chế biến và ăn thịt lợn ốm, sau đó sốt cao, rét run, suy đa tạng, được chẩn đoán nhiễm liên cầu lợn. 

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, các triệu chứng xuất hiện một tuần, ông tự điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm. Hai ngày trước vào viện, bệnh nhân đi ngoài phân đen kèm nổ ban xuất huyết, hoại tử toàn thân, co giật, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi liên cầu lợn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cũng vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bệnh nhân H.V.H (55 tuổi, trú tại huyện Văn Bàn) bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và nguy cơ tử vong cao sau khi ăn phải thịt lợn chết.

Người nhà cho biết, bệnh nhân đã ăn một lượng nhỏ thịt lợn chết được nuôi tại nhà và đã nấu chín. Khoảng 6 giờ sau khi ăn, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng nôn nhiều, tiêu chảy liên tục, hoa mắt và chóng mặt. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn với chẩn đoán ban đầu là sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc thức ăn. Sau khi được xử lý ban đầu bằng cách truyền dịch vận mạch, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Người dân không nên ăn thịt lợn mắc bệnh, thịt lợn chết vì nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa

Qua khám và theo dõi, bệnh nhân trong tình trạng tỉnh, mệt mỏi, khó thở, da tái lạnh, mắt trũng, khát nước và tim đập nhanh. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốc nhiễm khuẩn do đường vào tiêu hóa, rối loạn cân bằng nước điện giải và thăng bằng kiềm toan, suy hô hấp không phân loại, tiêu chảy, rối loạn chức năng, nhiễm trùng huyết không xác định, hẹp van ba lá và nhiễm độc thức ăn do độc tố của vi khuẩn xác định khác.

Không chỉ ăn mới gây hại thậm chí chỉ cần tiếp xúc với lợn mắc bệnh cũng có nguy cơ tới tính mạng. Cụ thể, mới đây một người đàn ông 57 tuổi (trú tại Yên Bái) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.

Theo con trai của bệnh nhân, hằng ngày ông và một người khác mổ lợn để bán. Sau khi đi làm về nhà, bệnh nhân bị sốt nhẹ, tăng huyết áp, sau đó lại tụt, vài giờ sau toàn thân phát ban. Gia đình đưa ông đến bệnh viện huyện rồi chuyển lên tỉnh và tuyến trên.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi liên cầu lợn. Ông xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân xuất huyết hoại tử toàn thân, mặt, suy đa cơ phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…

Từ trường hợp trên, người dân không nên mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Đặc biệt là thức ăn từ động vật chết không rõ nguyên nhân vì điều này tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro nghiêm trọng đối với tính mạng. 

Một số vi khuẩn gây bệnh ở lợn, như vi khuẩn liên cầu lợn, có khả năng kháng nhiệt cao. Nấu chín thông thường không thể tiêu diệt hoàn toàn những vi khuẩn này, đặc biệt là khi chúng ở sâu bên trong thịt dày. Khi ăn thịt lợn bị nhiễm vi khuẩn này, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, gây ra nhiễm trùng.

Ngoài vi khuẩn liên cầu lợn, còn có các loại khác như tụ cầu Staphylococcus aureus - có khả năng tạo bào tử giúp chúng có thể chịu được nhiệt độ cao. Bào tử của những vi khuẩn này có thể tồn tại trong thịt heo dù đã được nấu chín kỹ.

Theo các nghiên cứu khoa học, bào tử của vi khuẩn Staphylococcus aureus có thể chịu được nhiệt độ 121°C trong 10 phút, đây là nhiệt độ tiệt trùng được sử dụng phổ biến trong các thiết bị tiệt trùng y tế; ký sinh trùng như sán trong thịt lợn (sán dải, sán lá gan) có thể sống sót nếu thịt không được nấu chín kỹ. Khi ăn phải nang sán, ấu trùng sán sẽ di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể người và phát triển thành sán trưởng thành, gây ra các bệnh lý nguy hiểm. Một số vi rút gây bệnh ở lợn như cúm, tai xanh có thể lây truyền sang người qua đường tiêu hóa nếu ăn phải thịt heo bệnh chưa nấu chín kỹ.

Một số vi khuẩn gây bệnh như vi khuẩn tả lợn, có thể sản sinh độc tố. Độc tố này không bị tiêu hủy bởi nhiệt độ nấu nướng thông thường. Độc tố do vi khuẩn tả lợn sản sinh, có tên khoa học là Shiga-like toxin (SLT), có thể bị bất hoạt ở các mức nhiệt độ khác nhau tùy thuộc vào thời gian nấu nướng. Khi ăn thịt lợn bị nhiễm độc tố này, độc tố có thể xâm nhập vào máu và gây ra các triệu chứng nặng bao gồm nhiễm trùng huyết.

Mặt khác, việc chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh như dao, thớt… có thể dẫn đến lây nhiễm chéo vi khuẩn, vi khuẩn từ thịt lợn bệnh có thể lây sang các thực phẩm khác và gây bệnh cho người khi ăn phải. Nhất là những người có hệ miễn dịch suy yếu như người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12429-1:2018 về thịt mát- Phần 1: Thịt lợn

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho thịt lợn mát được dùng làm thực phẩm. Theo đó lợn đưa vào giết mổ và cơ sở sản xuất thịt mát phải đáp ứng các quy định hiện hành về kiểm soát giết mổ, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Trước khi giết mổ lợn không được vận chuyển liên tục quá 8h, trong trường hợp sử dụng các phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng các quy định hiện hành thì thời gian vận chuyển liên tục có thể kéo dài tới 12h. Lợn không được vận chuyển quá 72h kể từ khi lên phương tiện vận chuyển đến địa điểm giết mổ.

Lợn không được ăn ít nhất 12h trước giết mổ. Lợn phải được nghỉ ngơi ít nhất 2h, đảm bảo nguồn nước uống sạch trước khi giết mổ. Lợn sống đưa vào khu vực giết mổ được làm ngất, lấy huyết, làm sạch lông và tách nội tạng.

Quá trình làm mát phải được thực hiện ngay sau khi kết thúc quá trình giết mổ. Thân thịt được đưa đi làm mát sao cho tâm của phần thịt dầy nhất đạt nhiệt độ từ 0 °C đến 4 °C trong thời gian không quá 24 h. Trong quá trình pha lọc và đóng gói, nhiệt độ sản phẩm thịt luôn được duy trì ở mức thấp hơn 7 °C. Nhiệt độ phòng pha lọc và đóng gói luôn được duy trì dưới 12 °C.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang