TP.HCM sẽ dành chuyến tàu Metro Bến Thành – Suối Tiên đầu tiên để tiếp đón kiều bào

author 17:12 15/01/2024

(VietQ.vn) - Chuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên sẽ được tổ chức như một tour du lịch trải nghiệm tiếp đón kiều bào xa Tổ quốc, vừa ngắm TP từ trên cao, vừa ghe những câu chuyện đầu tư, kế hoạch của TP.HCM đối với thành phố phía Đông – Thủ Đức.

Thông tin trên được ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về chương trình “Xuân Quê hương” năm 2024. Chương trình được tổ chức lần thứ 3 tại TP.HCM (lần 1 năm 2015 và lần 2 năm 2017), với chủ đề "TP.HCM - viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng" từ ngày 1 – 2/2/2024 (nhằm ngày 22 - 23 tháng chạp) và được truyền hình trực tiếp trên nhiều nền tảng.

Kiều bào tham dự chương trình “Xuân Quê hương” sẽ được trải nghiệm du lịch trên chuyến tàu Metro Bến Thành – Suối Tiên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, chương trình Xuân Quê hương là chương trình thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức. Chương trình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chào đón đồng bào về nước vui Tết cổ truyền dân tộc.

Thông qua chương trình Xuân Quê hương, khẳng định vững chắc mối liên hệ gắn bó, tiếp tục khẳng định kiều bào là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Qua đó, tiếp tục thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào, phát huy tinh thần yêu nước, hướng về nguồn cội; khích lệ kiều bào gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc.

Chương trình "Xuân quê hương" năm nay sẽ tổ chức các hoạt động như: Dâng hương, dâng hoa tại khu tưởng niệm các Vua Hùng (công viên lịch sử, văn hóa dân tộc tại P.Long Bình, TP.Thủ Đức); tham quan, trải nghiệm tuyến Metro số 1 (Suối Tiên - Bến Thành); tham quan TP.HCM bằng xe buýt 2 tầng; tham quan trụ sở UBND TP.HCM và gặp gỡ lãnh đạo của TP.HCM để TP.HCM báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, lắng nghe ý kiến kiều bào...

Đáng lưu ý, năm nay, trong khuôn khổ chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ chủ trì một số hoạt động ý nghĩa cùng bà con kiều bào cả nước, cụ thể là lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng; nghi thức thả cá chép truyền thống vào ngày tết ông Công, ông Táo.

Đặc biệt, trong chương trình giao lưu nghệ thuật "Xuân Quê hương" với chủ đề "TP.HCM - viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng" tại Hội trường Thống Nhất với quy mô khoảng 30.000 người, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ phát biểu chúc tết đến toàn thể bà con kiều bào và đánh trống khai hội mừng xuân.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đa phần là ở các nước phát triển. Đời sống của kiều bào ngày càng có địa vị pháp lý vững chắc, đời sống tốt hơn và là nguồn lực quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, kiều bào ta ở nước ngoài nhiều người có trình độ học vấn cao, là chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.

Nhiều năm qua, Việt Nam là 1 trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Tính từ năm 1993 đến năm 2022, lượng kiều hối khoảng 190 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân trong cùng kỳ. Năm 2022, kiều hối đạt kỷ lục 19 tỉ USD. Năm 2023, lượng kiều hối về Việt Nam, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nguồn kiều hối về nước ta có thể đạt 14 tỉ USD.

Tính riêng tại TP.HCM, có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn 80% người Việt Nam đang sống ở các nước công nghiệp phát triển, các trung tâm kinh tế. Lượng kiều hối về TP.HCM năm 2023 là 9 tỉ USD, tăng 35% so với năm 2022, tương đương gần 50% tổng thu ngân sách của TP.HCM, gần gấp 3 lần vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, điều đáng nhấn mạnh là công tác phát huy nguồn lực "trí lực", "tài lực" cho sự phát triển của đất nước. Thống kê thời gian gần đây, số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 - 500 lượt người/năm. Kiều bào ta ở nước ngoài nhiều người có trình độ học vấn cao, là chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Họ cũng làm việc trong các ngành khoa học quan trọng như công nghệ nano, công nghệ lượng tử, công nghệ thông tin.

Ông Võ Văn Hoan cũng cho biết, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có đề án thu hút, huy động nguồn lực kiều bào. Hiện thành phố đã có các chính sách, phương hướng phát triển nhằm mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia, cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế. "Năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào TP.HCM (FDI) khoảng 6 tỷ USD nhưng kiều hối bà con ở nước ngoài gửi về thành phố là 9 tỷ USD. Đây là nguồn lực rất lớn để TP.HCM sử dụng cho đầu tư, phát triển", ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Ngọc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang