Tổ chức Y tế thế giới báo động tình trạng trẻ em bị bắt nạt trên không gian mạng

author 06:07 29/03/2024

(VietQ.vn) - WHO lưu ý, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã thay đổi cách cư xử của thanh thiếu niên. Cụ thể, những hình thức bạo lực ảo đã trở nên nghiêm trọng hơn khi giới trẻ dành nhiều thời gian trên không gian mạng trong thời kỳ phong tỏa vì dịch bệnh.

Các nhà nghiên cứu phối hợp với văn phòng WHO ở châu Âu đã tiến hành khảo sát hơn 279.000 trẻ em ở các độ tuổi 11,13 và 15 tại 44 quốc gia và khu vực ở châu Âu, Trung Á và Canada.

Theo báo cáo tiêu đề "Hành vi sức khỏe ở trẻ em độ tuổi đi học" do văn phòng WHO khu vực châu Âu công bố, trong năm 2022, khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11 đến 15 từng bị bắt nạt trực tuyến ít nhất 1 lần - cao hơn tỷ lệ 13% ghi nhận 4 năm trước đó.

WHO châu Âu lưu ý, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã thay đổi cách cư xử của thanh thiếu niên. Cụ thể, những hình thức bạo lực ảo đã trở nên nghiêm trọng hơn khi giới trẻ dành nhiều thời gian trên không gian mạng trong thời kỳ phong tỏa vì dịch bệnh.

Mức độ bắt nạt trực tuyến cao nhất xảy ra với các bé trai ở Bulgaria, Lithuania, Moldova và Ba Lan, trong khi mức độ thấp nhất được báo cáo ở Tây Ban Nha.

Ảnh minh họa

Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge cho biết: “Với việc những người trẻ tuổi dành 6 giờ trực tuyến mỗi ngày, ngay cả những thay đổi nhỏ về tỷ lệ bắt nạt và bạo lực cũng có thể có tác động sâu sắc đến sức khỏe và hạnh phúc của hàng nghìn người”.

Báo cáo cho biết, cứ 8 thanh thiếu niên thì có 1 người thừa nhận bắt nạt người khác trên mạng, tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2018.

Báo cáo cũng cho thấy tình trạng kinh tế xã hội của cha mẹ tạo ra rất ít sự khác biệt trong hành vi của trẻ. Tuy nhiên, Canada là một ngoại lệ, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thường đối diện nguy cơ bị bắt nạt cao hơn.

Lưu ý rằng vấn đề này đã lan rộng, báo cáo kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để nâng cao nhận thức và giám sát các hình thức bạo lực thông qua giáo dục, gia đình và trường học. Đồng thời, đẩy mạnh quản lý các nền tảng truyền thông xã hội để hạn chế tình trạng bắt nạt trên mạng.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 03 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 01 trẻ em và hơn 175.000 trẻ em lên mạng đầu tiên vào mỗi ngày. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em ở Việt Nam thường dành từ 5 đến 7 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội. 

Theo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, tại Việt Nam có gần 97% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game.

Trẻ tiếp cận internet từ rất nhiều cách khác nhau như: từ điện thoại di động của cá nhân (58%), máy tính ở nhà (46%), điện thoại di động của người thân (45%), ngoài quán Internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường có một số trẻ trả lời được tiếp cận Internet qua máy tính ở trường học (23,6%).

Trẻ sử dụng Internet chủ yếu để học hành/ nghiên cứu (83%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức (71%), giao lưu, kết nối bạn bè (71%) và chơi trò chơi điện tử/ trực tuyến (59%).

Mạng internet mang lại nhiều giá trị tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên, giúp chúng khám phá thế giới xung quanh một cách thuận lợi, giao lưu và chia sẻ thông tin, tình cảm với những bạn đồng trang lứa. Công nghệ này đã làm mờ đi ranh giới không gian và thời gian, mở ra cơ hội học tập lớn cho trẻ em.

Ngoài ra, internet còn hỗ trợ quá trình học tập theo chương trình giáo dục phổ thông thông qua các ứng dụng giáo dục trực tuyến, tạo điều kiện cho trẻ em ở vùng nông thôn tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn. Chúng cũng hỗ trợ trẻ em tự chủ hơn trong học tập, đặc biệt trong các hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh hoặc thiên tai.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Sử dụng internet đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu sử dụng quá mức, thiếu kiểm soát. Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em cũng dễ gặp phải các rủi ro khác như bắt nạt trực tuyến; lừa đảo xâm phạm đời tư hay thậm chí xâm hại tình dục… Trong những nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những nguy cơ có thể dẫn đến tổn thương về thể chất và tinh thần suốt đời.

Việc sử dụng mạng Internet quá mức có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ em, cũng như tạo ra những rủi ro về tâm lý, sức khỏe.

Cần sự phối hợp từ trẻ, gia đình, xã hội

Việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng là rất cần thiết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trẻ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn để bảo vệ bản thân.

Phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm hơn khi các em tiếp xúc với môi trường mạng internet, không để trẻ dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử lên mạng ngoài giờ học. Hãy học và chơi cùng con trên mạng internet, cần chú trọng trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng nên trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Nhà trường cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe lồng ghép vào các giờ sinh hoạt chủ nhiệm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường mạng, kỹ năng cơ bản khi sử dụng internet cho trẻ. Phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia môi trường mạng.

Về phía xã hội, cần phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang