Đọc báo hôm nay: Những tin tức mới cập nhật ngày 14/5/2015

author 10:09 14/05/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 14/5/2015 đề cập đến Bối rối vì mua thẻ bảo hiểm y tế phải trình giấy chứng nhận... ly hôn; Sắp đưa vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề ra xét xử; Mỹ tính điều tàu tới Biển Đông, Trung Quốc rắn giọng...

Sự kiện: Đọc báo mới nhất hôm nay

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 14/5/2015 trong nước

Bối rối vì mua thẻ bảo hiểm y tế phải trình giấy chứng nhận... ly hôn

Theo tin tức mới cập nhật từ Dân Trí, kết quả kiểm tra thực hiện Luật BHYT tại 10 tỉnh thành, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều thủ tục làm khó người mua BHYT. Không ít người khi kê khai đã ly hôn thì buộc phải trình giấy chứng nhận... ly hôn; con cái đi làm ăn xa phải photo chứng nhận tạm trú, thẻ BHYT gửi về địa phương.

Tin tức mới cập nhật hôm nay cho biết nhiều thủ tục làm khó người mua BHYT

Tin tức mới cập nhật hôm nay cho biết nhiều thủ tục làm khó người mua BHYT

Chiều 13/5 ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết qua khảo sát 10 địa phương về việc thực hiện BHYT mới đã phát hiện nhiều thủ tục gây phiền hà khi triển khai BHYT theo hộ gia đình. Ngoài ra còn rất nhiều thủ tục đến mức nhiêu khê, phức tạp khiến nhiều người từ bỏ mua thẻ BHYT. Như có trường hợp con đi làm công nhân ở tỉnh xa đã có BHYT thì yêu cầu photo BHYT của con gửi về; gửi chứng nhận tạm trú của thành viên đi học, đi làm ăn xa về địa phương để làm cơ sở xác nhận... mới được mua thẻ BHYT.

Theo ông Khảm, việc kê khai danh sách BHYT theo hộ gia đình về cơ bản là cần kiểm tra chặt chẽ để tránh tình trạng chỉ kê khai người ốm, già yếu tham gia BHYT. Tuy nhiên nếu quá máy móc về thủ tục hành chính tới mức yêu cầu những giấy tờ rất vô lý lại thành ra làm khó cho những người dân thực sự có nhu cầu, mong muốn mua thẻ BHYT.

Sắp đưa vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề ra xét xử

Theo Vietnamnet, Viện kiểm sát nhân dân quận Long Biên, Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố 2 bị can trong vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Hà Nội). Phạm Thị Nguyệt (SN 1970, ở Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị VKS truy tố về tội “Mua bán trẻ em”, theo quy định tại Điều 120, Khoản 1 – BLHS. Theo cáo trạng, ngày 30/7/2014, Công an Hà Nội nhận được đơn của anh Nguyễn Thành Long (SN 1975, ở Đống Đa, Hà Nội) tố giác việc cháu Cù Nguyên Công (là cháu bé trai mà anh Long nhận làm cha đỡ đầu) bị bán tại chùa Bồ Đề.

Nhận được tin báo, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và xác định: Phạm Thị Nguyệt là người đã mua cháu Cù Nguyên Công từ chùa Bồ Đề vào tháng 1/2014. Kiểm tra nơi ở của Nguyệt, cơ quan điều tra còn phát hiện Nguyệt đang nuôi 2 cháu bé là: Phạm Đức Anh (SN 2012) và Phạm Gia Hân (tức Trần Vũ Gia Hân, SN 2013).

Theo điều tra, năm 2011, chị Trần Thị Thu H. (SN 1989, quê Phú Thọ) và anh Vũ Xuân T. (SN 1984, quê Tuyên Quang) chung sống với nhau như vợ chồng và có thai ngoài ý muốn. Sau khi sinh một bé trai, vì sợ gia đình biết, ngày 25/10/2013, chị H. đem gửi con ở chùa Bồ Đề. Sư trụ trì Thích Đàm Lan đã hướng dẫn chị H. gặp Nguyễn Thị Thanh Trang là quản lý nhà Mở (trông trẻ) ở chùa Bồ Đề, giúp việc cho sư Thích Đàm Lan để làm thủ tục tiếp nhận cháu bé.

Hai đối tượng Nguyệt và Trang

Hai đối tượng Nguyệt và Trang

Đến tham gia hoạt động làm từ thiện cho trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề, anh Long đã rất yêu quý cháu bé con chị H. nên đã xin nhà chùa cho nhận làm cha đỡ đầu của cháu bé, đặt tên con là Cù Nguyên Công. Thời điểm này, dù không có việc làm ổn định nhưng Phạm Thị Nguyệt đang nhận nuôi cháu Phạm Đức Anh (là con của chị U., ở Thanh Xuân, Hà Nội) và cháu Phạm Gia Hân (là con của chị G., ở Đông Hưng, Thái Bình).

Nguyệt tiếp tục nhờ Trang tìm cho một cháu trai khỏe mạnh để cô ta nhận làm con nuôi và hứa sẽ đưa cho Trang 40 triệu đồng sau khi nhận được cháu bé. Sau đó, Trang hướng dẫn chị dâu của mình đến chùa Bồ Đề viết đơn xin lại con với mục đích để đưa cháu Cù Nguyên Công ra khỏi chùa.

Ngày 1/1/2014, sau khi làm xong thủ tục tại chùa Bồ Đề, Nguyệt đã tới nhận cháu Công. Nguyệt đưa 35 triệu đồng cho Trang và nói: “5 triệu đồng còn lại để mua sữa cho cháu Công” và Trang đồng ý. Nguyệt mang cháu Công về nuôi dưỡng cùng 2 cháu Phạm Đức Anh và Phạm Gia Hân. Quá trình nuôi dưỡng, cháu Công bị mắc bệnh sởi nặng và chết vào ngày 24/6/2014.

Tại cơ quan điều tra, chị U. và chị G. đều khẳng định, do không có điều kiện nuôi dưỡng nên 2 chị đồng ý cho Nguyệt nhận cháu Đức Anh và cháu Gia Hân làm con nuôi. Vì vậy, không có cơ sở để xử lý Nguyệt về hành vi mua bán 2 cháu này. Đến nay, toàn bộ hồ sơ vụ án đã được Viện kiểm sát nhân dân quận Long Biên chuyển sang Tòa án nhân dân quận Long Biên và vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong một ngày gần đây.

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 14/5/2015 quốc tế

Mỹ tính điều tàu tới Biển Đông, Trung Quốc rắn giọng

VnExpress đưa tin, Bắc Kinh hôm 13/5 yêu cầu Mỹ làm rõ ý định đưa tàu và máy bay quân sự tới Biển Đông, gần khu vực mà Trung Quốc đang bồi đắp nhằm biến đá thành đảo ở Trường Sa. "Chúng tôi đặc biệt quan ngại về các bình luận liên quan từ phía Mỹ. Chúng tôi tin rằng phía Mỹ cần làm rõ điều này", Wall Street Journal dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói trong cuộc họp báo hôm nay, nhắc đến một đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.

Ông Carter hôm qua đề nghị điều phi cơ và tàu quân sự Mỹ tới khu vực trong phạm vi ngoài 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo. Các bãi đá này thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988.

Tin tức mới cập nhật hôm nay cho biết Mỹ tính điều tàu tới Biển Đông

Tin tức mới cập nhật hôm nay cho biết Mỹ tính điều tàu tới Biển Đông

"Chúng tôi luôn đề cao tự do hàng hải" ở Biển Đông, bà Hoa nói. "Nhưng tự do hàng hải không có nghĩa là các tàu hoặc máy bay quân sự của nước ngoài có thể cố ý xâm nhập lãnh hải hay không phận của một quốc gia khác. Phía Trung Quốc sẽ kiên quyết giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia". Bà Hoa sau đó ngầm chỉ trích Mỹ, rằng "các nước có liên quan tránh thực hiện các hành động nguy hiểm và mang tính khiêu khích".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các rạn san hô và bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy từ tháng 3/2014, Bắc Kinh đã cải tạo đất tại 7 khu vực thuộc quần đảo này và đang xây dựng đường băng phù hợp với mục đích quân sự trên một đảo nhân tạo.

LHQ kêu gọi cứu người di cư tại Đông Nam Á

Theo VTV, Cao ủy LHQ về người tị nạn đang kêu gọi các Chính phủ ở Đông Nam Á tăng cường nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn cũng như mở cửa biên giới cho hàng ngàn người tị nạn đang mắc kẹt và trôi dạt trên khu vực giữa biển Andaman và eo Malacca. Theo ước tính của tổ chức này, hiện có hàng ngàn người phần lớn là người Rohingya và Bangladesh đã bị những kẻ buôn người bỏ mặc đói khát trên biển sau khi Thái Lan và Malaysia đẩy mạnh các chiến dịch chống buôn người thời gian gần đây.

Lời kêu gọi của Cao Ủy LHQ về người tị nạn nhằm gửi tới Chính phủ 3 nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia; kêu gọi các nước này không đẩy các thuyền chở đầy người di cư ra khỏi lãnh hải mà hãy cứu sống họ. Nhiều người trong số họ được cho là đã rất yếu sau nhiều tuần thiếu thức ăn và nước uống trôi dạt trên biển. Ông Jeffrey Savage, Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn tại Jakarta cho biết: "Điều chúng tôi nghe được từ những người tị nạn là họ đã bị mắc kẹt hàng tuần và hàng tháng trên biển kể từ khi những kẻ buôn người bỏ rơi họ. Chúng để lại rất ít đồ ăn và nước uống, không có nhiên liệu cho động cơ nên họ trôi dạt. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đang sắp xảy ra. Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ tham gia và cùng nỗ lực giải quyết vấn đề này".

Di dân đến từ Myanmar và Bangladesh tại đồn cảnh sát thị trấn Kuah, bang Kedah, Malaysia ngày 11/5

Di dân đến từ Myanmar và Bangladesh tại đồn cảnh sát thị trấn Kuah, bang Kedah, Malaysia ngày 11/5

Tình hình về người di cư bất hợp pháp trở nên căng thẳng sau khi Thái Lan tăng cường càn quét các lán trại của những kẻ buôn người ở khu vực biên giới với Malaysia, nơi trước đó đã phát hiện thi thể của 33 người nhập cư trái phép. Hệ quả là Malaysia và Indonesia đang phải tiếp nhận làn sóng ồ ạt những người tị nạn. Chỉ riêng ngày 12/5, Malaysia cho biết đã bắt giữ hơn 1.000 người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp trên đảo Langkawi. Cùng ngày, Hải quân Indonesia cho biết đã kéo thuyền chở khoảng 400 người tị nạn ra khỏi vùng biển nước này sau khi đã tiếp nhiên liệu cho con thuyền.

Chính phủ Malaysia đã họp gấp vào ngày 12/5 nhằm đối phó với dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ vào nước này, trong khi Thái Lan cũng công bố sẽ tổ chức một cuộc họp với 15 nước vào ngày 29/5 tới ở Bangkok cũng để giải quyết vấn đề này. Rõ ràng các nước Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đang ở thế khó bởi nếu mở cửa tiếp nhận sẽ tạo nên dòng người di cư đổ tới, còn nếu không tiếp nhận hay bỏ rơi sẽ gây ra thảm họa nhân đạo như LHQ đã cảnh báo. Giải quyết vấn đề này không chỉ có nỗ lực của ASEAN mà cần có sự tham gia của cộng đồng quốc tế.

Trang Mạc (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang