Tình hình Biển Đông ngày 23/9: “Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc đến đoạn cao trào”

author 07:09 23/09/2014

(VietQ.vn) - Nhiều chuyên gia đã phân tích, đánh giá về tình hình Biển Đông trong suốt thời gian qua cũng như đưa ra nhận xét, dự đoán liên quan đến tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những tin tức mới nhất trên báo chí cho hay, giáo sư Christopher Hughes, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) khẳng định sau nhiều năm giấu lực chờ thời, qua khoảng 5 năm của giai đoạn "ấp trứng", đến năm nay, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc bước sang thời nở rộ các hành động trên thực địa.

Giáo sư Hughes cho rằng, tham vọng của Trung Quốc đối với Biển Đông thể hiện rõ ở bản đồ “đường chín đoạn” (bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý), chiếm giữ phần lớn cả vùng biển. Những hành động từ nhiều năm nay của Trung Quốc cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông là quyết tâm của nhiều đời lãnh đạo Trung Quốc.

Trung Quốc ráo riết thúc đẩy tham vọng độc chiếm Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 23/9: Trung Quốc ráo riết thúc đẩy tham vọng độc chiếm Biển Đông. Ảnh minh họa

Trong bản phân tích của mình, giáo sư Hughes nhận định, giai đoạn trước 2009 là thời kỳ Trung Quốc chờ đợi và che giấu năng lực. Từ 2009 đến 2013, Bắc Kinh ấp ủ các kế hoạch của mình và năm 2014 là thời điểm bùng phát các hoạt động thực tế trên Biển Đông. Theo giáo sư Hughes, trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã ráo riết thúc đẩy tham vọng của mình trên mặt trận ngoại giao và có xu hướng không thỏa hiệp với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông. Đặc biệt đáng chú ý là tháng 5 vừa rồi, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hằng năm trên diện tích đến hơn 60% Biển Đông nhằm ngăn cản tàu thuyền và ngư dân các nước khác đánh bắt. Bắc Kinh cũng tiếp tục và tăng cường quyết liệt hơn nữa việc bao vây, ngăn không cho các tàu của Philippines tiếp tế cho các đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, tên quốc tế là Second Thomas Shoal, nơi Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Gạc Ma

Tình hình Biển Đông ngày 23/9: Trung Quốc xây đảo còn nguy hiểm hơn việc đặt giàn khoan. Ảnh minh họa

Nguy hiểm hơn, Trung Quốc đang ráo riết cải tạo đất, xây đảo nhân tạo trái phép trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến thời điểm này, Trung Quốc đã xây nhiều công trình trên bãi đá ngầm này và mở rộng Gạc Ma tới 100.000m2 hòng làm bàn đạp tấn công các đảo xung quanh.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng không quên các đối sách nhằm lôi kéo ủng hộ và tạo sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bàn về chính sách này của Bắc Kinh, giáo sư Hughes cho rằng tư duy mới về ngoại giao mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm ngoái về chiến lược quan hệ với các láng giềng là rất đáng chú ý. Theo các chuyên gia, chiến lược "ngoại giao đa chiều" này nhằm tạo sự phụ thuộc lẫn nhau không chỉ chính trị mà cả kinh tế giữa các nước khu vực. Một minh chứng cho "ngoại giao đa chiều" là ý tưởng về con đường tơ lụa với các nước Nam Á, tạo sự gắn kết hơn giữa Trung Quốc với các hàng xóm phía tây, trong khi nước này đang vướng vào tranh chấp với các nước phía đông.

Trung Quốc áp dụng chiến lược sức mạnh tổng hợp “5 ngón tay” để phục vụ tham vọng bá quyền

Trung Quốc áp dụng chiến lược sức mạnh tổng hợp “5 ngón tay” để phục vụ tham vọng bá quyền. Ảnh minh họa

Có thể nói, để nắm chắc lấy những điều mình muốn, Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến thuật tổng hợp, gồm: sử dụng sức mạnh của đội tàu trên biển để bảo vệ tàu Trung Quốc và gây khó cho tàu cá đối phương; áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá; phô trương sức mạnh hải quân; sử dụng các yếu tố kinh tế xã hội và sáp nhập các cơ quan liên quan đến vùng biển tranh chấp vào một Văn phòng đại dương để thống nhất hợp lực đối phó với các bên tranh chấp.

Trước tình hình này, các nước trong và ngoài khu vực đang đề ra nhiều biện pháp khác nhau để đối phó với âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Ở phía đông, nơi Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông, Nhật Bản ngày càng củng cố lực lượng phòng vệ và mở rộng hợp tác với các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Philippines đang hối hả nâng cấp hải quân và mời Mỹ đưa quân tới luân phiên ở căn cứ. Mỹ tỏ rõ quyết tâm xoay trục về châu Á Thái bình dương và cam kết đứng về đồng minh Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền.

Tình hình Biển Đông căng thẳng khiến nhiều nước tìm sự giúp đỡ của Mỹ

Tình hình Biển Đông căng thẳng khiến nhiều nước tìm sự giúp đỡ của Mỹ. Ảnh minh họa

Rõ ràng là, tham vọng bá quyền của Trung Quốc cùng với thực tế tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng đã dần châm ngòi cho mối quan hệ Mỹ - Trung. Trong các cuộc gặp mặt gần đây, Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã lên tiếng cáo buộc Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động trinh sát ở cự ly gần đối với Đại Lục và chắc chắn Washington sẽ không bao giờ chấm dứt. Vì vậy, các hành động nhận dạng và kiểm chứng tàu thuyền, máy bay Mỹ của chiến đấu cơ Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ ngừng lại.

Ông Ngô biểu thị, tuy Trung Quốc không bao giờ muốn thấy một vụ va chạm máy bay Trung-Mỹ thứ 2 hay sự hy sinh của một Vương Vĩ thứ 2, nhưng nước này sẽ tiếp tục các hoạt động nhận diện và kiểm chứng phương tiện trinh sát của Mỹ tiến hành hoạt động do thám tầm gần trái phép đối với Trung Quốc.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Vnexpress, An Ninh Thủ Đô)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang