Tròn mắt nông dân làm giàu từ phế thải kiếm tiền tỷ

author 12:46 14/09/2016

(VietQ.vn) - Người nông dân sáng tạo từ chính nhu cầu cuộc sống - những sản phẩm làm giàu từ phế thải đem lại lợi nhuận bạc tỷ khiến nhiều người không khỏi cảm phục.

Sự kiện: Làm giàu

Biến phế thải nông nghiệp thành tiền tỷ

Lê Trường An tại mô hình làm giàu từ phế thải - xưởng sản xuất củi trấu sinh học. Ảnh Vietnamnet

Chàng trai sinh năm 1990 Lê Trường An từng là một kỹ sư cơ khí có công việc ổn định ở Hà Nội nhưng luôn trăn trở bởi thực trạng phế thải nông nghiệp bị người dân mang đi đốt tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Trong một lần đi công tác miền Tây, khi được tiếp cận với nhà máy sản xuất củi trấu, anh đã nảy ra sáng kiến về quê hương Nam Định xây dựng nhà máy tương tự.

Nghĩ là làm, chàng kỹ sư trẻ quyết định nghỉ việc ở Hà Nội, xách ba lô về quê xây dựng dự án làm giàu từ phế thải sản xuất củi đốt công nghiệp từ phế phẩm nông nghiệp.

Mới đầu thực hiện ý tưởng An gặp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè bởi mô hình này quá mới mẻ, ở Nam Định chưa có ai làm. Để thuyết phục bố, An dẫn bố đi tham quan thực tế một số nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, Hải Phòng. Dần dần, An được bố và một người chị họ ủng hộ cho vay vốn 200 triệu đồng để thực hiện khao khát làm giàu từ phế thải.

Theo báo Vietnamnet, đầu năm 2013, An quyết định xây dựng nhà xưởng quy mô 1.000 m2. Chiếc máy đầu tiên, An đặt mua tận trong Nam. Một mình An đi khắp các làng xóm thu mua vỏ trấu, mùn cưa để làm nguyên liệu, gõ cửa khắp các nhà máy sản xuất công nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, nhà xưởng làm giàu từ phế thải của An có 2 máy sản xuất và 10 công nhân làm việc thường xuyên. An nhẩm tính, tổng doanh thu mỗi năm đạt 2 – 2,5 tỷ đồng. An đang gấp rút các công đoạn để mua thêm máy và mở rộng quy mô nhà xưởng.

Nông dân sáng chế máy biến rác thải thành phân hữu cơ

Năm 2014, anh Vũ Đình Phúc (khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt cho sản phẩm máy nghiền rác tạo thành phân hữu cơ do anh sáng chế. Đó là một câu chuyện sáng tạo làm giàu từ phế thải đầy ngưỡng mộ.

Ý tưởng sáng chế máy nghiền rác thải xử lý thành phân hữu cơ của anh Phúc hình thành từ năm 2006, bắt nguồn từ một thực trạng ô nhiễm xảy ra tại địa phương. Khi ấy vùng sản xuất nông nghiệp rộng tới hàng trăm hecta sau mỗi vụ thu hoạch nhà vườn thường bỏ lại hàng nghìn tấn phế thải nông nghiệp, nhất là các loại lá bắp sú, cải thảo, hoa… khi phân hủy thường bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chưa kể các loại rác thải này chảy theo khe suối, đẩy vào các hồ cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt. Từ đó, anh khao khát tạo ra một sản phẩm có thể tận dụng phế thải nông nghiệp mà làm giàu từ phế thải.

Anh Vũ Đình Phúc và sản phẩm làm giàu từ phế thải đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Ảnh Dân trí

Để tạo ra được sản phẩm, anh đã ngày đêm mày mò tìm đọc tài liệu, cơ chế hoạt động của máy móc. Với một nông dân thường xuyên tay cày tay cấy đó là chuyện vô cùng khó khăn. Không dừng ở đó, ý tưởng của anh bị người quen, hàng xóm giễu cợt, nói anh là “loại ấm đầu”; trước áp lực điều tiếng, vợ con anh “không giữ được bình tĩnh” nên cũng phản đối. Nhưng cuối cùng, vượt lên tất cả anh sáng tạo nên chiếc máy chế biến rác thải nông nghiệp thành phân hữu cơ trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân.

Theo báo Dân trí, với 2 bộ phận chính là mô tơ và cối xay cùng với một băng chuyền, chiếc máy có thể nghiền nhỏ, trộn đều các loại phế phẩm và một số phụ liệu nông nghiệp để dùng làm phân hữu cơ. Máy có 3 tầng: tầng cắt thô rác thải, tầng xay nhuyễn và tầng nghiền mịn, hoàn thiện sản phẩm. Phế phẩm nông nghiệp sau khi xay nát sẽ được trộn với bã mía theo “công thức” cứ 20 tấn chất thải nông nghiệp sẽ trộn với 40 khối bã mía. Sỡ dĩ trộn với bã mía là để cho bã mía hút và giữ nguồn nước từ phế phẩm nông nghiệp, vốn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Sau khi trộn, anh Phúc có được từ 40-50 tấn phân ướt rồi đánh thành đống trộn ủ cho lên men trong vòng 1 tháng, cứ 10 ngày đảo một lần.

Chiếc máy tự chế đầu tiên của anh ra đời năm 2006 với công suất chỉ chế biến được 3m3/giờ. Anh tiếp tục cải tiến và đến nay, máy sản xuất phân bón vi sinh từ rác thải đã hoàn chỉnh. Công suất máy lên 10m3/giờ. Từ khi sang chế ra máy chế biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, gia đình anh Phúc không phải mua phân ngoài thị trường để bón cho trên 1ha hoa màu. Từ đó, mỗi năm gia đình anh tiết kiệm được khoảng 70 triệu đồng tiền mua phân bón mà chất lượng phâchn hữu cơ do anh sản xuất từ chất thải nông nghiệp không thua kém bất cứ loại phân nào đang được sử dụng trên thị trường hiện nay..

Sáng tạo làm giàu từ phế thải cho chính những người nông dân 

Chỉ cần khoảng 50% diện tích rau, hoa ở Đà Lạt sử dụng phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp thay thế cho các loại phân khác, lợi ích về kinh tế sẽ dôi lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2014, anh Phúc sản xuất và bán được 21 máy do mình sáng chế, mỗi chiếc máy trung bình trị giá là 35 triệu đồng.

Hành trình biến phế thải thành..tiền

Từ một người đam mê khoa học, nhiều khi bị thiên hạ và không ít người thân cho là "khùng", là "dở" thì nay Mai Quang Thi đã được nhiều người trong nước biết đến và làm giàu với loại gạch duy nhất được làm từ đất và phế thải. Loại gạch độc nhất vô nhị do anh sản xuất đã được đem đi thử nghiệm ở nhiều nơi và đã được Viện vật liệu Bộ Xây dựng đánh giá cao về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, được chọn làm vật liệu đủ điều kiện để xây dựng các công trình.

Bắt nguồn từ những lò gạch ngùn ngụt phả khói và hình ảnh những người nông dân quê nhà lam lũ oằn mình gánh những gánh gạch nặng trĩu lên miệng lò anh băn khoăn không biết có cách nào để người nông dân làm ra gạch nhưng không cần đốt, không cần nung để đỡ vất vả, không phải chịu độc hại của khói lò.

Hé lộ danh tính ông chủ hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam(VietQ.vn) - Lộ diện hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam là thông tin “nóng” trong ngành hàng không. Nhiều câu hỏi đặt ra ai là ông chủ của hãng hàng không này?

Nghĩ là làm anh bắt tay ngay vào thực hiện. Căn nhà nhỏ của anh lúc này đã bị biến thành một công xưởng với ngổn ngang đất, đá, phụ gia, thùng phi để pha trộn và máy ép. Có những lúc cực khổ vì tiêu tốn khoản tiền lớn của gia đình. Thiếu vốn lại vay mượn, nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, nhiều lần chực rơi vào bờ vực của sự phá sản nhưng anh vẫn quyết không nản chí. Cứ pha trộn, rồi ép, rồi lại đập, sự kiên trì sau hơn 10 năm nghiên cứu của anh cũng đã đến lúc có kết quả.

Viên gạch đầu tiên, chỉ bằng cát, sỏi, sỉ than và cả rác thải của các công trình xây dựng đã ra đời, đạt được những kết quả như mong muốn. Công nghệ sản xuất gạch không nung của anh Thi đã dùng lực kết hợp với chất kết tinh mạnh để ion hoá một lá nhôm thành cation, biến chúng thành các hạt nano nam châm bện soắn với nhau thành chuỗi dài gấp 10.000 lần phân tử rất vững chắc tạo thành đá. Cho nên, gạch không nung rắn chắc, chống thấm, chịu nhiệt như đá. Độ chịu nén từ 130-150kg/cm2. Độ uốn 43 kg/cm2. Độ hút nước đạt 8,8 %, viên gạch đẹp đều, mác lại rất cao.

Mong mỏi của anh là sẽ chuyển giao được công nghệ "gạch sản xuất bằng phương pháp không khói" này đến với nhiều vùng miền khác của cả nước trong đó có quê anh. Theo Haiduongdost, anh Thi tính toán, nếu bỏ ra 3 tỷ đồng để đầu tư sẽ có một dây chuyền sản xuất, mỗi năm xuất xưởng được 10 triệu viên gạch. Với chi phí thực tế khoảng 350 đồng – 500 đồng cho nguyên liệu, tiền công thì mỗi viên chỉ cần bán với giá 800 đồng thì sau 1 năm là người dân có lãi làm giàu. Hơn nữa mỗi dây chuyền thế này sẽ giải quyết việc làm và tạo lợi nhuận cho khoảng 20 – 30 con người.

Gom trấu thải thu tiền tỷ

Anh Lương Văn Minh ở khối phố 5, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam ngày ấy khiến nhiều người sửng sốt vì đang yên lành với nghề may lại bỏ ngang đi làm những việc chẳng giống ai. 

Anh Lương Văn Minh và sản phẩm làm giàu từ phế thải đem lại tiền tỷ cho gia đình. Ảnh Dân trí 

Một lần tình cờ biết được hiện các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do giá thành chất đốt tăng quá mạnh. Anh Minh liền nghĩ đến việc làm giàu từ phế thải dùng vỏ trấu mà quê anh vẫn bỏ đi làm chất đốt. Dù chẳng hiểu gì về kỹ thuật nhưng anh vẫn nhất quyết phải làm bằng được. Từ đó, anh Minh bắt đầu tìm kiếm tài liệu cách chế biến vỏ trấu thành chất đốt có nhiệt lượng cao.

Trong một lần lên mạng anh biết được một cơ sở ở Vũng Tàu cũng đang chế biến vỏ trấu thành củi. Lập tức sáng hôm sau anh nhảy xe vào tận Vũng Tàu để tận mắt xem họ chế biến vỏ trấu thành củi như thế nào. Sau mấy ngày tầm sư học đạo, anh về lại quê bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến đó là vào đầu năm 2009. Gom góp số tiền vốn vợ giành dụm được, anh Minh đặt mua một máy ép vỏ trấu 60 triệu đồng mang về lắp đặt tại xưởng nhỏ đặt ngay vườn nhà. Để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho xưởng ép trấu thành củi của mình, hàng ngày Minh tìm đến các điểm máy xay xát gạo trong huyện để đặt mua, rồi chở về tự mình mày mò vận hành máy ép vỏ trấu thành củi để thử nghiệm.

Sau hơn 2 tháng trời quên ăn quên ngũ vì trấu, cuối cùng những thanh củi trấu cũng ra đời như mong đợi.

Toàn bộ củi trấu làm ra lúc đó mang đến các cơ sở sản xuất dùng thử. Chỉ sau hơn 1 tháng, toàn bộ sản phẩm củi trấu tui sản xuất ra được các nhà máy bao tiêu sản phẩm vì đảm bảo nhiệt lượng cần thiết khi đốt lò các nồi hơi công nghiệp. So với than đá, củi trấu có nhiều ưu điểm như: nhiệt độ từ 3.800 - 4.000 độ C là vừa đạt yêu cầu lại vừa rẻ hơn 35% giá thành so 1 kg than đá. 

Với sản lượng 200 tấn củi trấu xuất bán cho các nhà máy sản xuất mỗi tháng cũng đủ thấy số tiền thu nhập của anh lớn thế nào. Cứ 1,3 tấn trấu (giá 400 đồng/kg) cho ra 1 tấn củi trấu (giá 1.500 đồng/kg). Như vậy, tiền nguyên liệu là 520 ngàn đồng sẽ cho ra 1,5 triệu đồng tiền sản phẩm. Mỗi tháng làm giàu từ phế thải anh sản xuất 200 tấn củi trấu đã cho anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Trừ chi phí nguyên liệu, khấu hao máy móc, trả lương cho công nhân, mỗi tháng anh kiếm hơn 100 triệu từ đồ bỏ đi.

Mỗi năm từ chế biến đồ bỏ đi này cho gia đình anh thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng ở vùng nông thôn khó nghèo này là cả mơ ước của đời người.

Hoàng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang