Thừa Thiên - Huế: Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán kính xe ô tô giả nhiều nhãn hiệu lớn

author 06:50 17/12/2023

(VietQ.vn) - Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa triệt phá một cơ sở chuyên làm giả số lượng lớn kính ô tô các hãng xe lớn, được bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa phá chuyên án, làm rõ đường dây sản xuất, buôn bán số lượng lớn kính xe ô tô các loại, giả nhãn mác thương hiệu nhiều hãng xe ô tô lớn, có thương hiệu và được bảo hộ tại Việt Nam.

Cụ thể, cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại số 13 đường Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Dương, Thị xã Hương Thủy có nhiều dấu hiệu nghi vấn hoạt động vi phạm pháp luật rất tinh vi và phức tạp. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ linh hoạt, Phòng Cảnh sát kinh tế đã làm rõ cơ sở do Trần Quốc Lợi (SN 1978) và Trịnh Thị Kim Như (SN 1988) cùng trú tại 16 Dương Thiệu Tước, phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy làm chủ có hành vi sản xuất, buôn bán số lượng rất lớn kính xe ô tô các loại, giả nhãn mác thương hiệu của nhiều hãng xe ô tô lớn, có thương hiệu và được bảo hộ tại Việt Nam.

Khám xét đồng loạt tại cửa hàng kinh doanh số 13 Nguyễn Tất Thành và 02 kho chứa hàng của cơ sở này tại 148 An Dương Vương và 187 đường Hùng Vương, TP.Huế, lực lượng Công an thu giữ 1 bộ máy in laser, 02 bộ máy tính và hơn 500 kính xe ô tô các loại đã được in giả các lô gô của các nhãn hiệu lớn như: TOYOTA, MERCEDES, PEUGEOT, KIA, FOR, HUYNDAI, MAZDA,… có giá trị trên 1 tỉ đồng.

 Kho thành phẩm giả mạo các thương hiệu lớn được bảo hộ tại Việt Nam bị lực lượng chức năng phát hiện.

Qua điều tra, Lợi và Như khai nhận mua các loại kính xe ô tô nhãn hiệu của Trung Quốc rồi vận chuyển về Việt Nam. Sau đó, trực tiếp sử dụng các công cụ, máy móc, dung dịch chuyên dụng để tẩy xóa các lô gô nhãn hiệu Trung Quốc có trên kính rồi tiếp tục dùng các phần mềm tự thiết kế, sao chép các lô gô nhãn hiệu xe ô tô nổi tiếng, sử dụng máy in laser in các lô gô này lên trên kính đã được tẩy xóa trước đó.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình trạng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành các sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đưa ra thị trường tiêu thụ rất phổ biến tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do đó, lực lượng chức năng đề nghị người dân cùng chung tay, hỗ trợ trong việc tố giác hành vi có dấu hiệu vi phạm để công tác chống hàng giả được triển khai một cách hiệu quả nhất.

Về quy định pháp luật, Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Thông tư 26/2019/TT-BGTVT ban hành 06 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, xe mô tô:

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô; Mã số: QCVN 33:2019/BGTVT.

2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy chì dùng trên xe mô tô, xe gắn máy; Mã số: QCVN 47:2019/BGTVT.

3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới; Mã số: QCVN 52:2019/BGTVT.

4. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới; Mã số: QCVN 53:2019/BGTVT.

5. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng. Mã số: QCVN 82:2019/BGTVT.

6. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện; Mã số: QCVN 91:2019/BGTVT.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang